Nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam: “Làm tất cả để đền ơn nghề Tổ”

06/12/2017 23:37

Theo dõi trên

Nghệ sĩ Tuồng Lưu Ngọc Nam, người vẫn được mệnh danh là “Vua Phục trang Tuồng” trong mấy chục năm qua, gần đây lại được bạn bè ngành tuồng cả nước phong tặng một cái chức mới, cũng chót vót như thế: “Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Tuồng không chuyên”.

Gặp anh giữa những ngày đầu đông Hà Nội, trong căn hộ tuềnh toàng tại Nhà hát Tuồng VN mà anh và vợ, NSND Hương Thơm, đã ở trong mấy chục năm qua, nhắc tới hai danh hiệu này, Lưu Ngọc Nam cười toáng: “Bạn bè cứ đùa thế. "Vua chân đất" và Chủ tịch không quân ấy mà. Nhưng làm được gì, tôi sẽ làm tất cả để đền ơn nghề Tổ”…
 
 
Nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam.
 
“Thần đồng” Tuồng Hà Lĩnh

Gần 30 năm qua, Lưu Ngọc Nam đã quá nổi tiếng với danh hiệu “Vua phục trang tuồng”, lại dường như không bao giờ trở lại biểu diễn trên các sàn diễn tuồng chuyên nghiệp, nên rất ít ai nhớ anh từng là một “thần đồng” sân khấu, một nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc của Đoàn Tuồng Liên Khu 5 lừng lẫy một thời (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định).
 
Lưu Ngọc Nam sinh năm 1948, tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ngay tại quê anh, Hà Lĩnh, từ lâu đã có một gánh hát tuồng nổi tiếng, gánh hát Hà Lĩnh. Đây là gánh Tuồng rất được yêu thích ở  xứ Thanh và các địa phương xung quanh, do các đào kép nổi tiếng từ Huế ra lập nên. Năm 6 tuổi, Lưu Ngọc Nam đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, được tuyển vào gánh, được các thầy trong gánh yêu mến truyền nghề. Anh đã sớm nổi tiếng là một “thần đồng” tuồng ở đây,  mới ở tuổi thiếu niên mà đã trở thành một kép chính của gánh Hà Lĩnh với các vai diễn lớn như Địch Thanh, Hoàng Mai Ba (tuồng Ngũ Hổ bình Liêu), Hứa Tiên (Tuồng Thanh Xà, Bạch Xà)…Từ đấy, Nam được coi là “con chim mồi” để kéo đông đảo khán giả đến với những buổi diễn của gánh Hà Lĩnh…
 
 
Kép chính của Đoàn Tuồng Liên khu 5

Lưu Ngọc Nam trong vai Kim Lân
 
Từ gánh Hà Lĩnh, xứ Thanh, tiếng tăm của “thần đồng” tuồng Lưu Ngọc Nam đã bay ra tận thủ đô Hà Nội. Năm 14 tuổi, Nam được các thầy của Đoàn Tuồng Liên Khu 5 cất công vào  Thanh Hóa tuyền về lớp diễn viên của Đoàn cùng lứa với NSND Hòa Bình, NSUT Cao Đình Lưu…Đoàn Tuồng Liên Khu 5 khi ấy là Đoàn Tuồng lớn nhất trên miền Bắc với dàn diễn viên là các nghệ sĩ cự phách nhất của nghệ thuật tuồng miền Nam tập kết: NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Lai, NSND Phạm Chương, NSND Văn Phước Khôi, NSND Đinh Quả, NSND Nguyễn Vĩnh Phô, NSND Minh Đức…Tại đây, Lưu Ngọc Nam được chính những người thầy ưu tú này trực tiếp dạy dỗ. Đặc biệt, do nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ nhận làm Nam con nuôi nên ông nhờ người bạn thân nhất của mình là NSND Nguyễn Nho Túy ưu ái truyền cho Nam những vai tuồng bất hủ như Đổng Kim Lân, Đào Phi Phụng, Tạ Ngọc Lân…Sau hai năm học, Nam chính thức trở thành diễn viên của Đoàn Tuồng Liên Khu 5 và nổi bật lên với việc được giao hầu hết các vai  chính của các vở diễn mới như Trần Bình Trọng (tuồng Trần Bình Trọng), Lê Lợi (tuồng Lam Sơn khởi nghĩa), Thi Sách (tuồng Trưng nữ vương), Thạch Sanh (tuồng Dũng sĩ gốc đa)…Không chỉ thành công với vai chính diện, Lưu Ngọc Nam còn cho thấy khả năng diễn xuất toàn diện của mình với  thành công bất ngờ trong các vai hài cũng như vai phản diện như Cố vấn Mỹ (tuồng hiện đại Những người con), hay Thầy Nghiêu (tuồng đồ Nghêu, Sò, Ốc, Hến…) đều được tặng huy chương vàng trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Dù đã trở thành kép chính của Đoàn Tuồng số 1 miền Bắc thời ấy nhưng niềm say mê học hỏi sáng tạo của Lưu Ngọc Nam dường như không có điểm dừng. Khi đất nước vừa giải phóng, về kinh đô tuồng Quy Nhơn dự ngày hội tuồng, được xem nghệ sĩ Chánh Phẩm biểu diễn vai Vua đói có một không hai trong nghề tuồng, Sau đó, trong dịp một số nghệ sĩ của Đoàn vào tập huấn tại Đà Nẵng, Nam đã nhờ GS Hoàng Châu Ký giới thiệu mình với nghệ sĩ Chánh Phẩm để quyết học bằng được vai diễn có một không hai này. Lòng yêu nghề, tính ham học hỏi của Nam cuối cùng đã thuyết phục được nghệ sĩ Chánh Phẩm, một nghệ sĩ cực kỳ khó tinh trong việc chọn học trò truyền nghề, thu nhận anh làm học trò. Và sau hơn 2 tháng, người thầy tuồng thiên tài ấy không những trao truyền đến nơi đến chốn cho Lưu Ngọc Nam vai Vua đói mà còn khuyến mại thêm cho anh vai Vua ăn cơm sống, cũng là một vai diễn cực kỳ độc đáo của riêng thương hiệu Chánh Phẩm...
 
 
Lưu Ngọc Nam bên kịch bản tuồng Lý Thường Kiệt sau khi khỏi bệnh.

Bước ngoặc bất ngờ và danh hiệu Vua phục trang
 
Sở hữu những ưu thế lớn về “thanh sắc thục, tinh khí thần” của nghề tuồng, là truyền nhân của hai thầy tuồng vĩ đại, Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy) và Chánh Phẩm, có nhiều vai diễn để đời ngay tại đơn vị tuồng có đẳng cấp cao nhất, thế nhưng Lưu Ngọc Nam lại đột ngột bỏ nghề biểu diễn lúc đang trên đỉnh cao để chọn nghề làm phục trang sân khấu. Ấy là sau khi đất nước thống nhất, Đoàn Tuồng Liên khu 5 được đưa về Bình Định. Một số nghệ sĩ của Đoàn quê Bắc như Nam ở lại Hà Nội thành nhóm tuồng Liên khu 5 của Viện Sân khấu ít lâu rồi nhập về Nhà hát Tuồng Bắc. Cảm thấy cách diễn tuồng Nam của mình không phát huy được trên sân khấu tuồng Bắc, Lưu Ngọc Nam xin về phòng nghệ thuật của Nhà hát làm công tác tư liệu và bắt đầu tập trung nghiên cứu về phục trang tuồng. Nam kể rằng bố anh vốn là một thợ may nổi tiếng ở Hà Trung, lại rất mê tuồng. Chính ông đã mời các thầy tuồng từ Huế ra nuôi họ để họ dạy tuồng cho con em Hà Trung rồi lập gánh tuồng Hà Lĩnh. Vì thế, từ nhỏ Lưu Ngọc Nam đã thành thạo việc cắt may nên lúc này anh đã nghĩ tới một hướng mới trong cuộc đời: trở về nghề may của gia đình, chuyên may phục trang tuồng. Và bây giờ sau gần 30 năm, Lưu Ngọc Nam đã trở thành “Vua phục trang” không chỉ của sân khấu tuồng, kịch hát truyền thống mà gần 20 năm nay còn là chuyên gia phục chế phục trang cung đình cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Nhờ chịu khó sưu tầm tích lũy tư liệu, lại sẵn bản tính sáng tạo của một nghệ sĩ tài năng, coi trọng uy tín hơn lợi nhuận, thương hiệu phục trang Lưu Ngọc Nam rất được yêu chuộng, có mặt khắp các đơn vị tuồng, cải lương, dân ca kịch chuyên nghiệp, các lễ hội lớn nhỏ suốt từ Bắc vào Nam. Nghề may phục trang sân khấu đã giúp Nam có của anh của để, lo cho cuộc sống gia đình, giúp NSND Hương Thơm yên tâm sáng tạo vai diễn, làm tròn chức trách Phó Giám đốc Nhà hát tuồng VN và giúp anh có điều kiện thực hiện ước mơ nung nấu từ lâu: góp phần phát triển phong trào tuồng không chuyên, theo Nam là cái gốc để giữ gìn nghiệp Tổ của nghệ thuật tuồng
 
Hạnh phúc khi được sống với tuồng không chuyên
 
Với Lưu Ngọc Nam, mỗi khi đến với các đơn vị tuồng không chuyên anh như được sống lại những tháng ngày trong trẻo, vô tư, chỉ biết dành tất cả cho nghề Tổ bên cạnh các bậc thầy trọn đời sống chết với nghề… Và đó là một niềm hạnh phúc thiêng liêng. Đã hơn 10 năm nay, Nam âm thầm đến với các đoàn tuồng không chuyên khắp Bắc Trung Nam, làm tất cả những gì mà các đơn vị ấy cần mà anh có thể làm được. Đến giờ thì hơn 60 đoàn tuồng không chuyên trong cả nước không những coi anh là một người bạn lớn mà còn như một thủ lĩnh đích thực, một “thiên sứ” dẫn dắt họ vượt qua những khó khăn gian khổ để tồn tại, phát triển, vươn đến thành công. Đã có lúc nhiều người nghĩ Nam đến với tuồng không chuyên là việc mở rộng việc tiêu thụ phục trang của mình nhưng sau khi hiểu rõ quan hệ của anh với các đơn vị tuồng chân đất này, mới biết ở đây Nam không hề có lợi ích riêng gì. Ở đây, anh là một kẻ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chính hiệu. Đến với tuồng không chuyên, Nam trở lại là một nghệ sĩ biểu diễn, anh say mê truyền dạy lại các vai diễn mà anh được các bậc thầy truyền dạy và cả những vai diễn mà anh sáng tạo, anh còn trở thành đạo diễn, người cho mượn phục trang, nhà quảng cáo, cán bộ tiền trạm hội diễn, biểu diễn, người “chạy” giấy khen, bằng khen các cấp... Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè phong cho Nam cái chức “Chủ tịch Hội nghệ sĩ tuồng không chuyên”, bởi với tuồng không chuyên uy tín của Nam gần như tuyệt đối, có thể “nhất hô bá ứng”. Khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức Liên hoan tuồng Tống Phước Phổ năm 2015, ban đầu chỉ mời được 6 đoàn tuồng chuyên nghiệp. Nam gặp NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội, đề nghị cho lực lượng tuồng không chuyên tham gia. Anh Thọ mừng nhưng cũng hơi nghi ngại về năng lực nghệ thuật và tài chính của các đơn vị này. Nam đảm bào rằng nhiều đơn vị không chuyên trình độ nghệ thuật không hề thua kém chuyên nghiệp và họ hoàn toàn có thể tự bỏ kinh phí đến với hội diễn. Anh Thọ mừng lắm. Đúng là sau đó, Lưu Ngọc Nam đã “gọi” được đến 14 đoàn tuồng không chuyên tham gia, tạo nên một liên hoan nghệ thuật sân khấu truyền thống sôi động và độc đáo chưa từng thấy. Đầu năm 2016, theo đề nghị của Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định lên kế hoạch tổ chức liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc. Chỉ trong một tuần lễ, Nam đã đưa đến cho Ban tổ chức một danh sách hơn 30 đoàn phía Bắc đăng ký tự túc tham dự…
 
Làm mọi việc vì tương lai của tuồng
 
Lưu Ngọc Nam nói rằng anh là người may mắn, được Tổ nghề hậu đãi. Từ quê hương Thanh Hóa nghèo khó, vợ chồng anh đến được với thủ đô, cũng gọi là thành đạt, có mấy miếng đất để dành ở Hà Nội, đều nhờ nghề tuồng. Bởi vậy, bây giờ làm được gì để đền ơn nghề tổ, anh sẽ dốc lòng dốc sức. Và việc gắn bó máu thịt, hoạt động không mệt mỏi cho tuồng không chuyên là để thỏa mãn tâm nguyện này. Theo Nam, anh rất lo cho tương lai của 6 đơn vị tuồng chuyên nghiệp nhà nước  khi các thế hệ nghệ sĩ tài năng theo nhau về hưu mà các thế hệ thay thế trong mỏi mắt chẳng thấy. Thực trạng này, Nam biết mình khó thể góp phần thay đổi. Nam nghĩ: thôi thì, ngọn có thể tạm héo nhưng tuồng sẽ không chết nếu gốc nó vẫn tươi xanh, tuồng không chuyên chính là cái gốc của tuồng và Nam tự nguyện lao vào  góp phần vun bón cái gốc ấy.
 
Đầu năm 2017 vừa qua, do làm việc quá sức, Lưu  Ngọc Nam bị tai biến nhẹ. Anh phải cấp cứu, điều trị khá dài tại bệnh viện E. Gần như các nghệ sĩ tuồng không chuyên cả nước đã đến bên anh trong những giờ phút khó khăn đó. Người nườm nượp về từ Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Hoài Đức (Hà Nội), Thị trấn Chờ, Phú Mẫn, Tiến Bào (Bắc Ninh), Vĩnh Lộc  (Thanh Hóa)…Thư điện, tin  nhắn liên tục về từ Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, TP Hồ Chí Minh…Đó là nguồn động lực lớn giúp Nam hồi phục rất nhanh để trở lại với nghề may phục trang và sàn diễn tuồng không chuyên. Mùa đông này Lưu Ngọc Nam đã  hồi phục  gần như 100% sức lực và anh đang lao vào chuẩn bị tiết mục cho các đoàn tuồng không chuyên chuẩn bị tham gia Liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở và tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức trong năm 2018. Khi tiếp chúng tôi, trên tay Lưu Ngọc Nam là kịch bản tuồng Lý Thường Kiệt do anh chuyển thế từ một kịch bản kịch nói. “Thế là anh lại có một nghề mới, tác giả chuyển thể tuồng”, tôi trêu anh. Nam bảo tìm kịch bản cho tuồng không chuyên không dễ nên nhiều khi anh phải tự sản xuất...
 
Được biết, để mừng Lưu Ngọc Nam bước vào tuổi “nhân sinh thất thập”, GS Hoàng Chương và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, đồng Chủ tịch và Thường trực Giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên danh nhân Đào Tấn, giải thưởng dành tôn vinh những tập thể và cá nhân có những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, sẽ chính thức đề nghị Hội đồng Giải thưởng trao tặng cho Lưu Ngọc Nam giải thưởng danh giá này. Và một chương trình tôn vinh những đóng góp thầm lặng, bền bỉ, to lớn của nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam với nghề tuồng đã được tạp chí Văn hiến Việt Nam lên kế hoạch tổ chức vào đầu xuân Mậu Tuất. Đây sẽ là cơ hội để Lưu Ngọc Nam giới thiệu với đồng nghiệp, khán giả hâm mộ các thế hệ các vai diễn bất hủ như Kim Lân, Vua đói, Vua ăn cơm sống…Đây cũng chắc chắn sẽ là ngày hội không thể nào quên của phong trào tuồng không chuyên cả nước khi cùng với “Chủ tịch” Lưu Ngọc Nam, một số tập thể cá nhân tiêu biểu của tuồng không chuyên cũng sẽ được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn vào dịp này…
 
Ngọc Anh

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam: “Làm tất cả để đền ơn nghề Tổ”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.