Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung: "Cần giải pháp mang tầm chiến lược"

21/09/2015 14:02

Theo dõi trên

Bàn về vấn đề giải pháp để sân khấu cải lương và đời sống văn hóa nghệ thuật đi vào thực tiễn, NS Kiều Mỹ Dung (Nhà hát Tây Đô) phân tích, vấn đề cần nhất hiện nay chính là tạo niềm tin cho đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật.

Văn nghệ sĩ phải thật sự có niềm tin và nói lên sự thật thông qua tác phẩm. “Buộc văn học nghệ thuật gánh vác trọng trách chấn hưng đạo đức của toàn xã hội, có nhiều bộ phận không đồng tình, vì ngày nay họ cho rằng văn học nghệ thuật đơn thuần là giải trí, thế thì đưa văn học nghệ thuật và sàn diễn cải lương vào quỹ đạo chung trong một xã hội đang hội nhập rất cần xác định chuẩn mực. Chiến lược ở đây chính là phương thức đưa văn học nghệ thuật đến quỹ đạo đó. Và người nghệ sĩ khi đã có niềm tin, có động lực thì sẽ sáng tác theo chuẩn mực đạo đức thông qua từng tác phẩm”.
 

Theo NS Kiều Mỹ Dung, người vừa thực hiện thành công chương trình Sân khấu học đường tại Cần Thơ, thì giải pháp vực dậy sân khấu cải lương cần mang tính đồng bộ và xuất phát từ mỗi văn nghệ sĩ đối với công việc, có trách nhiệm với cơ sở nơi mình đang công tác chính là hiệu quả tiên liệu. 
 
Chị chia sẻ: “Cục nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT và DL đã tổ chức sân khấu học đường, tiếp tục xúc tiến việc đưa cải lương vào các trường đường. Vấn đề đạo đức xã hội nằm ở những vốn quý của nghệ thuật dân tộc. Do vậy, giải pháp cụ thể nhất và mang tầm chiến lược nhất hiện nay để đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ, chính là giáo dục thẩm mỹ thông qua những tác phẩm sân khấu. Những tích tuồng, kịch bản chèo, câu chuyện cải lương, bài bản ĐCTT Nam Bộ và sân khấu cải lương đều tôn vinh những giá trị đạo đức, thuần phong, mỹ tục của người Việt. Tâm hồn các em học sinh từ tiểu học cho đến trước khi vào đại học, các em được tiếp cận với văn hóa nghệ thuật dân tộc, tức sẽ biết nâng niu, hướng tâm hồn đến chân thiện mỹ. Như vậy trong từng công việc cụ thể và mạnh dạn có đề xuất, như chúng tôi đã từng làm, thì mỗi văn nghệ sĩ hãy biết mình đang đứng trước một hố sâu, mà nếu không bình tĩnh, thì sẽ ngã nhào xuống, rồi kéo theo cả một thế hệ”.
 
Các nghệ sĩ có tâm huyết như NS Kiều Mỹ Dung đã hướng đến một điều xuất cụ thể. “Cần có hành lang pháp lý để ngăn chặn những biểu hiện cổ xúy cho những sáng tác dung tục, phá hoại đạo đức, truyền thống của dân tộc. Chúng ta nặng về việc dạy chữ mà quên đi trách nhiệm dạy làm người. Chiến lược ưu tiên hàng đầu giữa văn học nghệ thuật chính là liên kết với giáo dục. Văn nghệ sĩ không vô cảm mà cần sự đồng hành của ngành giáo dục để có sự dấn thân trong sáng tác. Bởi quyền lực lớn nhất chính là lương tâm và văn nghệ sĩ trước khi muốn nổi danh thì phải là một công dân, mà công dân thì phải tuân thủ pháp luật. Nâng tầm chiến lược cho công tác chấn chỉnh đời sống văn học nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn hiện nay, một yếu tố bất biến là xưa nay trong môi trường sư phạm có câu “tiên học lễ, hậu học văn”, bây giờ vấn đề cấp bách chính là đừng để biểu ngữ này bị xem là hình thức. Có 4 thành tố tác động đến hành vi đạo đức của con người trong xã hội, đó là pháp luật, dư luận, phong tục tập quán và biểu tượng của văn hóa tâm linh. Chấn hưng đạo đức xã hội thì phải củng cố 4 thành tố này. Lung lay một trong bốn sẽ mất nền văn hóa và vấn đề đạo đức xã hội sẽ tiếp tục suy thoái”. 
 
Ba giải pháp mang tính trọng tâm mà theo NS Kiều Mỹ Dung, “cần nên xác định cho đúng: Văn học nghệ thuật trong đó có nghệ thuật cải lương với nhiều kịch bản văn học hay cần phải gieo niềm tin tốt đẹp đến khán giả trẻ; hướng con người đến với chân thiện mỹ; nâng cao đời sống dân trí. Đã đến lúc các tổ chức chính trị phải vào cuộc, không thể bắt văn nghệ sĩ chúng tôi tự hô hào, tự động viên nhau. Vai trò của pháp lý thông qua các hội chuyên ngành rất quan trọng. Ai làm tốt khen thưởng đúng lúc, ai làm sai, điều chỉnh, thậm chí xử thật nghiêm, đó là vấn đề quan trọng nhất đòi hỏi cấp quản lý, người đứng đầu những cơ quan hành pháp phải làm gương”.
 
Lý giải thêm về chiến lược này, chị nói: “Công tác chăm lo cho đời sống văn nghệ sĩ đã được làm rất tốt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên phải có chế độ, chính sách ưu đãi để hướng các tác phẩm đến với việc góp phần thay đổi nhận thức, lối sống đạo đức trong cộng đồng. Khen phạt phải phân minh. Ngân sách cấp cho các đơn vị nghệ thuật quốc doanh cần phải xem lại, nếu làm không được việc thì ngưng, để giao kinh phí cho các đơn vị xã hội hóa làm. Không ai bỏ tiền túi là tác phẩm để chờ được vinh danh, mà họ cần có kinh phí để làm tác phẩm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người VN trở nên thân thiện với bạn bè thế giới thông qua văn hóa nghệ thuật và chuẩn mực đạo đức”.

(Như Mai/Tạp chí SK Tp. HCM)

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung: "Cần giải pháp mang tầm chiến lược"" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.