Nghệ nhân Lữ Hữu Thi: “Báu vật sống” của nhã nhạc cung đình Huế

11/02/2015 16:59

Theo dõi trên

Nghệ nhân Lữ Hữu Thi là thành viên duy nhất còn sót lại của ban nhạc Hòa Thanh - ban nhạc phục vụ cho hai đời vua Khải Đinh và Bảo Đại. Hơn 100 năm tuổi đời, hiện giờ cụ chính là “báu vật sống” của âm nhạc cung đình Huế tại Việt Nam.



Cụ Thi đang chơi nhã nhạc 

“Báu vật” của âm nhạc cung đình Huế

Chúng tôi đến nhà cụ Thi vào những ngày cuối tháng chạp. Ngôi nhà nhỏ tại đường Đặng Tất, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, TT Huế là nơi ở và cũng là nơi cụ truyền đạt lại cho con cháu những kiến thức và kỹ năng về âm nhạc cung đình Huế.

Khi chúng tôi đến, cụ Thi vẫn đang phơi dở chiếc áo lễ phục cụ thường mặc những khi chơi nhạc. Năm nay cụ đã tròn 103 tuổi nhưng nhìn cụ vẫn khá minh mẫn và khỏe mạnh với đôi mắt tinh anh, hàng rau trắng xóa, giọng nói sang sảng như lúc còn trẻ.  


Gạt nhẹ tàn thuốc đang cháy trên tay, cụ nói: “Nhã nhạc với tôi là xương máu và là cái nghiệp của cả gia đình tôi, gần 90 năm gắn bó với nhã nhạc, vinh quang hay tủi nhục nào tôi cũng từng trải qua”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nhã nhạc, nên từ nhỏ cụ Thi đã nhanh chóng tiếp thu với âm nhạc cung đình Huế. Cụ kể lại: “Năm 8 tuổi, tôi đã biết được tất cả các giai điệu. Đến năm 16 tuổi tôi đã biết sử dụng đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, phách tiền, tam âm, trống bản…”.

Gia cảnh khó khăn nên khi cụ Thi còn bé, thân sinh cụ đã hướng cho con mình học nhạc để có thêm thu nhập. Những ngày đầu mới vào nghề, cụ chơi nhạc cho những đám ma hay các lễ hội trong làng. Được trực tiếp cha mình chỉ dạy nên cụ Thi nhanh chóng bộc lộ được năng khiếu về âm nhạc.

Năm lên 15 tuổi, được sự giới thiệu của cha, cụ Thi vào chơi nhạc cho ban nhạc địa phương. Với tài năng của mình khi ấy, cụ nhanh chóng khẳng đinh được vị thế trong ban nhạc. Sau khi cha mất, cụ vẫn tiếp nối cha tiếp tục theo đuổi con đường nhã nhạc.

Không chỉ là một nghệ nhân nhã nhạc, cụ Thi còn là một “pho từ điển sống” về loại hình âm nhạc này với một vốn kiến thức sâu rộng. Cụ Thi cho biết, âm nhạc cung đình xuất hiện từ thế kỷ 13 vào thời nhà Trần, nhưng mãi đến thời nhà Nguyễn thì mới thực sự phát triển. Theo cụ Thi, một bản nhã nhạc thông thường được thực hiện bằng các loại nhạc khí khác nhau: Kèn bầu, đàn tỳ bà, đàn nhị, sáo trúc, nhạc cụ gõ. 

Cụ kể: “Nhã nhạc cung đình Huế đa dạng về thể loại, mỗi dịp khác nhau sẽ có một bản nhạc khác nhau. Trong các dịp nghinh rước trong tế đàn Nam Giao sẽ chơi bản Nghinh lễ, lễ mừng thọ vua sẽ chơi bản Long Ngâm…”.

Năm 2003, sau khi nhã nhạc được Unesco (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, cụ Thi ra sức phục dựng lại những bản nhã nhạc có nguy cơ bị thất truyền. Với sự cố gắng của mình cụ đã tìm ra và phục dựng thành công các bản nhạc cổ như: Nam ai, nam bằng, Long ngâm, xướng tán Nam Giao, Thài Nam Giao… 

Năm 2010, do tuổi già sức yếu, cụ đã không tham gia công tác nghiên cứu về nhã nhạc, thay vào đó cụ giao lại cho các con của mình tiếp tục sự nghiệp. Riêng về phần mình, cụ về làm việc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường để tiếp tục đào tạo nhạc công cho nhã nhạc Huế, và là cố vấn cho các chương trình biểu diễn nhã nhạc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường. Tiếp tục đào tạo nhạc công, tính tới thời điểm hiện tại cụ đã đào tạo cho khoảng 200 nhạc công cho âm nhạc cung đình Huế.

Người chơi nhạc cho hai đời vua 

Suốt 90 năm chơi nhạc, điều cụ Thi tự hào và ghi nhớ nhất đó là những ngày tháng sống trong hoàng cung để chơi nhạc cho vua.

Năm 1940, khi vừa tròn 28 tuổi, do gia cảnh khó khăn, cha lâm bệnh, nên cụ đã xin vào cung làm nghề kim hoàn. Một hôm, cụ thấy một đội nhạc lễ đang tập luyện, cụ đứng nhìn sửng sốt, sau đó cụ mạnh dạn xin các bà Tôn thất cho thử đàn. Các bà Tôn thất thấy vậy ngạc nhiên nên cho cụ thử, vừa nghe xong tiếng đàn ai cũng bất ngờ vì quá hay. Lúc này, một bà Tôn thất mới hỏi cụ: “Ai dạy cho mi đàn  mà mi đàn hay rứa?”. Lúc này cụ mới trả lời: “Bẩm các bà, con sinh ra trong gia đình có truyền thống về nhã nhạc nên cũng biết chút ít ạ”. Từ đó, vì mến mộ tài năng của ông nên các bà Tôn thất đã cho ông vào ban lễ nhạc, cho ở lại hoàng cung để ăn ở và tập luyện.

Những ngày sống ở hoàng cung là những ngày đáng nhớ với cụ, những kỹ luật khắt khe chốn cung đình làm cụ và những thành viên trong đội nhạc lễ đều lo lắng. “Trong cung điện, tôi đã được dạy làm thế nào để đứng trong một đường thẳng và ăn mặc đúng cách, làm thế nào để sắp xếp và đội mũ trong sự hiện diện của nhà vua theo quy định của hoàng gia. Ngay cả nếu tôi vô tình bước vào một tổ kiến đỏ và bị cắn bởi các loài côn trùng, tôi không được phép để di chuyển cơ thể của tôi”, cụ nhớ lại.

Cụ kể tiếp: “Ngày tôi mới chân ướt chân ráo vào phục vụ trong cung, mỗi lần chơi nhạc dịp yến tiệc là vua Khải Định lại gần ngó nghiêng. Vua mặc thường phục và không bao giờ có vương phi hay cung nữ nào ngồi cùng, chỉ ăn uống, ngồi rung chân theo điệu nhạc. Có khi tiệc tùng cả nửa ngày, đội nhạc công đánh hết bài này lại chuyển sang bài khác, rã rời chân tay nhưng không ai dám nhúc nhích”.

Sau khi vua Khải Định mất, đội nhạc Hòa Thanh tan rã một thời gian, đến khi vua Bảo Đại lên ngôi thì ban nhạc mới tập hợp lại. Nhưng lúc bấy giờ, đội nhạc không phải thường xuyên vào chơi nhạc cho vua như trước, đội chỉ lo phục vụ yến tiệc và tiếp đãi các quan khách, đặc biệt là người Pháp.

“Có lần chúng tôi mới dạo được vài điệu, vua đột nhiên bỏ đàn đi ra ngoài làm mình toát mồ hôi hột. Lân la hỏi lính gác mới biết vua đang có chuyện không vui”, cụ kể.

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, ban nhạc tan rã, các thành viên mỗi người mỗi nơi, riêng cụ Thi vẫn theo đuổi cái nghiệp của ông cha.

Thăng trầm cùng nhã nhạc cung đình

Năm 1945, cách mạng thành công, vua Bảo Đại thoái vị, ban nhạc đã bị giải tán ngay sau đó, những người trong đội nhạc trở lại công việc trước đây của mình hoặc về quê hương làm nông dân như trước. 

Nối tiếp cụ Thi, ông Lữ Hữu Minh, con trai cụ tiếp tục theo đuổi nhã nhạc, cha con ông thường chơi nhạc tại các đền thờ và nơi công cộng để sống qua ngày, và quan trọng hơn là lưu giữ di sản nhã nhạc bằng cách cha truyền con nối.

Đến năm 1990, khi nhà nước bắt đầu khôi phục và bảo tồn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thì nhã nhạc lại có cơ hội để “khoe mình”, chấm dứt 50 năm mai một và có nguy cơ thất truyền.

Trong năm 2009, cụ Thị được vinh danh tại Festival nghề truyền thống Huế bởi những đóng góp của mình để nhã nhạc được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới. Năm 2014, cụ được UBND tỉnh TT - Huế tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy nhã nhạc cung đình Huế. 

Tiếp nối truyền thống của cha ông, bốn con trai của cụ vẫn đang theo đuổi nhã nhạc, và hiện đang công tác tại đội nhã nhạc cung đình Huế. Ông Lữ Hữu Minh, con trai trưởng của cụ tâm sự: “Bốn đời của gia đình tôi đã theo nhã nhạc, giờ đây nó đã là cái nghiệp của nhà tôi, chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn và phát huy nó, không những có đời thứ tư mà còn cả đời thứ năm, thứ sáu”.

Mỗi ngày, ngôi nhà cũ nằm ở đường Đặng Tất lại vang lên những giai điệu hài hòa của nhã nhạc và nó được thực hiện bởi cha, con, cháu, chắt của cụ Thi, thậm chí, một cậu bé 6 tuổi chắt của cụ cũng có thể chơi trống và hát một vài bài hát nhã nhạc. "Tổng số của tất cả các thành viên trong đại gia đình của tôi có thể hình thành ít nhất ba dải nhã nhạc", cụ Thị tự hào nói. 

Để giải thích cho niềm đam mê nhã nhạc của gia đình, cụ nói: "Đây là một cái gì đó tự nhiên, giống như nó là trong gen của chúng ta. Tôi không ép buộc con trai tôi tìm hiểu âm nhạc, nhưng anh yêu nó thì nó bây giờ là một phần của cơ thể và tâm hồn của anh".
 
Trương Duy

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân Lữ Hữu Thi: “Báu vật sống” của nhã nhạc cung đình Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.