Nghệ nhân Bùi Hải Dính và tâm nguyện bảo tồn những giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam

16/06/2024 10:42

Theo dõi trên

Nghệ nhân Bùi Hải Dính sinh ra và lớn lên tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình là điểm nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc, cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều cảnh quan núi rừng tươi đẹp.

a1-1655513484-1718509135.jpg

Sinh trưởng trong cái nôi văn hóa đặc sắc Mo Mường nên việc được bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một quá trình khó khăn và gian nan trong khi gia đình chưa có ai từng tìm hiểu và biết đến tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như nghệ thuật diễn xướng hầu đồng. Vượt lên trên tất cả những khó khăn cùng sự chỉ bảo dẫn dắt của đồng thầy, cậu đến với tín ngưỡng thờ Mẫu và hầu đồng từ năm 2012. Tuy còn trẻ tuổi song cậu đồng Bùi Hải Dính đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu để hiểu được những giá trị cốt lõi mà tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam mang lại.

Nghệ nhân Bùi Hải Dính luôn tâm niệm giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, phép tắc lễ nghi, an ninh trật tự khi người dân tham dự… Mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào đối với nghệ nhân.

“Mục đích, giá trị sâu xa ở đây chính là hướng về tổ tiên nguồn cội, báo ơn các vị thánh nhân đất Việt cũng như những bậc anh hùng có công xây dựng đất nước trong văn hóa dân gian. Để cộng đồng đều hiểu và trân trọng điều ấy, gánh nặng trước tiên sẽ thuộc về những người đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, như tôi vậy”, cậu đồng chia sẻ.

a2-1655513494-1718509171.jpg

Trong thời kì dịch bênh đang diễn ra phức tạp ở địa phương, cậu đồng Bùi Hải Dính không quản ngại khó khăn dùng sức trẻ của mình xung phong tham gia các công tác, hoạt động phòng chống dịch tại huyện Kim Bôi. Những đóng góp tích cực về cả vật chất cũng như tâm huyết của cậu đồng đã được chính quyền địa phương ghi nhận và Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi phong tặng giấy khen: Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Thi đua thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid- 19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”.

Năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi thức hầu đồng nói riêng đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại như một sự khẳng định về giá trị văn hoá và giá trị tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của chúng ta hiện nay.

a3-1655513522-1718509196.jpg

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, tương truyền các vị thánh Mẫu đã nhiều lần hiển linh trong những thân phận khác nhau để bảo hộ, che chở cho dân khỏi thiên tai, địch họa, nên được kính trọng, tôn thờ. Đó là cái gốc, để từ đó, những vị anh hùng dân tộc, người có công lao trong lịch sử, huyền thoại cũng được cộng đồng đạo Mẫu tôn thờ, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, giáo dục con người hướng đến những điều tốt đẹp, trong sáng.

Mang trong mình sứ mệnh con nhà Thánh, nghệ nhân Bùi Hải Dính đã luôn trăn trở, thôi thúc bản thân mình, làm sao để luôn bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá tâm linh tốt đẹp này.

a5-1655513538-1718509122.jpg
a4-1655513531-1718509239.jpg

Chính vì lẽ đó cậu đồng Bùi Hải Dính đã tiến hành xây dựng Đền thờ Chầu Bé Vọng Linh Từ năm 2019 bao gồm 5 cung và 7 gian thờ, trong đó có Cung thờ Mẫu, cung thờ Chầu bé, Cung đại bái, Cung Trần Triều, Ban Mẫu Thiên, Miếu Sơn Trang, Cung thờ Ngũ vị tôn quan và quan Hoàng Bảy, cuối cùng là Cung thờ cô Chín. Đền thờ vọng chính cung Chầu Bé là con gái người Nùng ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chầu anh linh giúp dân giúp nước, độ người viễn sứ tha hương, lúc lại hiện hóa ra người bán hàng, chữa bệnh. Ngài là hiện thân của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Đền được nhân dân địa phương đón nhân và cũng là không gian sinh hoạt văn hóa của những người dân nơi đây. Trải qua một quãng thời gian vô cùng gian nan đến nay Đền đã hoàn thành.

Bài: PV - Ảnh: Đào Anh Minh
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân Bùi Hải Dính và tâm nguyện bảo tồn những giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.