Những năm gần đây, các cơ quan đoàn thể có tổ chức ngày hầu xướng ở các đền, phủ bằng hình thức tập hợp các thanh đồng đạo quan về để hành lễ, nhằm ôn lại lịch sử văn hóa của dân tộc, của các bậc tiền bối cha ông ngày xưa. Theo đó, các nghệ nhân sẽ diễn xuất lại công trạng của các ngài để in sâu, thấm nhuần vào tư tưởng của người dân. Từ đó giúp mọi người hiểu rằng trong lịch sử đã có những vị thần như vậy, để mọi người tin tưởng, đi theo con đường đúng đắn của đạo Mẫu. Bên cạnh đó, việc làm này cũng là dịp để phân tích xem các thanh đồng hầu xướng đã thực đúng việc nhà người, đã phải phép việc thánh hay chưa, có biểu hiện hầu nhố nhăng hay không.
Quá trình trở thành một thanh đồng
Vào khoảng năm 1989 tôi bị cơ đày nên năm 1990 tôi phải ra trình đồng mở phủ, thời gian đầu tiên tôi tham gia hát chầu Văn tại đền Chợ Củi, Hà Tĩnh. Sau đó, tham gia ở nhiều nơi, nhất là miền Bắc, bản thân khi ấy vừa là một thanh đồng, vừa đi hát văn. Đến năm 2000, khi tròn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tâm linh, phụng sự thiên thánh, tôi trở thành đồng thầy.
Năm 1995, tôi tham gia xây dựng đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An). Thời điểm bấy giờ, tôi trực tiếp đóng góp vào việc tôn tạo, làm móng xây dựng 3 tòa nhà gỗ của đền lăng. Sau khi khánh thành đền, tôi có hầu đồng ở đó một thời gian, rồi về lại đền Chợ Củi. Đến năm 2015 - 2016 tôi được cán bộ, nhân dân địa phương và thủ nhang đền Tiên Sơn tin tưởng, giao phó nhiệm phụ trông coi đền (Phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Sau một năm, tôi cùng với đồng thầy Phạm Quang Hồng đứng ra xây dựng nên đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười. Khi đã xây xong, tôi bàn giao lại cho cậu Hồng rồi trở về nhà, tiếp tục công việc tâm linh - là một đồng thầy, làm công việc lễ bái, cầu an giải hạn đầu năm… cho dân thôn bản hạt, con nhang đệ tử cho tới nay.
Tầm quan trọng của thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam hiện đại
Là con cha con mẹ, đã được bề trên chấm lính nhận đồng nên tôi rất tôn trọng và một lòng nhất tâm hướng về đạo Mẫu. Trải một thời gian chịu khổ ải, hành sai, bản thân bị ốm đau bệnh tật, nhờ có niềm tin về Mẫu mà tôi đã có nhiều thay đổi tích cực. Vậy nên, Mẫu có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, là điểm tựa tâm linh cho mỗi người khi gặp phải khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.
Gia đình tôi luôn luôn hướng về đạo Mẫu, hướng về phật thánh. Điển hình, hiện tại gia đình tôi có 6 thanh đồng, gồm con trai, con gái và dâu, rể. Như người ta thường nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, vậy nên các con tôi cũng có căn duyên với Mẫu, được bề trên soi đường chỉ lối, đi theo con đường tâm linh như mẹ để phụng sự các ngài.
Một số trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Trong quá trình thực hành tín ngưỡng từ trước tới nay, điều mà tôi nhớ nhất là kỉ niệm về người thầy của mình. Đồng thầy của tôi là một người thầy thờ phủ, lập điện tại gia, là người đã giúp tôi ra đồng, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thầy qua đời. Khi thầy mất, tôi vừa thương tiếc vừa buồn tủi vì một mình bơ vơ không có người chỉ dẫn, không có đồng anh lính chị để mình bám víu, để sẻ chia trên con đường tâm linh. Sau này, nhờ ơn bề trên ban duyên, bày đường chỉ lối nên tôi cũng đã trở thành một đồng thầy.
Trong quá trình theo đạo Mẫu, hầu bề trên thì tôi cũng có gặp một số khó khăn bất cập, ví dụ như hàng năm tôi thường làm lễ và hầu ở Đền Chợ Củi, hoặc trình đồng mở phủ cho con nhang đệ tử thì chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhà đền hay mạnh thường quân về mặt tài chính. Mặc dù vậy, tôi vẫn hoan hỉ và không suy nghĩ gì nhiều vì mình luôn hướng về phật thánh và đạo Mẫu.
Ngày xưa, mỗi năm tôi hầu khoảng 4 vấn, gồm lễ cầu an giải hạn đầu năm, lễ mẫu tháng 3, rằm tháng 7, tạ lễ cuối năm. Nhưng 10 năm trở lại đây thì tôi chỉ hầu 2 vấn trong năm, đó là đầu trình cuối tạ hoặc tiến căn tiến quả cho con nhang đệ tử. Lý do cũng bởi tuổi tác đã cao, sức khỏe không đáp ứng được, bên cạnh đó xã hội có sự chuyển biến liên tục nên bản thân ít có cơ hội kiếm nhiều đồng ngân đồng xuyến để hầu nhiều nữa.
Về cung văn, có khi tôi chỉ hát 2 cung văn mỗi năm, nhưng có lúc lên tới 5 - 6 cung văn.
Chi phí thực hành tín ngưỡng do tự bản thân tôi bỏ ra nhờ việc hát văn, hay làm thêm đồ hàng mã để bán, đi lễ bái thập phương… Những khoản tiền kiếm được, tôi đều tích cóp lại để phụng sự cho việc thánh. Tùy thuộc vào điều kiện của từng thời điểm, có vấn hầu 50 - 70 triệu, nhưng có vấn chỉ tầm 30 - 40 triệu.
Hiện tượng biến tướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Không có gì là hoàn hảo, kể cả việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, vẫn có những hiện tượng biến tướng, sai lệch, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ngày nay, rất nhiều người đã biết và hướng về đạo Mẫu, về tâm linh nhiều hơn so với trước kia. Vì thế, một số thanh đồng người được hưởng lộc thánh, nhưng lại lợi dụng điều đó để lừa bịp dân chúng, những người chưa hiểu biết về đạo Mẫu, nhằm trục lợi cho riêng mình.
Vậy nên theo tôi, nếu thấy hiện tượng như vậy thì bản thân mình là đồng thầy phải hướng người ta đi đúng hướng chánh thiện của đạo Mẫu. Thậm chí, lúc cần thiết có thể đứng ra phân giải cho chính người thanh đồng đó hoặc cho những người dân đi lễ, tránh xa những hành vi nằm ngoài đạo pháp.
Biện pháp phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội ngày nay
Theo tôi, muốn phát huy được tín ngưỡng thờ Mẫu thì cần phải có đường lối tuyên truyền đúng đắn, quảng bá rộng rãi bằng nhiều hình thức, từ báo chí truyền thông, đến trực tiếp bên ngoài xã hội như truyền miệng...
Việc hầu đồng trên sân khấu
Tôi nghĩ việc đưa thực hành tín ngưỡng lên sân khấu cũng là một hình thức quảng bá.
Những năm gần đây, các cơ quan đoàn thể có tổ chức ngày hầu xướng ở các đền, phủ bằng hình thức tập hợp các thanh đồng đạo quan về để hành lễ, nhằm ôn lại lịch sử văn hóa của dân tộc, của các bậc tiền bối cha ông ngày xưa. Theo đó, các nghệ nhân sẽ diễn xuất lại công trạng của các ngài để in sâu, thấm nhuần vào tư tưởng của người dân. Từ đó giúp mọi người hiểu rằng trong lịch sử đã có những vị thần như vậy, để mọi người tin tưởng, đi theo con đường đúng đắn của đạo Mẫu. Bên cạnh đó, việc làm này cũng là dịp để phân tích xem các thanh đồng hầu xướng đã thực đúng việc nhà người, đã phải phép việc thánh hay chưa, có biểu hiện hầu nhố nhăng hay không.
Để giữ được tính thiêng liêng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trước hết tôi nghĩ chúng ta nên tìm hiểu về nguồn gốc của mỗi đền, điện. Đâu là đền gốc, có cốt lõi gắn với sự tích của các ngài ngày xưa, tránh việc thờ cúng tràn lan các vị ở khắp nơi làm mất đi sự uy linh của nhà ngài, không biết đâu là thật đâu là giả. Khi đã nắm rõ được nguồn gốc của Mẫu, của các ngài thì các thanh đồng đạo quan nên lan tỏa rộng rãi theo đúng phép tắc của đạo.
Việc sáng tác các điệu hát, múa dựa vào chầu Văn nhằm biểu diễn nghệ thuật
Nếu hầu ở đền, phủ thì chúng ta phải hát các bài ca ngợi về phật thánh cổ truyền.
Còn nếu để tham gia liên hoan văn nghệ các cấp tỉnh, huyện, xã phường hoặc để các nghệ sĩ biểu diễn… thì theo tôi, chúng ta có thể sáng tác và hát dựa trên điệu chầu Văn, nhưng khác về nội dung, ví dụ như ca ngợi về quê hương đất nước, về Đảng, Chính phủ. Các điệu hát đó vẫn phải đảm bảo giữ được lề lối phú, cờn, xá... của chầu Văn.
Ngoài ra, ai cũng có quyền được sáng tác mới để phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật, miễn rằng đảm bảo về mặt nội dung cũng như âm điệu gốc của chầu Văn. Bên cạnh đó phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền, sau đó mới được phép đem ra biểu diễn.