Nghệ An: Trang trọng Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55

24/08/2024 15:25

Theo dõi trên

Ngày 24/8/2024 (tức ngày 21/7 năm Giáp Thìn), huyện Nam Đàn (Nghệ An) tổ chức lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55 tại Khu di tích Kim Liên, xã Kim Liên.

2c1bdc53-fec5-46d7-ba81-ba796952064b-1630123640-1-1724477071.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969). Ảnh tư liệu

Bác đã đi rồi sao Bác ơi?

Cách đây 55 năm, vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 (nhằm ngày 21/7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân và bạn bè trên toàn thế giới.

Lễ giỗ đã trở thành nét văn hóa tâm linh từ nhiều năm nay trên quê hương Bác, thể hiện tấm lòng thành kính của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và cũng là dịp con cháu các dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân, họ Hà tự hào tôn vinh. 55 năm ngày Bác đi xa và cũng là 55 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Nguyễn Sinh Cung đã sớm tiếp thu truyền thống văn hóa của dân tộc, lòng yêu nước thiết tha. Đến năm 1911, người trai trẻ Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước khi mới 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng là giành độc lập tự do cho nước, cho dân.

Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và từng bước lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lãnh đạo Nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước. Theo con đường mà Người đã vạch ra, Đảng và Nhân dân ta đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, vững bước đi lên con đường hội nhập và phát triển.

toan-canh-20240824112431-1724477144.jpg
Toàn cảnh Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55 tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách sáng ngời; trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, Nhân dân ta. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn ngàn năm lịch sử.

Chuyện kể rằng...

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hoà bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thế giới tôn vinh người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.

Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im. Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi.

Bác muốn nghe một câu hò Huế bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền. Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim. Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời. Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.

Lần thứ ba, Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở, tái tê rằng: "Người ơi, người ở đừng về..." Bác nhìn em, rơm rớm hàng mi.

1241254252352525232353-4-1724477578.jpg
Đền Chung Sơn - Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ bởi bài ca đất nước sao quên. Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ, Bác muốn non sông đinh ninh lời hẹn thề: "Rằng đã yêu tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca".

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Người tượng trưng cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng; là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân. "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

“…Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn…”

Lễ giỗ lần thứ 55 là dịp để tưởng nhớ đến Người, ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và những cống hiến to lớn của Bác đối với đất nước, quê hương; tạo thêm động lực, niềm tin và quyết tâm để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện Di chúc, tâm nguyện thiêng liêng của Người, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá nhất của miền Bắc, huyện Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Trang trọng Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.