Bác đã đi rồi sao Bác ơi?

28/08/2021 11:09

Theo dõi trên

“… Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

img-20190517150612-1630121492.jpg
Hồ Chí Minh sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam bị đô hộ mà còn là một hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất. Ảnh: Tư liệu

Ngày 21/7 âm lịch năm Tân Sửu, lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 52. 

Lễ giỗ đã trở thành nét văn hóa tâm linh từ nhiều năm nay trên quê hương Bác, thể hiện tấm lòng thành kính của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và cũng là dịp con cháu các dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân, họ Hà tự hào tôn vinh. 52 năm ngày Bác đi xa và cũng là 52 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

Bác để tình thương cho chúng con

Sáng ngày mồng 2-9, bầu trời u ám, buồn bã như thấu lòng người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới thăm Bác đông đủ. Trong ngôi nhà 67, Bác nằm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ, thiếp đi. Các y bác sỹ trực sẵn sàng, im lặng, nhưng chồng chất nỗi lo.

Đột nhiên Bác đưa tay ôm lấy ngực và chằn mình nghiêng sang một bên. Các bác sỹ vội nhào tới xoa bóp. Máy điện tim mở gấp. Bác đã bắt đầu cơn đau dữ dội. Những tín hiệu chỉ còn thoi thóp và toàn chạy ngang với những đường sáng nhấp nhô yếu ớt… Các tín hiệu vụt tắt. Đồng hồ chỉ 9 giờ 47 phút.

Từ lúc thiếu niên cho đến khi về với cõi người hiền, Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời Bác, cho đến giây phút cuối cùng, thật là một cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân, vì nước, vì Đảng thân yêu. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước.

Từ ngày 25-8-1969 tình hình sức khỏe của Bác chuyển biến xấu, Bộ Chính trị đề nghị Bác không lên xuống Nhà sàn nữa mà ở hẳn trong Nhà 67 để chữa bệnh. Dù là trên giường bệnh nhưng Bác vẫn làm việc, ngày ngày đều đặn nghe báo cáo công việc từ cả hai miền đất nước, vẫn đọc sách báo, gửi điện mừng và trao tặng huân chương, huy hiệu, tặng hoa cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chiến đấu và sản xuất.

Ngày 28-8, nhịp tim của Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp. Buổi chiều, Bác như thiếp đi. Sau khi các bác sỹ tiêm thuốc, Bác tỉnh lại. Đôi mắt từ từ mở ra, rồi khẽ mỉm cười khi nhìn thấy đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Nụ cười đã hầu như héo đi trên gương mặt xanh xao của Bác làm mọi người xúc động.

Ngày 29-8, bệnh của Bác không hề thuyên giảm.

Ngày 30-8, bệnh của Bác càng nặng thêm, liên tục đau ngực, rồi Bác hôn mê. Tất cả đều bàng hoàng. Sau khi các bác sỹ cấp cứu hồi lâu, Bác mới từ từ mở mắt, vẻ rất mệt mỏi. Nhìn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác khẽ hỏi: “Chú chuẩn bị tổ chức Quốc khánh năm nay ra sao rồi?”, và nhắc: “Nhớ bắn pháo hoa cho dân vui”. Thủ tướng vô cùng xúc động, báo cáo với Bác mọi việc đã chuẩn bị chu đáo.

Bác lại hỏi: “Lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần phải lo cứu dân nếu đê vỡ”. Thủ tướng không dám giấu Bác, báo cáo là lũ vẫn chưa rút hết. Rồi Thủ tướng mạnh dạn thưa với Bác: “Chính phủ muốn mời Bác lên khu an toàn để Bác được tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt”.

Bác lắng nghe, rồi lắc đầu, thong thả nói chậm: “Không! Bác không muốn đi đâu cả. Bác không thể bỏ dân. Dân ở đâu, Bác ở đó, dù lụt lội hơn nữa, dù Mỹ có ném bom Hà Nội trở lại…”. Thủ tướng chỉ còn biết ứa nước mắt nhìn Bác và thầm kêu lên: “Bác ơi, đến cảnh ngộ này, Bác vẫn chỉ nghĩ đến dân…”.

Ngày 31-8, Bác muốn ăn cháo, các đồng chí phục vụ nấu một bát cháo ngon, Bác ăn hết, mọi người rất mừng. Cũng ngày này, nghe tin một đơn vị tên lửa thuộc Sư đoàn 361 bắn rơi máy bay Mỹ không người lái, Bác còn gửi tặng một lẵng hoa - Lẵng hoa cuối cùng mà quân và dân ta được nhận từ Người.

Ngày mồng 1-9, sức khỏe Bác lại có vẻ như khá hơn. Từ ngày 28-8 đến hôm nay, chưa bao giờ các đồng chí lãnh đạo và những người phục vụ lại vui và hy vọng về sức khỏe của Bác như bây giờ. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, Bác nói: Ngày mai làm Lễ Quốc khánh cho Bác ra dự khoảng 15 phút để được gặp đồng bào. Bác ra ngồi trên sân khấu trước, sẽ quấn khăn che cổ… rồi hãy tiến hành khai mạc. Bác sẽ cố nói cho được bình thường mấy câu với đồng bào. Nhưng Thủ tướng báo cáo là đã làm mít tinh từ tối hôm trước, vì Bác đang mệt. Bác lặng im vẻ không vui, phải chăng Bác hiểu: Vậy là sẽ không còn có dịp nào để được gặp đồng bào nữa?

Nhưng tiếc thay, niềm vui ấy không trọn vẹn được một ngày. Cuối buổi chiều, Bác lại rất mệt, nhiều lúc gần như thiếp đi và lần đầu tiên mọi người thấy Bác rên. Những tiếng rên như đứt từng khúc ruột. Tất cả bàng hoàng, lo lắng. Các bác sỹ tập trung cứu chữa. Điện tâm đồ bật lên, màn hình hiện ra toàn tín hiệu xấu.

Sau khi uống thuốc, tiếng rên thưa dần, rồi Bác tỉnh lại. Nhìn ra hai cây dừa ngoài cửa mà đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác năm nào, Bác muốn uống nước dừa. Tuy nhiên, Bác sỹ Nhữ Thế Bảo ghé vội lễ phép: “Thưa Bác, bệnh của Bác không nên uống nước dừa. Xin lấy thứ nước khác để Bác dùng….”.

Bác lắc nhẹ: “Không sao đâu, Bác muốn được uống một chút nước dừa miền Nam thôi mà…”. Rồi Bác nói nhỏ: “Bác quê ở Nam Đàn, nhưng mẹ mất ở Huế, cha mất ở Cao Lãnh. Chưa một lần Bác được trở lại hai nơi đó…”. Mọi người lặng đi. Cả cuộc đời Bác dành trọn cho dân, cho nước, nay về già nhưng vẫn không hề nguôi ngoai hình ảnh của những người ruột thịt thân yêu nhất.

“…Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn…”

2c1bdc53-fec5-46d7-ba81-ba796952064b-1630123640.jpg

Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ

Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im. Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi.

Bác muốn nghe một câu hò Huế bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền. Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim. Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời. Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.

Lần thứ ba, Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở, tái tê rằng: "Người ơi, người ở đừng về..." Bác nhìn em, rơm rớm hàng mi.

Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ bởi bài ca đất nước sao quên. Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ, Bác muốn non sông đinh ninh lời hẹn thề: "Rằng đã yêu tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca".

Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa. Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Người tượng trưng cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng; là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân. "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Bác đã đi rồi sao Bác ơi?" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.