
Trên tinh thần đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã chỉ đạo hệ thống bảo tàng trong cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế miễn phí cho khách tham quan bảo tàng trong ngày 18/5. Thế nhưng lịch sử bảo tàng, nhất là hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện nay như thế nào, hoạt động ra sao rất ít được dề cập đến.
Tài liệu về lịch sử văn hóa cổ đại Hy Lạp cho biết, từ thế kỷ III TCN ở Alexangdri – một trung tâm văn hóa Ai Cập – Hy Lạp thời bấy giờ đã có một Bảo tàng mang tên Alexangdri, do vua Ptoleme xây dựng, ông gọi nó là “museion”, “Bảo tàng”này lưu giữ một số hiện vật, các bản chép tay, các bút tích quý bằng giấy, được coi là bảo tàng đầu tiên của nhân loại.
Bảo tàng theo đúng nghĩa của nó ra đời từ thế kỷ XVIII đã phát triển mạnh về số lượng và loại hình như Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng nghệ thuật, Bảo tàng địa phương và Bảo tàng chuyên ngành, Bảo tàng thuộc loại hình khoa học tự nhiên trong các trường đại học và bắt đầu ra đời loại hình Bảo tàng kỹ thuật. Bảo tàng các loại hình khác nhau ra đời đã trực tiếp phục vụ nhu cầu phát triển của khoa học, phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu giáo dục chính trị và giáo dục ý thức dân tộc. Bảo tàng đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển văn hoá, đồng thời cũng là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật bảo tàng phục vụ nhu cầu của xã hội. Nếu như trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất trên thế giới mới chỉ có 7.000 bảo tàng thì đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX trên thế giới đã có 13.000 bảo tàng; nhưng đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI trên thế giới hiện nay đã có trên 65.000 bảo tàng (theo ICOM).
Năm 1977, Đại hội toàn thể Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng lần thứ 11 đã diễn ra tại Matxcova, quyết định bắt đầu từ năm 1978, lấy ngày 18/5 hàng năm là ngày Quốc tế Bảo tàng, ngày của cộng đồng Bảo tàng trên toàn thế giới.
Điều đáng suy ngẫm về nghịch lý ở Việt Nam hiện nay “bội thực” bảo tàng, nhưng vẫn “đói” hiện vật, rất ít người đến xem, ngoại trừ Bảo tàng dân tộc học VN ở Hà Nội, Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TPHCM. Chúng ta có cả một hệ thống bảo tàng, từ bảo tàng quốc gia, bảo tàng địa phương cho đến bảo tàng chuyên ngành. Có người ví rằng, bảo tàng ở Việt Nam như "Nàng công chúa" ngũ mãi trong rừng sâu, tức là chưa thu hút được công chúng.
Câu chuyện về Bảo tàng Hà Nội vốn được coi như bài học trong ngành bảo tàng khi xây dựng về hình thức và nội dung không đi liền với nhau. Những người làm công tác xây dựng chỉ lo sao cho công trình hoàn thiện, đúng với mục tiêu khánh thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nghĩa là, chỉ quan tâm đến cái vỏ, còn ruột thì rỗng. Tập trung vào “vỏ” không đồng bộ với “ruột” không chỉ là tình trạng lãng phí gần 10 năm qua ở Bảo tàng Hà Nội mà còn làm mất lòng tin đối với công chúng. Nhưng con số “khủng” nhất có lẽ thuộc về dự án BT Lịch sử quốc gia với mức đầu tư dự kiến ban đầu lên đến 11.277 tỉ đồng vẫn tiếp tục “treo” đó. Nhiều chuyên gia cảnh báo xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia nên tránh vết xe đổ của bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Quảng Ninh mà dư luận lo ngại: Lãng phí xây dựng xong rồi bỏ không!