Giá chầu Thượng Ngàn ở Huế
Nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế
23/03/2021 16:07
Huế từ lâu được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, mang trong mình nhiều giai thoại và những biến cố thăng trầm lịch sử khác nhau. Ở Huế có một tính ngưỡng dân gian mà ít ai biết tới đó là tục thờ Mẫu.
Hệ thống thờ Tứ Phủ ở Huế
Tìm về tích xưa
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt và một số tộc người khác, tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Mẫu Tam phủ – Tứ phủ (Đạo Mẫu) có vai trò và vị trí khá quan trọng, nó đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, do vậy, nó phổ biến khá rộng khắp, từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi tới miền núi. Từ Đạo Mẫu, ngoài những nghi lễ thờ cúng, nó còn sản sinh và tích hợp nhiều giá trị văn hóa – nghệ thuật, tạo nên một thứ “văn hóa Đạo Mẫu”, chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc.
Trong vốn huyền thoại và truyền thuyết của Việt Nam, các vị nữ thần gần với việc tạo lập bản thể của vũ trụ, như Nữ thần Mặt Trời – Nữ thần Mặt Trăng, Bà Nữ Oa cùng ông Tử Tượng đội đá vá trời, đắp núi, khơi sông. Các hiện tượng: Mây, mưa, sấm, chớp (Tứ Pháp) cũng được thần thánh hóa và mang tính nữ. Các yếu tố mang tính bản thể vũ trụ, như Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được gắn với các Bà: Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa…
Sự xuất hiện của vị Thánh Mẫu này ở vào khoảng thế kỷ XVI, vừa xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của thứ tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ trước, vừa phản ảnh khát vọng của quần chúng nhân dân thời Lê mạt, một xã hội buôn bán, nhất là buôn bán chợ quê phát triển, gắn với vai trò của người phụ nữ; xã hội rối loạn, nhân tâm ly tán, mà một trong biểu hiện của nó là các cuộc khởi nghĩa nông dân triền miên.
Với vị Thần chủ này, Đạo Mẫu vốn là một tín ngưỡng gần với thiên nhiên, trời đất, nay được “đời thường hóa”, gắn liền và đáp ứng những khát vọng của con người, thân phận của con người nhất là người phụ nữ trong đời sống hàng ngày. Tài lộc, chữa bệnh, ban phúc, giáng họa và chính từ đây, Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ có được bộ mặt mới, vừa rất dân tộc, rất truyền thống lại vừa rất cập thời, làm cho nó nhanh chóng phát triển, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, theo gót người Việt tiền để “Mẫu hóa” các tín ngưỡng bản địa khác, vừa có cơ hội tập trung thành trung tâm thờ Mẫu lớn, như Phủ Giầy (Nam Định), Điện Hòn Chén (Huế ), Phủ Tây Hồ (Hà Nội )...
Thánh đường 252 Chi Lăng – TP Huế
Giá chầu Thượng Ngàn ở Huế
Giá chầu Thượng Ngàn ở Huế
Nét rất riêng ở Huế
Nếu như ở miền Bắc tôn Mẫu Liễu Hạnh là đứng đầu trong hệ thống Tứ Phủ và lấy Phủ Giầy ở Nam Định là nơi Mẹ hạ giới xuống trần gian giúp đỡ dân nghèo lần thứ nhất. Thì ở Huế hình tượng người mẹ cũng khác so với miền Bắc rất nhiều. Ban đầu vùng đất Thuận Hóa là của người Chăm sinh sống và họ thờ một người mẹ giúp dân trồng lúa, thêu dệt, trồng trầm hương có tên là Ponaga. Sau này các tính đồ của đạo Thiên Tiên Thánh Giáo đã đổi tên thành Thánh mẫu Thiên Y A NAvà lấy Điện Hòn Chén làm đền thờ chính.
Hệ thống thờ phụng và lối hầu đồng rất khác biệt so với các vùng khác. Miền Bắc ngoài Thánh mẫu Liễu Hạnh còn có Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Phủ), lấy Đức Thánh Trần Hưng Đạo là người có sức mạnh phi thường đem lại bình yên cho nhân dân. Còn có các Quan đệ nhất, đệ nhị, Quan lớn tuần tranh, Ông Hoàng, Chầu (Chầu bé, Chầu bắc lệ…) Cô, Cậu, Ông Lốt, Ông Hổ.
Ở Huế lấy Thánh Mẫu Thiên Y A NA đứng đầu Tứ Phủ. Ngoài Tam Tòa Thánh Mẫu như ở miền Bắc thì còn có thêm Mẫu Trung Thiên gọi là Tứ Phủ (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Trung Thiên, Thủy Phủ). Lấy Quan Đệ Nhị đứng đầu hàng quan và Quan Đệ Tam Giám Sát là người quản cai khắp hết mọi nơi. Ngoài ra còn có năm vị Thánh Bà (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Các giá hầu Ông Hoàng, các Cô, các Cậu trên Sơn dưới Thủy. Thay vì các giá Chầu ở miền Bắc thì ở Huế chỉ hầu một giá đồng đó là Đức Mụ và Ông Chín Thượng Ngàn những vị thần cai quản miền núi rừng và Ông Hổ giáng xuống chữa bệnh cứu người.
Lối Chầu văn ở Huế khác rất nhiều so với miền Bắc, về cả âm điệu và các đạo cụ. Hằng năm ở Huế tổ chức lễ hội Điện Hòn Chén vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch. Cung nghinh Thánh mẫu từ Thánh đường 252 đường Chi Lăng lên Điện Huệ Nam, các bằng được trang trí cờ hoa rực rỡ.
Hệ thống Điện thờ Mẫu ở Huế rất đa dạng, các tích Mẫu giáng xuống trần rất nhiều. Nhưng cũng vì thời gian thay đổi mà người ta dần quên lãng. Tính ngưỡng thờ Mẫu cũng đang rơi vào tình trạng “hiện đại hóa”. Không còn giữ được những nét cổ như ngày xưa. Mỗi chúng ta cần phải nỗ lực và phát huy nhiều hơn nữa để đưa Đạo mẫu Việt Nam nói chung và Tính ngưỡng Thờ Mẫu ở Huế nói riêng ngày càng phát triển, tự hào về nền Văn hóa Việt đa dạng ra với thế giới.
Ngô Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.