Nét đẹp phiêu bồng của Đền Huyền Trân công chúa

18/11/2014 22:32

Theo dõi trên

Trung tâm văn hóa Huyền Trân (hay còn gọi là Đền Huyền Trân) từ lâu đã là một điểm du lịch nổi tiếng trên mảnh đất Thần Kinh, tuy nhiên mỗi lần ghé lại, du khách vẫn thấy được những nét đẹp mới lạ, hấp dẫn từ địa chỉ quen thuộc này.




Kiến trúc hài hòa, tuyệt mỹ

Tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, TP. Huế, Trung tâm văn hóa Huyền Trân (mà người dân Huế quen gọi nôm na là Đền Huyền Trân hay Huyền Trân công chúa) mang trong mình chút phiêu bồng với cảnh sắc đậm chất thiền, nhưng cũng đậm sắc thái gần gũi từ những hình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế.

Cố đô Huế từ lâu được nhìn nhận là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam, bởi vậy tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân nơi đây được thể hiện rất rõ ràng và nổi bật. Trung tâm văn hóa Huyền Trân vì vậy cũng hội tụ rất nhiều tinh hoa từ những giá trị văn hóa đó kết hợp với kiến trúc cung đình. Đó là sự trầm mặc, u tịch của kết cấu các công trình hòa lẫn trong rừng thông bát ngát, xen vào đó là sự giản đơn với những lu nước mưa trong vắt, những loài hoa hữu sắc thiên hương. Lạc trong chốn thiền phiêu bồng, ta bắt gặp lối nhà vườn ba gian với hòn non bộ trước cửa ra vào làm bình phong và xung quanh là những chậu cây cảnh, những giò phong lan đa chủng loại.

Huyền Trân công chúa là ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu. Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông là kết tình hoà hiếu với lân bang, Huyền Trân Công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Món quà sính lễ mà Vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, châu Lý - vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam - đã sáp nhập vào nước Đại Việt.

Một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được nên sai tướng Trần Khắc Chung vờ sang viếng để cứu công chúa trở về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) sau khi về đến đất Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã quy y vào cửa Phật, có pháp danh là Hương Tràng. Ghi nhận công lao của một người có công mở mang bờ cõi cho dận tộc, nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế. Năm 2006, đền thờ Huyền Trân công chúa được khởi công xây dựng.

Mỗi một góc của Trung tâm văn hóa Huyền Trân đều như lưu giữ chút “đặc sản” xứ Huế. Đó là những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Huế trong việc chạm trổ những họa tiết tinh xảo; là tinh hoa của làng nghề đúc đồng Phường Đúc với chuông Hòa Bình nguyên chất nặng 1,6 tấn và cao 2,16 mét. Nhưng đỉnh cao cho sự khéo léo, tinh tế và tài hoa của những nghệ nhân Huế đó chính là đôi rồng chầu trước điện thờ vua Trần Nhân Tông. Đôi rồng chầu được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với chiều dài 108 mét, tương đương với chiều cao của ngọn núi Ngũ Phong (so với mực nước biển).

Bước lên 246 bậc cấp để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và tháp chuông Hòa Bình, từ đây, ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn bao quát cả thành phố Huế rất thơ mộng, nhất là vào buổi chiều tà.

Ông Dương Phước Thu, tác giả bài “Phụng soạn Bia ký tại đền thờ Huyền Trân Công Chúa” đã nói rằng “Ngôi đền tọa lạc về phía Nam Sông Hương, cách kinh thành Huế chừng vài dặm, tương truyền là nơi danh lam phước địa… Tất cả tạo thành một Trung tâm văn hóa tâm linh ở chốn Thiên Thai”.
 
Tuyền Trần

Bạn đang đọc bài viết "Nét đẹp phiêu bồng của Đền Huyền Trân công chúa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.