Nét cổ chùa Minh Khánh

06/06/2018 16:42

Theo dõi trên

Chùa Minh Khánh còn có tên là chùa Hương Đại hay chùa Hương ở thôn Bình Hà, thị trấn Thanh Hà (Hải Dương). Tương truyền, chùa có từ thời Lý, đến cuối thế kỷ 13 được Trần Nhân Tông đặt tên là chùa Minh Khánh.

 
Sân chùa còn lưu lại những bệ đá, tương truyền là để đặt các mâm quả thi trong ngày hội chùa.

Theo văn bia và sắc phong tại chùa ghi lại, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các thế kỷ 15, 16, 17, 19 và thế kỷ 20. Đầu thế kỷ 21, chùa được xây dựng lại có quy mô lớn trên khuôn viên 10.000m² gồm: Tam quan, 3 tầng mái, tiền đường, tam bảo, nhà tổ, điện Phật, hành lang, nhà tăng, nhà khách… tổng cộng 84 gian lớn nhỏ. Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hải Dương, chùa do có kiến trúc đẹp và hệ thống tượng Phật, bia ký có giá trị, ngày 16/5/1925, toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định xếp hạng chùa. Năm 1947, theo yêu cầu tiêu thổ kháng chiến, chùa bị tháo dỡ hoàn toàn. Năm 1957, chùa bắt đầu được nhân dân địa phương phục dựng, ban đầu là xây lại tòa tam bảo có kiến trúc hình chữ Đinh theo quy mô cũ, nhìn về hướng Nam; năm 1980 xây dựng 3 gian nhà tổ; năm 1982 xây dựng 3 tháp sư; năm 1984 xây dựng 4 gian nhà tăng; năm 1987 xây dựng 5 gian nhà tiền đường. Năm 1990, chùa được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho nhân dân tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Năm 1993, tam quan được xây dựng lại trên nền đất xưa với quy mô và hình thức như cũ; năm 1995, xây dựng lại điện Phật, gồm 10 gian lớn; năm 1998 bắt đầu trùng tu tiền đường gồm 7 gian với quy mô đầu thế kỷ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chùa Minh Khánh ngoài chức năng thờ Phật còn được xem như một ngôi đền. Chùa Minh Khánh thờ Phật và thờ Trần Nhân Tông, ông vua từng lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông cuối thế kỷ 13, sau đi tu, trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Theo các tài liệu của địa phương ghi lại, vào cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, Trần Nhân Tông có đóng đại bản doanh tại Bình Kha, ngày nay còn lưu lại các di tích: Giếng Ngự Dội (nơi vua tắm), Kho Gạo, Đống Quan Cư… Trong thời gian xuất gia tu hành, Trần Nhân Tông có trở lại chùa Minh Khánh, để lại huyết thư (thư viết bằng máu).

Tại chùa, có một tháp nhỏ trước tiền đường gọi là Lưu huyết thư tháp; chùa còn lưu 9 hạt màu đen có lỗ xỏ như tràng hạt của nhà sư, được bảo lưu trong một hộp rất trang trọng, tương truyền đó là 9 hạt xá lỵ của Trần Nhân Tông. Trong thời kỳ cách mạng và những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chùa Minh Khánh cũng là một cơ sở quan trọng của huyện Thanh Hà.
 

Chùa hiện còn lưu giữ 15 tấm bia lớn nhỏ của bản tự và văn chỉ được bảo lưu tại chùa: Minh Khánh đại danh lam - Hồng Thuận tam niên (1511); Công đức bi ký - Dương Đức nguyên niên (1679); Minh Khánh tự sáng lập tiền đường bi ký – Vĩnh Thịnh thập nhị niên (1716); Thanh Hoa Lãng Nhuận bi - Minh Mệnh bát niên (1827); Trùng tu Minh Khánh tự bi - Thiệu Trị tam niên (1843); Tân điền bi - Tự Đức nhị thập tứ niên (1871); Trùng tu Minh Khánh tự bi - Thành Thái thập nhị niên (1900); 6 câu đối được sáng tạo trước thế kỷ 20, 5 bức đại tự, 18 pho tượng cổ, trong đó có tượng Trần Nhân Tông; 8 bệ đá, đây là nơi để các giáp đặt mâm ngũ quả lễ đức vua và dự thi trong ngày hội; 13 đạo sắc phong…

Hằng năm, hội chùa Minh Khánh bắt đầu ngày 28/10 ÂL, kéo dài đến ngày 3/11 ÂL; chính hội vào 1/11 ÂL, đồng thời cũng là kỷ niệm ngày mất của Trần Nhân Tông. Lễ hội có tục thi mâm ngũ quả, một đặc trưng văn hóa cổ truyền ít nơi có; tục thi mâm ngũ quả hiện đang được phục hồi và phát huy, tạo nên đặc điểm lễ hội thu hút du khách.

Bá Phúc
Theo baodulich.net.vn

Bạn đang đọc bài viết "Nét cổ chùa Minh Khánh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.