Nền tảng bảo tồn kho báu di sản văn hóa phi vật thể

26/11/2016 07:49

Theo dõi trên

Thành phố Hà Nội vừa hoàn thành Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Rất nhiều di sản văn hóa được nhận diện, trả về đúng với vị trí của nó.



Nền tảng bảo tồn kho báu di sản văn hóa phi vật thể

Điều quan trọng hơn, kết quả lớn nhất từ quá trình tổng kiểm kê không chỉ là bộ tư liệu đồ sộ, mà là sự thay đổi nhận thức của nhân dân - cơ sở để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu trên địa bàn Thủ đô.

Gìn giữ vốn di sản quý giá

Sau 2 năm triển khai (2014 - 2015), đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” do Sở VH - TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện ở toàn bộ 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

Kết quả đã xác định, nhận diện 1.793 di sản văn hoá phi vật thể phân bố nhiều quận, huyện, thị xã khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội với nhiều loại hình khác nhau: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội - tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Tổng số xã, thị trấn có di sản ở Hà Nội là: 509/584, chiếm 87,2%.

Căn cứ vào kết quả có được, Sở VH - TT Hà Nội đã đề xuất đưa 276 di sản văn hoá phi vật thể vào diện ưu tiên bảo vệ. Phần lớn các di sản ưu tiên bảo vệ đều nằm trong nhóm lễ hội (44,6%) và nghề thủ công (21,4%), nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (9,4%), tri thức dân gian (8,7%) và ít nhất là di sản truyền khẩu chỉ có 1 di sản, chiếm 0,4%.

Ngoài ra, 6 di sản thuộc 6 loại hình khác nhau: Hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), hội đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây), lễ hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), hát và múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), nghề thêu phục chế Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), hội đình Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặt ra nhiều thách thức

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa cho rằng, quá trình triển khai Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể mở ra nhiều hy vọng. Cái thu về lớn nhất từ quá trình tổng kiểm kê không chỉ là bộ tư liệu đồ sộ, mà là sự thay đổi nhận thức của nhân dân - cơ sở để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, với con số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã được kiểm kê cũng đặt ra một khối lượng đồ sộ công việc cho người làm quản lý văn hóa. Chưa kể hàng loạt các hạng mục công trình di sản vật thể trên địa bàn Thủ đô vẫn đang “xếp hàng” chờ tu bổ, trùng tu cũng không khỏi đặt ra nhiều thách thức.

Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tại Hà Nội là biện pháp quan trọng để bảo vệ di sản thông qua việc nhận dạng, xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ, duy trì và trao truyền. Điều quan trọng hơn, trong suốt quá trình, người dân được tham gia trực tiếp vào các khâu nhận diện, kiểm kê, đánh giá... Nhận thức của người dân được nâng lên, tạo nền tảng để bảo tồn kho báu này.

Sau quá trình kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng xuất bản cuốn Danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội và cuốn Atlas Bản đồ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội.

Tuy nhiên, với di sản văn hóa phi vật thể, nhất là ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, khi không gian diễn xướng ngày càng thu hẹp lại thì quá trình bảo tồn càng không dễ dàng.

"Vẫn biết là việc kiểm kê khó khăn, vì di sản trên địa bàn Hà Nội có những đặc thù riêng, cho nên mỗi loại hình chúng tôi phải thiết kế một mẫu phiếu kiểm kê. Di sản thuộc về cộng đồng, nên chúng tôi đề cao việc người dân trực tiếp tham gia vào quá trình nhận diện, kiểm kê, đánh giá hiện trạng của di sản", Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh cho hay.


(Theo Giáo Dục Và Thời Đại) 

Phương Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Nền tảng bảo tồn kho báu di sản văn hóa phi vật thể" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.