Nào, cùng ví cù bắt chuột!

18/09/2015 09:16

Theo dõi trên

Vào những ngày gặt lúa, nông dân lại có thêm công việc mới khá vui là bắt chuột đồng. Có nhiều cách để bắt chuột như dùng rập lồng để bẫy, dùng súng chĩa, đào hang, đổ nước… nhưng thú vị và hấp dẫn nhất vẫn là ví cù bắt chuột.



 Đám đông “thủ thế” bắt chuột

Nơi nào cũng vậy, khi đến mùa gặt lúa là có chừng chục người đi ví cù. Đây là một trong những hình thức bắt chuột phổ biến nhất của nông dân trong thời buổi cơ giới hóa. Ví cù được hiểu đơn giản là “ví” chuột trong một miếng lúa còn chừa “cù” lại để bắt. Đi ví cù, không cần phải đem dụng cụ nhiều như các loại hình bắt chuột khác, chỉ cần một chiếc lồng hay một chiếc bao để đựng chuột, cũng có người đi mà không mang thứ gì. Đến ngày làm lúa, người ta cho máy cắt từ ngoài vào trong, chuột cứ thế co cụm vào nơi lúa chưa cắt. Đến khi còn một lối bên trong, nơi chuột dồn lại nhiều nhất thì bắt đầu ví cù. Người ta dùng rơm tấn xung quanh luống lúa còn lại. Máy cắt từ đầu luống đi thẳng tới, chuột hết chỗ trú ẩn nên chạy tán loạn, dù là chui vô rơm nấp hay chạy ra ngoài đều bị chụp, bởi người bắt chuột rất đông.

Trên cánh đồng của xã Văn Giáo (Tịnh Biên), dù giữa trưa nắng gắt nhưng máy gặt đập liên hợp vẫn chạy đều đều, mọi người làm việc sôi nổi, tiếng nói cười rôm rả. Gần 20 người, từ trung niên cho đến thiếu niên đứng canh bên ngoài đám lúa ví cù. Thấy chuột chạy, người vồ, người đập, người chộp đủ mọi tư thế. Đám con nít chạy lăng xăng, đứa thì nhảy về phía mấy con chuột chụp lia lịa, đứa thì cầm bao đựng chuột, tiếng nói cười í ớ làm không khí ngày mùa thêm nhộn nhịp.

Khoảng 30 phút, miếng ruộng cắt xong, người nào cũng bắt được vài chục con chuột. Anh Trần Thanh Tú, người dân địa phương, hồ hởi: “Muốn chuột còn tươi sống thì bắt xong, mình bẻ răng chuột rồi cho vào bao. Còn nếu muốn nhanh hơn thì đập chết chuột, sau đó dùng dây buộc lại là được”. Kết thúc buổi đi săn, anh Tú đã có được 20 con chuột. Số chuột này anh đem ra chợ bán giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ sau một buổi ví cù, anh có thêm thu nhập trên 100.000 đồng. “Hôm nào bắt ít, anh em làm thịt, cùng ngồi lai rai với nhau” - anh Tú cười nói. Anh cho biết thêm, cũng như những công việc khác, bắt chuột cũng có nhiều rủi ro, thường gặp nhất là bị chuột cắn lại. Răng chuột rất sắc nên khi bị chuột cắn chảy máu nhiều, chưa kể trường hợp bị lây bệnh, nhiễm trùng từ vết thương do chuột cắn.

Là người gắn bó nhiều năm với đồng ruộng, chú Nguyễn Văn Lắm (hai Lắm) chia sẻ: “Trước đây, khi máy gặt đập liên hợp còn chưa phổ biến, người ta cắt lúa bằng tay là chủ yếu. Lúc này, người đi ví cù thường mang theo 1 cái chài. Trong quá trình cắt lúa, dặn thợ cắt chừa cù cho mình bắt chuột. Thợ cắt từ ngoài vào, đến khi cù đất chỉ rộng bằng tấm chiếu thì ngừng. Mình dùng chài bao xung quanh phần lúa còn lại, một người vào trong đó đuổi chuột. Chuột vướng chài càng cắn, càng giãy thì càng mắc chặt hơn. Từng con chuột sau khi được gỡ cho vào bao hay túi mang về”.

Theo chú Lắm, chuột đồng có nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là chuột cơm và chuột cống nhum. Mùa hè thu, đất ruộng ráo nước, bông lúa chín sớm rơi xuống đất tạo thành nguồn thức ăn dồi dào cho chuột. Thêm vào trước đó, nông dân bơm nước lên đồng để nuôi hạt nên cua, ốc cũng từ đó lên theo. Sau khi rút nước, chúng trở thành nguồn thức ăn bổ dưỡng nên con chuột nào cũng to béo, mập mạp, thịt mềm thơm. Thịt chuột đồng là món ăn khoái khẩu của nhiều người và ngày càng được ưa chuộng tại các nhà hàng, quán ăn nên cái nghề săn bắt chuột đồng vẫn còn chỗ đứng. Không chỉ diệt đi được một lượng lớn chuột thường xuyên phá hại mùa màng của nông dân, mà nghề bắt chuột còn tạo thêm thu nhập cho người dân trong lúc nông nhàn.

Theo ĐÌNH ĐỨC (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "Nào, cùng ví cù bắt chuột!" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.