So với ca trù - một loại hình nghệ thuật đang được du khách ưa chuộng khi tới Hà Nội có phần khó nghe, khó thưởng thức thì múa rối nước lại dễ nghe, dễ xem, sinh động và phù hợp với mọi đối tượng hơn. Có lẽ vì thế mà du khách nước ngoài khi tới Việt Nam thường tới thưởng thức những tích trò như úp cá, câu ếch, cáo bắt vịt, chọi trâu... trong nghệ thuật rối nước. Với lợi thế là nơi đón nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Hà Nội trở thành “bà đỡ” cho những làng nghề múa rối trong cả nước về hoạt động, vừa giữ nghề, vừa là cách để quảng bá đặc trưng nghệ thuật múa rối tới đông đảo công chúng Thủ đô và bạn bè quốc tế.
Các nhân vật trong nghệ thuật múa rối nước.
Trong nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, múa rối nước hấp dẫn người xem bởi nhiều yếu tố kết hợp giữa trực quan sinh động, âm nhạc và cốt truyện. Mỗi con rối là một sản phẩm nghệ thuật kỳ công, được đẽo gọt một cách tỉ mỉ, trau chuốt qua những đôi tay khéo léo của nghệ nhân dân gian. Những thân gỗ vô tri trở thành những nhân vật có hồn, lại có thể làm động tác khiến cho người xem thích thú. Chưa kể đến những tích chuyện hấp dẫn được kể lại bằng hình thức độc đáo, múa rối nước còn thu hút bởi các màn biểu diễn kết hợp với thanh âm rộn rã, ánh sáng đẹp mắt và những màn pháo hoa ấn tượng. Mỗi làng có một bí quyết riêng để điều khiển con rối hay âm thanh, ánh sáng nhằm góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho làng.
Những nghệ nhân múa rối nước.
Những câu chuyện bình dị của làng quê Việt Nam được tái hiện sống động với hình ảnh chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, hai vợ chồng già đánh đuổi cáo bắt vịt một nắng hai sương trên đồng, hay người đàn ông đi câu ếch hài hước, phóng khoáng, thân quen bỗng trở nên lạ lẫm hơn với những cách tân nghệ thuật trong múa rối.
Có thể nói, múa rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, loại hình nghệ thuật này đã gắn bó chặt chẽ với những tập tục, lễ hội của vùng đồng bằng Bắc bộ. Múa rối nước gần gũi với đời sống thường nhật của người dân, góp phần không nhỏ trong việc truyền bá kiến thức sản xuất, giáo dục tinh thần yêu nước, đạo đức, lẽ sống cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Nơi quảng bá tới du khách
Hiện nay ở nước ta gần như trong mỗi tour du lịch dành cho du khách nước ngoài dừng chân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có chương trình xem biểu diễn múa rối nước. Ngay cả khi những nhà hát đang loay hoay trong việc thu hút khán giả thì những sân khấu múa rối vẫn rất đông người tới xem, thậm chí mùa cao điểm còn có tình trạng “cháy vé”.
Điều đó lý giải tại sao trong những chương trình nghệ thuật biểu diễn thường niên của nhiều bảo tàng, nhà hát luôn có sự xuất hiện của chương trình múa rối. Nhà hát Múa rối Thăng Long còn được đón nhận kỷ lục châu Á - “ Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Trung bình mỗi ngày, Nhà hát có 5 khung giờ biểu diễn múa rối để người xem lựa chọn.
Du khách nước ngoài thích thú với nghệ thuật múa rối nước.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng là nơi thường xuyên mời những phường rối nước dân gian ở khắp nơi trên cả nước về biểu diễn. Một chương trình hoạt động thường kỳ là các buổi trình diễn nghệ thuật múa rối độc đáo của các phường rối nước dân gian ở đồng bằng Bắc bộ - cái nôi của nghệ thuật múa rối Việt Nam. Các diễn viên biểu diễn rối là những người nông dân thuộc 15 phường rối nước cổ truyền là phường múa rối Đào Thục (Hà Nội), Bình Phú, Làng Yên, Tế Tiêu (Hà Tây cũ), Nguyên Xá, Đông Các (Thái Bình), Đồng Ngư (Bắc Ninh), Chàng Sơn (Hà Tây cũ), Nhân Hoà (Hải Phòng), Nam Giang, Nam Chấn, Nghĩa Hưng (Nam Định), Bùi Thượng, Thanh Hải, Hồng Phong (Hải Dương). Để khán giả cảm thụ được hết cái hay, cái đẹp cũng như khám phá những điều bí ẩn của nghệ thuật múa rối cổ truyền du khách có thể tham gia các hoạt động: giao lưu, trò chuyện với các nghệ sĩ dân gian hoặc tập điều khiển, biểu diễn trên sân khấu rối nước thu nhỏ hay tập làm con rối.
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng tích cực quảng bá cho múa rối nước. Ngoài ca hát, múa, Nhà hát hướng tới nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối để làm phong phú thêm hoạt động biểu diễn ngay tại nhà hát Đông Kinh. Thông qua các tiết mục múa rối nước, khán giả nước ngoài hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa và con người Việt Nam, góp phần nâng cao hiểu biết và uy tín của văn hóa, nghệ thuật, hình ảnh con người Việt Nam trên trường quốc tế
(Theo Làng Việt Online)