Cách đây ít ngày, tôi bỗng nhận được cuộc gọi điện thoại của thầy: “Anh cho tôi xin cái địa chỉ, tôi mới ra quyển sách muốn gửi tặng anh”. “Ôi thầy, em cảm ơn thầy nhiều lắm. Thầy cứ để đấy, hôm nào em xin phép đến thăm thầy rồi nhận quà sách của thầy luôn”. “Vâng, thế thì cũng được. Cậu dạo này có khỏe không?”...
Trong tôi, không sao thoát khỏi ý nghĩ học trò của thầy hàng đống suốt trong Nam ngoài Bắc, ai thầy cũng gửi tặng sách thì lấy đâu ra tiền mà chi trả. Nào in ấn, nào cước phí vận chuyển...Nhưng mà thầy cứ thế. Hỏi ra mới biết, thầy đã gửi tặng tứ tán rồi. Nào Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội...Thầy lại kể: “Mình gửi tặng một cậu Quy Nhơn, cậu ấy lại bảo thầy ơi cậu bạn em tên là như thế như thế cũng dạy văn học Phương Tây, thầy gửi tặng thêm cho bạn ấy một cuốn nhé. Thì mình cũng gửi chứ làm thế nào”...Tôi nghe xót cho thầy quá, liền đề nghị: “Hay là thầy cho phép chúng em mua, chứ thầy có in ra được đâu mà cho chúng em nhiều thế”. Thầy xua tay bảo việc tặng đã xong rồi, không nói lại... Thầy cứ hào phóng như thế làm chúng em ái ngại. Quyển sách đang nói đến mang tên “Cách tân nghệ thuật văn học Phương Tây” (NXB KHXH, 2017).
Tôi là người được học thầy từ thời còn là sinh viên đại học. Hiếm có người thầy nào lại có một tác phong sư phạm ngăn nắp như thầy. Thầy viết bảng, chữ viết rất đẹp, trăm chữ như nhau cả trăm, nghiêng nghiêng, đều tăm tắp, tuy ít chữ thôi, nhưng đề mục thứ tự, lớp lang, gạch chân đâu ra đấy. Kiểu chữ của thầy điển hình chữ viết của lớp trí thức Tây học ngày xưa. Trong chữ thấy rõ nết người, những người được rèn rũa chuẩn mực, nghiêm ngắn ngay từ con chữ.
Ôi chao, thầy căn giờ giấc lên lớp mới chuẩn làm sao. Hết tiết nào thì dừng ở chỗ nào, hết buổi dạy thì dừng lại ở chỗ nào, cứ gọi là phăm phắp, đúng trống báo hết giờ. Học trò đang say sưa nghe giảng, thấy trống đổ hồi... liền ngơ ngẩn tiếc.
Mà thầy dạy văn học Phương Tây. Thầy giảng nhiều phần lắm. Nhớ nhất những giờ thầy lên lớp về Xecvantex, về chủ nghĩa hiện sinh, kịch phi lý...Có lúc thăng hoa, thầy vừa làm điệu bộ, vừa đọc thuộc lòng một đoạn thoại của Đôn Kihôtê với giám mã Xanchô Panxa bằng cái giọng hóm hỉnh, hài hước, lũ học trò khoái chí chưa từng thấy. Nhiều thế hệ học trò của thầy chúng khẩu đồng từ đều cho rằng thầy có một phẩm chất mô phạm mẫu mực. Thầy có khả năng biến những điều vô cùng cao siêu, phức tạp, rắc rối thành những điều giản dị, dễ hiểu không ngờ. Thầy đối xử với trò theo cách chan hòa, thân gần, dễ chịu. Ngần ấy buổi học, tôi chưa thấy thầy cáu giận một tẹo nào. Sau này được gần gũi, được đi lại nơi thầy, cũng chưa bao giờ thấy thầy bực bõ, chê trách ai.
Thầy sẵn trong mình tính humour, hay pha trò khi nói chuyện, lắm lúc lại có tính tự trào. Hôm vừa rồi, khi tôi đến nhận sách thầy dành tặng, trông cuốn sách bề thế, bìa cứng láng bóng, nền đen hoa văn nhũ vàng mang phong cách gothic, tôi buột miệng khen sách đẹp quá. Thầy bảo: “Ấy thế mà khi nhìn thấy hình bìa trên facebook, có một cậu bảo trông giống cái quan tài”. Thật phỉ phui cái mồm! Khi nói về cuốn sách này, thầy bảo: “Sách của tôi chỉ dành cho 3 loại người đọc: người cần nó, người thích nó, và người ghét nó. Hai loại trước thì đã đành, nhưng người ghét cũng sẽ đọc, để họ thấy tôi đáng ghét ở chỗ nào. Thí dụ, tôi quan niệm về Hậu hiện đại khác với một số người, nên họ có thể ghét, biết đâu”. Tôi nói đế vào: “Với thầy thì ai có thể ghét được cơ chứ!”. Điều này thì tôi tin. Đọc các trang viết của thầy, ít khi thấy thầy phê phán ai, thầy chủ yếu truy tìm và phát hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của văn chương thiên hạ để mà cổ súy thôi, hy vọng có thể khai mở ít nhiều cho văn chương học thuật nước nhà. Thầy rất tâm đắc câu nói của nhà phê bình nghệ thuật Pháp TK XVIII Denis Diderot: “Có loại nhà trường mà tôi chắc chắn sẽ gửi các học trò của tôi tới học, đó là loại trường ở đấy người ta dạy cách nhìn cái tốt và nhắm mắt trước cái xấu. Này! Anh chỉ thấy trong Homère đoạn nhà thơ miêu tả những trò trẻ con chán ngấy của chàng Achille thôi ư? Anh khuấy cát của một dòng sông cuốn trôi những vẩy vàng rồi trở về với hai bàn tay đầy cát, còn bỏ lại vẩy vàng” (Lời nói đầu trong cuốn “Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật” của Phùng Văn Tửu, NXB Tri thức, 2010).
Cũng hôm tôi đến thăm thầy, có mấy bạn Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn cùng đi. Thầy cứ áy náy có sách tặng tôi mà không có sách tặng mọi người. Thầy bảo tất cả ghi lại địa chỉ để thầy gửi sách tặng. Trong lòng mình lại nhẩy dựng lên, cụ ơi, cụ cứ tặng tràn lan thế thì con xót hầu bao cho cụ lắm...Nhưng mà rõ khổ, trông các trò toàn những đứa xinh thôi, mà chúng lại còn làm nũng nữa chứ. Đố thầy từ chối được chúng. Thầy nói to trước cả đám: “Này, tôi dõi theo, cô nhớ là dõi theo chứ không phải là theo dõi đâu nhé, dõi theo cô trên từng bước chân qua Phây-búc đấy nhé!”. Cô bạn mặt nở ra sung sướng.
Căn nhà của thầy nằm sâu trong một con ngõ dài nối từ đường Trần Phú rẽ vào. Tuy giữa trung tâm, nhưng con phố vô cùng yên tĩnh. Chính giữa gian ngoài, thầy vẫn để bàn thờ cô. Cô nhà mất đã được gần năm. Thông thường sau 49 hoặc 100 ngày là dọn ban thờ riêng để đưa vào ban thờ chung. Nhưng chắc thầy có lý do riêng gì đó. Hình của cô thật đẹp và buồn, nhìn từ ban thờ xuống bàn tiếp khách. Căn phòng vẫn hàng ngày hương hoa, bao phủ một không khí thiêng liêng, khiến người có mặt không thể không ý tứ.
Hằng ngày, thầy vẫn côi cút một mình, ra vào từ nhà đến ngõ và ngược lại. Thầy đã ngại rời nhà. Vâng, bây giờ thầy đã đến lúc được miễn trừ nhiều thứ. Với tuổi 83, thầy không cần phải có nhiệm vụ gì với đời sống này nữa thầy ạ. Nghe nói vậy, thầy bảo: “Nói thế chứ, có việc gì đặc biệt vẫn phải đi. Ví dụ sắp tới cưới đứa cháu ruột của thằng em rể thì vẫn phải đi chứ!”.
Thầy không còn nhiều sức lực. Cách đây 5 năm, thầy phát hiện bệnh K vòm họng. Thầy đã kiên cường chống chọi bệnh tật. Cũng đã đủ thứ, mổ xẻ, xạ trị, hóa trị, chiếu chụp, thăm khám định kỳ...Nhưng thầy vẫn chịu đựng, vẫn vượt lên, vẫn tin yêu vào sự sống này. Một cô bạn miền Nam kể: “Khi mình gọi điện hỏi thăm thầy, nói rằng trong những ngày còn lưu lại Hà Nội, em sẽ gắng thu xếp đến thăm thầy, thầy bảo đến chơi nhé, đã lâu tôi không được nghe giọng nói Sài Gòn...”.
Tôi thấy không cần thiết phải làm một tổng sắp thành tựu học thuật và dịch thuật của thầy. Nếu ai trong lĩnh vực nghiên cứu văn chương không thể không biết đến thầy. Thầy là một dịch giả, dịch truyện ngắn, tiểu thuyết và các chuyên luận; đồng thời là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Trong những năm đổi mới văn học, thầy có một số bài tham gia vào đời sống văn học Việt Nam rất được chú ý. Thầy chuyên tâm nghiên cứu về nền tiểu thuyết phương Tây hiện đại, trong đó nổi bật là tiểu thuyết Pháp. Các công trình nghiên cứu của thầy tập trung vào những “đổi mới”, “cách tân” văn học phương Tây, và chủ yếu về thể loại tiểu thuyết, có một phần truyện ngắn. Các nghiên cứu của thầy, hiển nhiên là những tri thức hữu ích cho giới nghiên cứu hiểu về văn học phương Tây, mà còn là những tham khảo hiệu quả cho công việc nghiên cứu về văn học Việt Nam. Riêng đối với cánh sáng tác, nếu ai chịu khó đọc công trình của GS Phùng Văn Tửu sẽ học được từ đây khá nhiều các mẹo mực, ngón nghề, cái phần kỹ thuật viết và làm mới tiểu thuyết.
Thầy là người vô cùng chu đáo. Học trò là tôi thuộc loại mải chơi, lại còn đoảng tính. Cứ chưa đến ngày 20/11, chưa đến ngày Tết, đã nhận được tin nhắn chúc mừng của thầy. Kể cả chuyện buồn của gia đình tôi khi mẹ tôi mất, thầy cũng nhắn tin chia buồn ân cần. Có một hôm, tôi ngồi cùng xe với thầy Trần Đình Sử, thầy La Khắc Hòa đi công tác, thầy Sử nói chuyện qua điện thoại khá lâu. Khi dừng máy, thầy bảo: “Ông Tửu chắc buồn quá nên gọi điện cảm ơn về vụ đám tang của bà vợ, rồi không dứt được chuyện, thật khổ…”. Cũng chính hôm ấy, tôi nhận được tin nhắn: “Sau khi các anh chị ra về, tôi đã thay bình hoa cúc bằng hoa ly mà các anh chị mang đến, tới hôm nay vẫn còn đẹp lắm. Chị T… mua hoa thật khéo”. Thầy cứ như thế, trong đời luôn cảm thấy mình mang nỗi hàm ơn, rồi lại tìm cách gửi lời cảm ơn, không quên một ai, không bỏ sót một ai.
Tôi nghĩ, trong con người thầy có một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu vạm vỡ, một người của đời thường rất đỗi thân gần, chí tình, lịch lãm, tinh tế.
Thầy xuất thân là một người Hà Nội chính gốc. Thầy lại là một trí thức Tây học toàn phần. Trong những năm giặc giã, kể cả những năm nhốn nháo mạt pháp như mấy chục năm nay, thầy vẫn giữ nguyên một tư thế người thầy nhân đức cao khiết, một nhịp độ nghiên cứu nghiêm cẩn, vững chãi; một tấm lòng chí nghĩa chí tình với học trò, với cuộc đời.
Theo hình dung của cụ Diderot, thầy Phùng Văn Tửu cả đời đã vục tay vào các dòng sông tri thức phương Tây để đãi lấy những vẩy vàng, rất nhiều những vẩy vàng mang về cho xứ sở văn chương Việt, và đã thực sự góp phần vào công cuộc đổi mới nghiên cứu, giảng dạy và sáng tạo văn học.
Ngày 14/11/2017
VG