Miếu Cây Sanh trong khuôn viên Trung tâm TDTT TP. Huế
Lúc đầu, những sĩ tử và người thân thấy có bệ thờ, cạnh gốc sanh già, dân sở tại thường thắp hương gần trường thi; hỏi mới biết đó là nơi từng có miếu thờ các chiến sĩ trận vong từ xưa thuộc làng Phú Xuân. Các sĩ tử và thân nhân đến Trường thi Thừa Thiên thường sửa lễ khấn nguyện, cầu đỗ đạt. Những bô lão sống gần miếu đều truyền ức về những sĩ tử không may, thi trượt, có người phẫn chí đã treo cổ, uống thuốc độc ở cây sanh. Về sau, có người thành đạt, đóng góp tiền bạc, dựng miếu để thờ oan hồn uổng tử, chọn Quan Vân Trường làm vị thần phò hộ. Tranh vẽ Quan Công đang cầm sách Xuân Thu, có Quan Bình, Châu Xương đứng hầu. Quan Thánh văn võ toàn tài, từng tử trận bởi binh tướng Tào Tháo. Sau bình phong trước miếu lại có một bệ thờ, an vị rất nhiều bát hương, thờ vọng những sĩ tử từng quyên sinh ở đây. Có một câu chuyện truyền khẩu rất đau lòng, một sĩ tử là nhà nho nghèo nhưng sĩ diện, sau khi ứng thí, hết tiền hết gạo, đến miếu tạm trú, nhịn đói ngồi chờ xướng danh đậu - hỏng. Người ấy bị đói lả, trúng gió và qua đời trước một ngày xướng danh. Thật đáng tiếc, sĩ tử xấu số này là người đỗ đầu kỳ thi Hương năm ấy.
Thi cử thời phong kiến quá khó, thi nhiều lấy ít, nhưng sĩ tử ngán nhất trường qui có mục “phạm húy”. Nhiều thí sinh rất giỏi, quyển thi đáng loại ưu nhưng sơ ý lỗi “phạm húy” thì bị đánh hỏng, thậm chí bị phạt. Áp lực của các ông tú tài khi lều chõng vào trường thi quá nặng. “Đi không há lẽ trở về không? Cái nợ cầm thi phải trả xong” (Nguyễn Công Trứ). Cụ Tú Xương từng cho “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi” và từng nửa đùa nửa thật, “Phen này tớ hỏng tớ đi ngay/giỗ tết từ nay nhớ lấy ngày”…
Một người tài như Cao Bá Quát, á nguyên kỳ thi Hương nhưng nhiều lần thi Hội cũng bị hỏng! Cao Bá Quát được tiến cử làm chức quan nhỏ Hành tẩu Bộ Lễ, vì có văn tài nên được cử làm Sơ khảo kỳ thi Hội ở Trường thi Thừa Thiên khoa thi năm Tân Sửu (1841). Khi chấm, gặp 5 quyển thi xuất sắc nhưng vài chữ bị “phạm húy”; nửa tiếc người tài, nửa lo sĩ tử phẫn chí có bề không hay nên họ Cao chữa quyển thi, suýt mất mạng, phải ở tù. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), tháng 8... Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo Trường thi Thừa Thiên, chữa văn sĩ nhân (chữa 9 chữ trong một số quyển thi phạm húy). Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét, nghị tội: Quát và Nhạ phải tội xử tử. Nguyễn Văn Siêu (làm Phân khảo) phải tội trượng, đồ. Chủ khảo và Giám khảo bị cách chức, giáng chức. Vua xét lại, tha cho Quát, Nhạ tội xử tử và chuyển thành giảo giam hậu. Siêu chỉ bị cách chức, tha cho tội đồ; Chủ khảo Bùi Quỹ và Phó khảo Trương Sĩ Tiến bị cách lưu làm việc. 5 cử nhân có bài được sửa đều phải thi lại cả 3 kỳ và đều được lấy đỗ trở lại.”. Qua dữ kiện này đủ thấy 5 vị sĩ tử nếu không có Cao Bá Quát, Phan Nhạ, Bùi Quỹ, Trương Sĩ Tiến thì đã hỏng thi và hậu quả của 5 vị ấy khó lường.
Đến chiêm bái miếu Cây Sanh thấy xót xa trong lòng, thương tiếc người xưa tài hoa mệnh yểu! Ngày xưa chỉ cần đỗ cử nhân, tiến sĩ thì thường được bổ làm quan ngay. Ngày nay việc thi cử đã khác xưa nhưng những vị đỗ cử nhân, cao học các ngành chưa chắc đã có việc làm vừa ý. Bài toán đào tạo và bổ nhiệm, không để khi sinh viên ra trường phải chạy đôn chạy đáo tìm việc, làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục nói riêng và nhà nước nói chung. Hy vọng, bài toán này sớm có lời giải với những nhà quản lý có tâm và có tầm và khi ấy, sinh viên - học sinh nước nhà sẽ học tập rèn luyện tốt hơn.