Mịch Quang - Thần tượng sống động của tôi

23/04/2018 15:43

Theo dõi trên

Mịch Quang – là tên chiết tự của Nguyễn Thế Khoán, sinh ngày 1-5-1917 trong một gia đình dòng dõi đại khoa ở vùng “trời văn – đất võ” có Quang Trung, Đào Tấn. Khi mới 5 tuổi, Mịch Quang đã biết hát hành vân, bình bán của cải lương; 10 tuổi biết hò giã gạo, bài chòi, hát bội, ngâm thơ và sau này biết cả nhạc Huế, nhạc Tây để thành Chủ tịch Chi hội Văn hóa cứu quốc Ninh Hòa (1945) rồi về tham gia lực lực lượng văn nghệ kháng chiến ở Bình Định…

 
Mịch Quang – là tên chiết tự của Nguyễn Thế Khoán

Năm 1954, Mịch Quang ra Bắc tập kết, làm biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1959, ông về Ban Nghiên cứu Tuồng làm việc và sau năm 1975, ông được điều động về Phú Khánh miền Nam. Tới nay (2017), chúng ta đã được chứng kiến ngót 60 công trình sáng tạo của ông.
 
Trong số đó, nổi bật nhất là: Tìm hiểu nghệ thuật tuồng (1963), Đặc trưng nghệ thuật tuồng (1988), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1995), Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (1999), Khơi nguồn mĩ học dân tộc (2003)… và những vở tuồng: Má Tám (1965), Hộp truyền đơn (1968), Vua Hùng kén rể (1995), Quang Trung (1977), Phất cờ nương tử (1985), Thanh gươm hát bội (1987… đã được giới sân khấu đánh giá cao.
 
Từ những sáng tạo của Mịch Quang, nhiều nhà khoa học nổi danh trong nước và thế giới đã suy tôn ông là “người đặt viên gạch đầu tiên cho sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam”, là “bậc thầy của tuồng”, là “nhà lý luận hàng đầu của sân khấu Việt Nam hiện đại”, là “chiến sĩ xung kích dũng cảm nhất”, là “học giả uyên bác”, là “nhà triết học của nghệ thuật sân khấu Việt Nam”, là “lão tướng của nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc” v.v…
 
Thông qua những công lao và thành tích trong sự nghiệp nghệ thuật dân tộc, Nhà nước đã trao tặng Mịch Quang Huân chương Lao động Hạng Nhất (1999), Giải thường Nhà nước (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2016)…
 
Tôi đã để thời gian khá dài và nghiêm túc đọc, suy ngẫm về những sáng tạo của ông Mịch Quang. Tôi đã tìm thấy cảm hứng và thích thú, kính phục ông trong suy nghĩ, lý giải những vấn đề “hóc búa” ở mỗi công trình. Ông thật sự là một thần tượng cao quý trong tôi.
 
Trước hết, đối với tôi, Mịch Quang là nhà nghiên cứu có năng khiếu thiên bẩm về tư duy phản biện. Nhờ có tư duy phản biện đặc biệt này mà Mịch Quang đã nổi trội hơn nhiều người nghiên cứu đương thời để thành nhà nghiên cứu hàng đầu của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại.
 
Tư duy phản biện của Mịch Quang là sự đánh giá, nhận thức đúng, sai của những quan điểm người khác về con đường phát triển nghệ thuật dân tộc trước làn sóng tiếp biến với các nguồn văn hóa mới từ bên ngoài vào nhằm tìm ra chân lý khoa học để tránh thảm họa “gieo vừng ra ngô”. Chính vì thế, các công trình của ông, từ lý luận đến các vở tuồng, đều mang tinh thần phản biện rất cao.
 
Mặt khác, tư duy phản biện của Mịch Quang không chỉ hướng vào những quan điểm của người khác, mà còn phản biện vào những công trình của mình rất nghiêm khắc. Nhờ hành động phản biện, các công trình của Mịch Quang kín kẽ hơn, thận trọng hơn, thuyết phục người đọc nhiều hơn. Nhờ thế, cống hiến cho khoa học nghệ thuật dân tộc của ông có tầm cao hơn, hữu dụng hơn.
 
Mặt khác, đối với tôi, Mịch Quang là nhà nghiên cứu có năng khiếu bẩm sinh về phát hiện vấn đề. Cùng một môi trường xã hội, môi trường sân khấu đầy biến động, nhưng nhiều nhà nghiên cứu chẳng nhìn thấy gì, chẳng phát hiện ra điều gì, còn Mịch Quag lại nhìn thấy, cảm thấy, nghĩ thấy để hành động.
 
Như lời của Ănghen: “Các nhà bác học muốn làm gì thì làm, họ vẫn bị triết học thống trị”; hay lời của Bác Hồ: “Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta” đã công khai hiển nhiên trước mắt mọi người và mọi người đều biết, đều đọc, nhưng chỉ có Mịch Quang mới phát hiện ra chân lý để làm kim chỉ nam, động lực cho mọi nghiên cứu khoa học của mình.
 
Nhờ có năng khiếu thiên bẩm “biết phát hiện vấn đề”, phối hợp với năng khiếu “phản biện”, Mịch Quang đã tạo ra học thuyết: phương pháp hiện thực tả ý; nguyên lý cấu trúc động – mở; lý thuyết đường cong và nghệ thuật tổng thể; tư tưởng trung tâm và phương pháp tương đối; cái hậu – cái nhu; tự sự – kịch tính – trữ tình hay “đàn thì nhấn nhá, hát thì luyện láy” v.v… đã mang “đẳng cấp quốc tế”, thành “chìa khóa vàng” cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc Việt Nam cũng như cho giáo trình nghệ thuật ở nhiều trường đại học trên thế giới…
 
Hai phẩm chất thiên bẩm tư duy phản biện và năng lực phát hiện vấn đề của Mịch Quang là cơ sở khách quan của bất kì nhà nghiên cứu nào (chỉ có khác nhau ở chỗ mạnh – yếu – nhiều – ít mà thôi) và cũng là chuẩn mực cho bất kì ai muốn làm nghề nghiên cứu khoa học (không có phẩm chất này thì không nên theo nghề nghiên cứu khoa học) đã đưa Mịch Quang thành “đại bút” trong ngành nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại.
 
Cảm nhận thứ ba, đối với tôi, Mịch Quang là nhà nghiên cứu có tri thức bách khoa – liên ngành. Ở ông có hiểu biết về triết học, văn hóa học, dân tộc học, lịch sử học, văn học, mĩ học, nghệ thuật học, âm nhạc học, sân khấu học, kiến trúc học, vật lý học, sinh học, điều khiển học…
 
Ông còn biết nhiều chữ Hán, am hiểu văn thơ cổ điển dân tộc, thơ văn từ Trung Quốc, thành thạo tiếng Pháp, đọc nhiều tác phẩm văn học lẫn khoa học phương Tây… Ông không chỉ nghiên cứu, mà còn làm thơ, viết truyện, viết tuồng… Ông, đúng như nhiều người đã nhận định: hiểu biết rộng, có phông văn hóa lớn.
 
Tri thức bách khoa – liên ngành của Mịch Quang không phải do tạo hóa sinh cho, mà do ông ham đọc, ham học, ham hiểu biết và cần cù, chăm chỉ, chịu khó luyện rèn. Đối với ông, “học mãi, học hoài còn thấy dốt, viết rồi, viết nữa vẫn chưa xong”. Nhờ đó, đã tạo cho ông có bản lĩnh lớn trong nghiên cứu và làm cho năng khiếu phản biện, năng khiếu phát hiện của ông được thăng hoa rực rỡ…
 
Cảm nhận thứ tư, đối với tôi, Mịch Quang là nhà nghiên cứu có nhân cách trung thực với chân lý, với nghệ thuật của dân tộc. Đây là nhân cách của người làm nghiên cứu. Không có nhân cách này thì không thể làm nhà khoa học được. Do đó, công trình và vở diễn của ông đều có không khí “bút chiến” rất sôi động.
 
Vì chân lý khoa học, ông không ngại bạn đồng nghiệp cho mình là “cực đoan”, có thái độ “bốp chát”. Nhưng GS. Trần Bảng lại khen ông là “chiến sĩ xung kích dũng cảm nhất, triệt để nhất chống lại sự tấn công của những xu hướng lai căng làm nghệ thuật truyền thống bị tha hóa mai một đi”.
 
Mịch Quang không phải là Nghệ sĩ Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ hay quyền lực lãnh đạo nào. Nhưng ông là nhà nghiên cứu chân chính, luôn luôn có tư duy độc lập, biết phát hiện nhiều cái mới cho khoa học hơn nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ khác. Các công trình của ông đều có tính khám phá mới và có tính chiến đấu cao, đồng thời bao giờ cũng có sự thống nhất biện chứng giữa dân tộc với thời đại, giữa lý luận với thực hành, giữa triết học với nghệ thuật, giữa văn hóa với sáng tạo… Ông – là thần tượng sống động của một nhà nghiên cứu có tuổi thọ bách niên đẹp mãi trong tôi.
 
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2017
PGS.TS. Trần Trí Trắc/VHVN

Bạn đang đọc bài viết "Mịch Quang - Thần tượng sống động của tôi" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.