Trong tim mỗi người đều có một tình cảm rất thiêng liêng dành cho mảnh đất nơi tận cùng Tổ quốc, đất mũi Cà Mau. Cà Mau có những cánh rừng ngập mặn với 27 loài cây rừng ngập mặn chính thức phổ biến là họ mắm, họ bần, họ dừa nước, họ đước… là một đối tượng nghiên cứu thú vị của các nhà thực vật học.
Mắm ba khía đã được trộn gia vị. (Ảnh: Thu Nga)
Không có gì thú vị hơn được đặt bàn chân len lỏi trên những vạt đất phù sa mịn màng hoặc ngồi xuồng đi tham quan rừng ngập mặn. Từ thành phố Cà Mau, khách sẽ đi bằng canô xuống vùng đất mũi. Trên đoạn đường sông chằng chịt dài hơn 100km đó, khách có thể ghé thăm Đầm Dơi, nghỉ dọc đường tại chợ Năm Căn và sau đó là đi lang thang trong các làng rừng. Sau đó, canô sẽ đưa khách sang khu du lịch Khai Long. Với bờ biển cát vàng dài gần 4km, đây quả là địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, nhất là ở cụm đảo Hòn Khoai, cách đất liền 14km. Đến thời điểm hiện tại, đảo Hòn Khoai và cồn Ông Trang vẫn còn rất hoang sơ, chẳng có gì ngoài bạt ngàn rừng đước...
Chọn một tuyến khám phá khác, du khách có thể ngồi trên những chiếc vỏ lãi xuôi theo dòng Trèm Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc để đến khám phá rừng tràm U Minh Hạ. Nơi đây có hệ sinh thái rừng tràm 6 tháng ngập nước, 6 tháng khô hạn. Vườn quốc gia U Minh Hạ là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn.
Ăn một lần, nhớ cả đời
Nếu hỏi người Cà Mau rằng ở đây có món đặc sản nào chỉ cần ăn một lần là nhớ, chắc chắn bạn sẽ được giới thiệu món mắm ba khía - món được mệnh danh “ăn một lần, nhớ một đời”. Đó là loại mắm được làm chủ yếu từ con ba khía (một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam Bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn). Mỗi năm ba khía chỉ tập trung một lần vào 3-4 đêm của tháng 10, vào mùa nước lên.
Chuyên gia ẩm thực vùng đất mũi, nghệ nhân Huỳnh Bá Vân chia sẻ: “Ba khía sau khi được bắt về rửa sạch bùn đất, thả từng con vào nồi hoặc lu có chứa sẵn nước muối, sau đó lấy lá dừa nước phủ lên. Ba khía có thể để cả năm không hư hỏng. Phần nước muối còn lại trong khạp sau khi bảo quản ba khía có thể dùng nấu nước mắm rất ngon. Khi ăn ta vớt con ba khía ra, rửa sạch bằng nước sôi, tách mai, đập dập sơ hai càng. Thêm tỏi, ớt, chanh, đường cát trắng vào rồi cho khóm bằm nhỏ, xoài xắt sợi, khế vừa chín tới xắt nhỏ, trái cóc đập giập. Trộn đều tất cả với ba khía, để đó cho thấm qua ngày thì ăn được”.
Để món ba khía ngon hơn, nên ướp gia vị vài giờ để chất mặn từ ba khía thấm đều với vị chua của chanh, vị ngọt của đường và chất cay của ớt. Mắm ba khía đậm đà, hương vị độc đáo, chỉ cần chan vào cơm nguội ăn cũng thấy ngon, ra vườn hát ít rau thơm để ăn kèm nữa thì không có cao lương mỹ vị nào so bì được.
Cà Mau có nhiều đặc sản nổi tiếng đáng để thưởng thức như mắm ba khía Rạch Gốc, lẩu mắm U Minh, tôm tít, chả trứng mực, cá lóc nướng trui…
Theo Dân Việt