Lực lượng Đặc công thời vua Quang Trung

09/09/2018 23:57

Theo dõi trên

Trong lịch sử thời kỳ phong kiến ở nước ta, vua Quang Trung có lẽ là người được nhắc đến nhiều nhất, bởi những bí ẩn xung quanh vấn chưa được giới nghiên cứu vén màn.

Sự bí ẩn đó, cùng với tài năng xuất chúng của vua Quang Trung đã làm tốn rất nhiều giấy mực của các học giả trong và ngoài nước. Nhưng điều làm đau đầu cho giới khoa học đó là mỗi khi nghiên cứu về vua Quang Trung lại có những phát hiện mới mẻ. Các phát hiện mới này giống như một ma trận, dẫn các học giả đi đến những kết luận khác nhau. Vì vậy, kể từ lúc vua Quang Trung băng hà đến nay vẫn chưa có một hồi kết nào thật xác đáng.
 

Nhân dịp kỷ niệm 226 năm (29/7/1792 - 29/7/2018 al) ngày mất của vua Quang Trung, xin được nêu ra một ý nhỏ trong kho tàng nghệ thuật quân sự của Hoàng đế Quang Trung, đó là nghệ thuật xây dựng, sử dụng lực lượng và lối đánh Đặc công trong trận Gián Khẩu.

Tài cầm quân của vua Quang Trung có thể nói sánh ngang với tất cả các tướng tài trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Là vị tướng duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến đã cầm quân xuất trận là thắng. Thắng một cách nhanh chóng và dòn giã. Bởi cách điều binh khiển tướng khi xung trận của vua Quang Trung cũng có một không hai trên thế giới đến nỗi quân của Tôn Sỹ Nghị phải thốt lên rằng đúng là “quân nhà trời”. Nên cách giải quyết trận đánh nhanh một cách không tưởng. 5 vạn hùng binh của quân Xiêm - La chỉ cần một trận Rạch Gầm – Xoài Mút là tan tành mây khói. Một kế nghi binh là đủ để đánh tan quân Lê - Trịnh, chiếm lấy Phú Xuân dễ như trở bàn tay. 29 vạn quân Thanh – quân của Thiên Triều mà chỉ trong vòng chưa đầy tuần đã không còn một bóng, chạy về tới nước nhà mà hồn vẫn còn xiêu, phách còn tán.

Đúng như vua Quang Trung đã từng tuyên bố là “đánh cho nó phiến giáp bất hoàn”. Cách dụng binh quả là khác người, tướng thường chỉ chọn quân thân tín để bảo vệ mình nhưng vua Quang Trung lại khác, chọn quân mới tuyển cho vào trung quân đi cùng mình, vừa đi vừa học võ. Chỉ mỗi điều này thôi đã thấy không giống ai rồi. Đã vậy, quân này lại chỉ từ 13 - 16 tuổi, vừa đi vừa học võ, vậy mà khi xung trận thì khí thế xung thiên không quân nào địch nổi. Cách hành quân của vua Quang Trung cũng độc nhất vô nhị đến nay vẫn làm đau đầu không biết bao nhiều nhà nghiên cứu, quân đi nhanh như cơn lốc, cuốn đến đâu là giặc tan tành đến đó. Để có được những thắng lợi này, đó là do đã xây dựng cho mình một lực lượng đặc biệt và sử dụng một cách đánh cũng đặc biệt đó lực lượng “Đặc công”. Có thể nói, vua Quang Trung là nhà quân sự đầu tiên của lịch sử quân sự Việt Nam đã xây dựng lực lượng đặc công và sử dụng cách đánh đặc công để giải quyết những trận chiến quan trọng.

Trận Gián Khẩu, là một trận đánh kinh điển trong việc sử dụng lực lượng Đặc công để giải quyết. Trận này do một phụ nữ tên Đức (chưa rõ họ) chỉ huy. Gián Khẩu là tiền đồn, là cái “miệng” để thông tin, là mũi tiên phong của địch, ở đây có nhiều tướng giỏi, quân tinh trấn giữ, vậy mà qua một đêm không còn một ai. Cái “Gián Khẩu” đã chết mà không thể mở miệng để thông tin được cho chỉ huy một lời nào. Đó là sự diệu tuyệt trong lối đánh của lực lượng đặc công dưới triều vua Quang Trung.


Khi xâm lược nước ta, quân Thanh dưới thời vua Càn Long, vị vua mà cơ bản dân ta từ trẻ nhỏ đến cụ già đều biết khi xem bộ phim Hoàn Châu cách cách. Nhà Thanh, từ triều Khang Hi đến Ung Chính rồi Càn Long được xem là thời kỳ vàng son nhất, thịnh trị nhất. Trong đó dưới thời Càn Long nổi tiếng thịnh trị nhất với Thập toàn võ công, ấy vậy mà đội quân 29 vạn tên, do Tôn Sỹ Nghị chỉ huy vấn bị vua Quang Trung đánh cho chạy tan tác, Sầm Nghi Đống - một vị tướng tài của quân Thanh phải tự vẫn. Nói vậy để biết rằng, khi sang xâm lược nước ta, kẻ địch rất mạnh. Chúng đã nghiên cứu kỹ cách dùng binh, các loại binh khí của quân ta, như lập mô hình voi giả để ngựa chiến quen dần. Tìm mọi cách để chống Hỏa hổ của quân Tây Sơn. Vậy nhưng với các đánh sáng tạo, 5 cánh quân như ngũ đại càn khôn siết chặt, bóp chết từng đồn địch một cách rất dễ dàng. Đó là cách đánh nhanh, diệt gọn, giải quyết trận đấu một cách mau chóng, với lực lượng ít nhất và tổn thất cũng ít nhất.

Trận đại thắng quân Thanh đã được dự đoán từ trước, cách tính toán của vua Quang Trung chính xác một cách tuyệt đối. Trước khi đưa 5 vạn binh đi chọi 29 vạn đại binh của địch mà hẹn với quân lính ngày mồng 7 vào Thăng Long ăn tết, quả là xưa nay ít có người cầm quân nào dám khảng định một cách chắc chắn như vậy. Ngày xưa Tôn Tử nói rằng, tướng giỏi là tướng ở trong trướng mà biết được thành bại ngoài sa trường. Nhưng ở đây, Quang Trung tự mình dấn quân xung trận, vừa đi vừa tuyển quân, vừa tập võ, vừa viết hịch vậy mà chỉ cần đánh một trận là “sạch không kình ngạc”, chưa cần mở chiến dịch lần hai mà quân địch đã “tan tác chim muông”. Để có được sự khẳng định chắc như đinh đóng cột đó, hẳn vua Quang Trung đã nắm rõ được tình hình của địch, bởi người xưa đã đúc kết “biết địch biết ta thì trăm trận đều thắng”. Muốn nắm rõ được tình hình, chắc rằng đã có một lực lượng đặc biệt đi do thám, nắm rõ địch như lòng bàn tay. Lực lượng đó chắc hẳn là rất đặc biệt, mà sau này chúng ta được biết đó là lực lượng Đặc công. Và lực lượng này chỉ được xuất đầu lộ diện lần đầu tiên đó là trong trận đánh Gián Khẩu. Trận đánh này của lực lượng Đặc công đã mở toang cánh cửa để đại quân tiến thẳng vào tiêu diệt quân địch và giải phóng Thăng Long giành lại độc lập cho Tổ quốc.
 
Hoàng Kiểm

Bạn đang đọc bài viết "Lực lượng Đặc công thời vua Quang Trung" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.