Loạn danh xưng và lộng ngôn trong tín ngưỡng thờ Mẫu: “Mập mờ đánh lận con đen”

30/09/2024 08:48

Theo dõi trên

Tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đã trải qua nhiều thế hệ lưu truyền và phát triển. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện đại, những vấn đề nổi cộm như loạn danh xưng, lộng ngôn và sự thiếu thống nhất trong cách gọi đang dần làm xói mòn giá trị văn hoá cốt lõi của tín ngưỡng này. Những hiện tượng tiêu cực nói trên, không chỉ gây ra sự nhầm lẫn, mà còn biến tín ngưỡng thờ Mẫu thành nơi chứa đựng nhiều yếu tố phản cảm, khiến người ngoài cuộc có cái nhìn thiếu thiện cảm.

laplodanhlanconden-1726935718-1727660855.jpg

Loạn danh xưng và lộng ngôn, thực trạng đáng báo động

Hiện nay, khi nhắc đến các thanh đồng đang hoạt động trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thay vì có cách xưng hô thống nhất, nhiều người lại sử dụng các danh xưng theo lối tùy tiện. Những tên gọi như: "Đồng thầy A", "cậu đồng B", "bà đồng C", hay "ông đồng D"… trở nên phổ biến và không tuân thủ theo quy tắc nào.

Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn, làm giảm tính trang trọng và tôn nghiêm vốn có của tín ngưỡng. Thậm chí, nhiều người còn tự phong - khoác cho mình những danh xưng thánh thần như: "Chúa Then", “Mẫu Thượng Thiên", “ông Ngũ - quan lớn Tuần Tranh” hay “Hoàng Mười”… thể hiện sự lố bịch và thiếu tôn trọng đối với các nhân vật được phụng thờ. Rõ ràng, họ chưa thực sự hiểu cặn kẽ vai trò và trách nhiệm của mình trong tín ngưỡng hoặc cố tình, khiến vấn đề trở nên phức tạp và méo mó.

Theo quan niệm lâu nay của tín ngưỡng này, người được mở phủ phải trải qua một hành trình dài gồm: “3 năm thử lính, 9 năm thử đồng, và 12 năm tạ một giáp” mới có thể trở thành thầy. Chỉ khi hoàn thành đủ các giai đoạn này, người đó mới được gọi là "đồng thầy" và có quyền mở phủ, truyền dạy tín ngưỡng cho đệ tử.

Những thử thách trong tín ngưỡng có thể được xem như là một quá trình rèn luyện cả về văn hoá, tín ngưỡng lẫn đạo đức. Quãng thời gian “3 năm thử lính, 9 năm thử đồng và 12 năm tạ một giáp” không chỉ nhằm kiểm chứng lòng trung thành và sự kiên trì của người theo tín ngưỡng mà còn giúp họ thấm nhuần lề lối, nghi thức và triết lý sâu sắc của tín ngưỡng. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để họ tu dưỡng đạo đức, kiểm soát bản thân, tránh lạm quyền và đảm bảo rằng khi truyền dạy cho đệ tử, họ có đủ trí tuệ và kinh nghiệm để hướng dẫn một cách chính xác, đúng mực.

Việc rèn luyện qua thời gian dài giúp người thầy không chỉ hiểu sâu sắc về tín ngưỡng mà còn đủ bản lĩnh đối mặt với những thách thức và trách nhiệm, từ đó mới có thể truyền đạt giá trị thực sự của tín ngưỡng cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, hiện nay có không ít người chỉ sau vài năm được mở phủ (ra đồng, được phép hầu Thánh) đã tự phong mình là đồng thầy, ông đồng, bà đồng và nhanh chóng truyền dạy văn hoá, tín ngưỡng cho người khác. Việc này không chỉ gây nên sự nhầm lẫn giữa khái niệm đồng tân (lính mới) và đồng thầy lâu năm, mà còn làm phức tạp thêm môi trường tín ngưỡng. “Mập mờ đánh lận con đen”, động cơ của những người này là gì? Có lẽ, chính họ hiểu rõ hơn ai. Thực trạng này đang trở nên phổ biến và đáng lo ngại trong cộng đồng tín ngưỡng hiện nay.

Không chỉ vậy, hiện tượng thanh đồng lộng ngôn, sử dụng những lời tục tĩu trong giao tiếp cũng đang gia tăng. Thay vì giữ gìn sự thiêng liêng và kính cẩn, nhiều người lại lạm dụng ngôn từ để tự tôn vinh mình hoặc hạ thấp người khác, nhất là trên mạng xã hội. Những lời nói thiếu kiểm soát, lạm dụng danh xưng để thao túng tâm lý đệ tử hoặc thậm chí biến tín ngưỡng thành nơi “buôn thần bán thánh” đang tạo ra một hình ảnh méo mó về tín ngưỡng thờ Mẫu.

laplodanhlanconden1-1726935252-1727660886.jpg

Nguyên nhân của sự biến tướng

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng loạn danh xưng và lộng ngôn là sự thiếu hụt các quy định và quy chế cụ thể về hoạt động trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Hiện tại, các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu dựa vào Luật Tín ngưỡng tôn giáo, mà không có sự quy định rõ ràng và cụ thể cho từng nghi thức, vai trò, hay danh xưng. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, dẫn đến sự lạm dụng và tự phong danh hiệu một cách tùy tiện.

Xét từ góc độ tâm lý, nhiều thanh đồng trước khi tham gia hoạt động tín ngưỡng đã trải qua những rối loạn tâm lý, thậm chí có người từng phải điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh. Điều này khiến tâm lý của họ không ổn định, dễ dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực trong quá trình thực hiện nghi thức, cũng như giao tiếp.

Bên cạnh đó, sự thương mại hóa tín ngưỡng thờ Mẫu cũng phần nào làm cho danh xưng trở nên mờ nhạt và thiếu ý nghĩa. Nhiều cá nhân lợi dụng sự tin tưởng của tín đồ để kiếm lợi, từ đó tạo ra các danh xưng hào nhoáng nhưng rỗng tuếch về giá trị. Họ dùng những lời hoa mỹ, nhưng thực chất nhằm mục đích thao túng và điều khiển tâm lý, hay phách lối, loè bịp, doạ nạt những cá nhân thiếu hiểu biết về tín ngưỡng.

Giải pháp cho vấn đề loạn danh xưng và lộng ngôn

Để khắc phục tình trạng loạn danh xưng và lộng ngôn trong tín ngưỡng thờ Mẫu, cần có những biện pháp cụ thể và quyết liệt từ cả phía chính quyền, cộng đồng tín ngưỡng và toàn xã hội.

Thiết lập quy chế rõ ràng: Nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa, tín ngưỡng cần ban hành các quy định, quy chế cụ thể về việc sử dụng danh xưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Cần có những tiêu chuẩn và yêu cầu rõ ràng để xác định danh hiệu của các cá nhân tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, đảm bảo sự trang nghiêm và tôn kính.

Nâng cao ý thức cộng đồng: Người dân cần được giáo dục và hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của từng danh xưng trong tín ngưỡng. Các buổi hội thảo, toạ đàm, tập huấn về tín ngưỡng thờ Mẫu cần được tổ chức rộng rãi để người dân có cơ hội tiếp cận với các kiến thức chính thống, từ đó ngăn chặn sự lạm dụng.

laplodanhlanconden2-1726935474-1727660914.jpg

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại hóa tín ngưỡng: Cần có sự giám sát từ cơ quan chức năng để ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi. Các cá nhân sử dụng danh xưng sai trái, hoặc có những hành vi lộng ngôn (tự phong thánh, thần) cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một phần quan trọng trong văn hóa dân tộc Việt Nam, là nơi kết nối giữa con người với thế giới tâm linh, giữa quá khứ và hiện tại. Việc giữ gìn sự trang nghiêm và tôn trọng trong từng danh xưng, lời nói là điều tối quan trọng để bảo tồn giá trị thực sự của tín ngưỡng này.

Sự tùy tiện trong cách xưng hô và lộng ngôn không chỉ làm suy giảm giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng đối với các giá trị văn hóa truyền thống nói chung. Điều quan trọng là mỗi người cần tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy tín ngưỡng, thay vì để lòng tham và danh lợi làm xói mòn những giá trị quý báu đó.

Khi danh xưng được sử dụng đúng cách, ngôn từ được kiểm soát, tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ tiếp tục là một biểu tượng văn hoá thiêng liêng, là nơi mọi người có thể tìm về sự an yên trong tâm hồn, giữa cuộc sống hiện đại nhiều xô bồ.

Bình An
Bạn đang đọc bài viết "Loạn danh xưng và lộng ngôn trong tín ngưỡng thờ Mẫu: “Mập mờ đánh lận con đen”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.