Linh thiêng đình Phù Liễn

17/10/2014 22:06

Theo dõi trên

Trên đất nước Việt Nam chỉ duy nhất có Khu di tích đình Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là thờ cả một gia đình có công với đất nước - gia đình bà Ngọc Kinh công chúa.



Đền Đức Bà (đang tu sửa)

Làng Phù Liễn theo các cụ cao tuổi kể lại xa xưa làng có tên là Ngọc Trù do phạm tên húy thờ (thờ bà Ngọc Kinh công chúa) nên đổi thành làng Phù Liễn. Làng nằm trên quả đồi thoai thoải, cao ráo, thế đất cũng rất đẹp phía sau làng là con ngòi Tiểu Khê nước từ các suối Tây Thiên chảy về, trước mặt làng có con kênh đào chảy qua.

Quần thể di tích lịch sử đình Phù Liễn được nhà nước xếp hạng năm 1990, bao gồm có đền thờ bà Ngọc Kinh công chúa dân làng ở đây vẫn gọi là đền Đức Bà, liền kề là chùa Thái Bằng (ngôi chùa mà Đức Bà đã dựng lên để chiêu tập binh sĩ cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán), cuối làng là ngôi miếu thờ Đức Ông (ông Phủ Ký Tả Giai - chồng của Đức Bà) và ông Lôi Công (con trai cả của ông bà) gọi là Miếu Thích, trước mặt làng là Đền Hức thờ ông Hắc Công (con trai út).

Những câu chuyện truyền từ xưa tới giờ càng làm cho quần thể di tích đình Phù Liễn thêm trang trọng và linh thiêng hơn. 
 


Cây đa khoảng 150 tuổi trước đền thờ Đức Bà

Ông Nguyễn Văn Di - Phó BQL di tích xã Đồng Tĩnh, là người trực tiếp quản lý Khu di tích đình Phù Liễn say sưa kể với PV về khu di tích với thái độ và tấm lòng thành kính nhất. Ông nói, theo Ngọc Phả dịch được là: Viết từ thời Hồng Phúc Nguyên Niên (thời Lê Trang Tông, niên đại 1572) Đức Bà là một nữ tướng đứng ra chiêu tập quân sĩ cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua phong cho Đức Bà tước Đại Vương (năm 40 SCN). Đến năm 43 quân Đông Hán lại sang xâm lược, do quân giặc đông quá nên quân của Hai Bà Trưng và Đức Bà không chống lại được, quyết không để giặc bắt các bà đã trẫm mình xuống dòng sông Hát Giang tự tử (nay thuộc Phúc Thọ, Hà Nội). Còn Đức Ông và con trai cả hi sinh trên đất Cẩm Khê (Phú Thọ) ngày 7 tháng 5, cánh quân của Hắc Công phá vòng vây chạy thoát về lại làng, nghe tin cha mẹ và anh cả đã hi sinh ông cho mổ trâu, bò, lợn, gà tế trời đất khao quân và dân làng và ông tự tử lúc nào không ai biết (hôm đó là ngày 12 tháng 7 năm 43), sáng hôm sau dân làng đi qua đã thấy thi hài của ông mối đắp đầy hết (đắp theo hình người ông), nhân dân đã lập đền thờ ông tại nơi ông mất gọi là Đền Hức.

Tương truyền trước kia Đền Hức nhìn ra hướng bờ đê của sông Phó Đáy, tất cả mọi người từ quan đến dân thường khi đi qua đều phải xuống ngựa, ngả mũ nón nếu không về sẽ chết, do chết nhiều người quá nên các cụ đã đổi hướng đền về phía Nam, từ ngày đổi hướng đi không có ai bị chết như vậy nữa. Nguyên nhân vì sao lại như thế thì không ai giải thích được. Hay những người ăn trộm đồ cổ ở chùa Thái Bằng đem bán cũng tự nhiên cảm mà chết (có 3 người trong làng do đã chết nên các cụ dấu tên không cho biết).

Ông Nguyễn Văn Trường (cụ Từ trông coi đình) cho biết: Cách đây khoảng hơn 10 nhân một dịp kỷ niệm (ông không nhớ rõ) ở Hà Nội đã thả hai con rồng to, thì một con bay về Bắc Ninh, con còn lại bay về Đền Hức, điều đặc biệt là con rồng đó quấn quanh mái đền, dân làng đã giữ lại khoảng 8 năm thì bị rách đã hóa đi (ông cũng cho biết thêm một trung tá quân đội đã về và nhận ra đó là rồng do đơn vị ông làm).

Hàng năm vào ngày 7, 8, 9 tháng riêng âm lịch dân làng Phù Liễn tổ chức lễ hội đúc Bụt nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Đức Bà, đặc sắc nhất có tục cướp chiếu, những ai hiếm muộn con cái, sinh con một bề cướp lấy một ít chiếu mang về sẽ được như ý, có những gia đình thuê 70 – 80 triệu chỉ để cướp một ít chiếu, rất nhiều người đã cầu được ước thấy nên đến nhờ cụ Từ cúng trả lễ, mỗi năm cụ cúng cầu giúp gần 400 lễ (cầu làm ăn, cầu quan cầu chức, cầu học hành…).

“Tất cả những ai mạo phạm đến đình đều phải gánh hậu quả”, ông Nguyễn Văn Tiện (65 tuổi, người làng Phù Liễn) đã nói vậy. 

Những ngôi đền không có cổng, không có tường rào bao quanh nhưng không có bất cứ người nào, kể cả những đứa trẻ vốn đã nghịch ngợm cũng không dám ra phá phách, lấy cắp vì họ sợ mạo phạm đến thần thánh, sợ những điều không hay xảy đến với gia đình. Người dân nơi đây luôn dành cho gia đình Đức Bà sự tôn kính nhất.
 
Vũ Hằng  - Đức Hạnh

Bạn đang đọc bài viết "Linh thiêng đình Phù Liễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.