Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt 2: Khởi đầu hy vọng cho sân khấu kịch TPHCM giai đoạn “bình thường mới”

03/01/2022 23:35

Theo dõi trên

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 - đợt 2 dành cho khu vực phía Nam sẽ diễn ra tại TPHCM từ ngày 3 đến 17/1 với 26 vở diễn dự thi từ 20 đơn vị, đều là các sân khấu công lập và xã hội hóa đang hoạt động tại TPHCM. Nhà hát Kịch TPHCM sẽ khai màn Liên hoan với vở diễn “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” (kịch bản: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn).

03-01-2022-lien-hoan-kich-noi-toan-quoc-dot-2-khoi-dau-hy-vong-cho-san-khau-kich-tphcm-giai-638c433-details-1641227670.jpg
Vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” về tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác Hồ (Nhà hát Kịch TPHCM) sẽ khai diễn Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt 2.

Vở diễn nói về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ này từng gây ấn tượng khi vượt lên chất lượng một “tác phẩm tốt nghiệp” của đạo diễn - diễn viên trẻ Hoàng Tấn (Nhà hát Kịch TPHCM), cũng như thoát khỏi sự khuôn mẫu, khô cứng thường thấy ở các vở diễn đề tài cách mạng. Nhà hát Kịch TPHCM cũng cho thấy sự cởi mở hơn trong tư duy khi không chỉ hỗ trợ đầu tư mà còn mạnh dạn cho tác phẩm với một ê-kíp “toàn trẻ” tham gia “hội nghề” lớn nhất của làng kịch cả nước. Đây là nỗ lực trong việc bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ cho Nhà hát vốn đã hao hụt trong nhiều năm liền.

Bên cạnh “Cuộc hành trình tìm bức chân dung”, Nhà hát Kịch TPHCM còn giới thiệu vở diễn “Thành phố tình yêu” (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) tại Liên hoan. Đây là vở diễn được đầu tư dàn dựng hoàn toàn mới không chỉ để dự Liên hoan mà còn nhằm quảng bá kịch bản đạt giải cao từ cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu chủ đề “Mãi mãi một tình yêu” do UBND TPHCM tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (1975 – 2020). Kịch bản “Thành phố tình yêu” của tác giả Vương Huyền Cơ đạt giải B với góc nhìn rất “đời thường” về những mảnh đời vô danh, giản dị giữa một đô thị tưởng xô bồ nhưng nghĩa tình len lỏi trong từng ngóc ngách.

Đáng ghi nhận ở Liên hoan đợt này là các thương hiệu sân khấu nổi bật của làng kịch TPHCM gần như đủ mặt. Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B dự thi với vở diễn “Công lý như mặt trời” (kịch bản: Vương Huyền Cơ - Đặng Thành, đạo diễn: Chánh Trực) mang đậm dấu ấn dàn dựng thể nghiệm và vở diễn “Tình lá diêu bông” (kịch bản: Hà Nam Quang - Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc) lại kể câu chuyện khá truyền thống.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vốn ít khi dự Liên hoan cũng góp mặt với 2 vở diễn về Sài Gòn - TPHCM – một của quá khứ với những bi kịch về số phận con người và một của hiện tại và tương lai với những mảnh đời nhỏ góp phần vào mạch sống của một TP “đất lành chim đậu” – là “Bạch Hải Đường” (kịch bản: Nguyễn Huỳnh, đạo diễn: Ái Như) và “Sài Gòn có một ngã tư” (kịch bản: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Thành Hội).

Sân khấu Kịch Hồng Vân đặt niềm tin hoàn toàn vào ê-kíp trẻ với 2 vở diễn “Ngã rẽ” (kịch bản: Tấn Nhật - Phương Thảo, đạo diễn: Xuân Trang) và “Ngôi nhà trên thuyền” (kịch bản, đạo diễn: Xuân Trang). Sân khấu Sài Gòn phẳng với 2 vở diễn “Ngược gió” (kịch bản, đạo diễn: Tiết Duy Hòa) và “Bao giờ mẹ lấy chồng” (kịch bản: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) lấy bối cảnh miền Tây sông nước đều từng thu hút sự chú ý của công chúng.

Nhà hát Thế giới Trẻ (Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) vẫn trung thành với đề tài lịch sử với vở diễn “Thành Thăng Long thuở ấy” (kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà). Đặc biệt, Sân khấu Trịnh Kim Chi có ngay vở kịch “Blouse trắng” (kịch bản: Miên Thảo, đạo diễn: Hữu Tiến) về đóng góp của các y bác sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19…

03-01-2022vnghe-2-1641227659.jpg
Vở kịch “Công lý như mặt trời” của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ có nhiều sáng tạo trong dàn dựng lẫn đề tài kịch tính “mượn xưa nói nay” về chuyện “chống tham nhũng”.

Ngoài ra, còn có những cái tên khá mới, như: Sân khấu Sen Việt với vở kịch tâm lý “Mảnh vở” (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt); Công ty biểu diễn Phiêu Linh với vở kịch đề tài cách mạng “Câu hò đất mẹ” (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: Hoàng Duẩn); Sân khấu Sử Việt với vở diễn dã sử “Khóc giữa trời xanh” (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Phùng Nguyên); Truyền thông GODI với vở diễn “Khúc nguyệt cầm” (kịch bản: Đoàn Bá, đạo diễn: Nguyễn Hải Yến); Hero Film với vở diễn “Mưa bóng mây” (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: Ngọc Hùng)…

Ngoài Nhà hát Kịch TPHCM là đơn vị công lập, còn lại đều là các sân khấu xã hội hóa. Có thể nói đây là tín hiệu vui bước đầu cho kỳ “hội diễn” trở lại ngay sau khi TPHCM vừa trải qua đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư với những dư chấn nặng nề. Sau một năm hoạt động biểu diễn gần như bị đóng băng, có thời điểm, người làm kịch nói TPHCM lâm vào bế tắc, kiệt quệ cả tài chính lẫn tinh thần để có thể tham gia hội diễn. Việc dời Liên hoan đợt 2 dành cho các đơn vị phía Nam sang năm 2021 (Liên hoan đợt 1 đã diễn ra tại TP. Hải Phòng vào tháng 11/2021) đã tạo điều kiện cho các đơn vị phía Nam có thêm thời gian chuẩn bị và lấy lại động lực khi bước vào giai đoạn bình thường mới. Chia sẻ những nỗi đau mất mát cùng TP, đồng thời người nghệ sĩ cũng nỗ lực vượt lên khó khăn để trở lại mà Liên hoan này như “phát pháo tiến công” cho năm 2022 nhiều thách thức mà cũng đầy hy vọng./.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt 2: Khởi đầu hy vọng cho sân khấu kịch TPHCM giai đoạn “bình thường mới”" tại chuyên mục Sân khấu - Phim ảnh. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.