Tìm hiểu những đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật sân khấu dân ca kịch bài chòi miền Trung trong sự nghiệp đổi mới đất nước

07/09/2022 10:23

Theo dõi trên

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy vất vả, gian truân gần một thế kỷ qua, dân ca kịch bài chòi miền Trung Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng được khích lệ, có những đóng góp quý báu vào kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nhưng những đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật sân khấu này cũng bộc lộ không ít hạn chế cần sớm được nghiên cứu, tháo gỡ và giải quyết một cách triệt để mới có thể giữ vững được vị trí, chức năng, vai trò và tầm quan trọng của nó đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

dh2534553535-1662520985.jpg
Một cảnh trong vở Khúc ca bi tráng của Đoàn ca kịch Bài Chòi Bình Định đoạt HCV tại Cuộc thi dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 -  Ảnh: internet

Trong các bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc, dân ca kịch bài chòi miền Trung ra đời từ một trò chơi dân gian khi mỗi độ xuân về ở các tỉnh Trung Bộ. Qua bao năm tháng, từ chỗ hội chơi bài chòi, một loại hình nghệ thuật sân khấu ra đời, thấm sâu vào đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa văn nghệ của quần chúng nhân dân ở các tỉnh miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Thoát thai từ hình thức diễn xướng dân gian trong hội chơi bài chòi vào dịp hội xuân, phổ biến ở một số tỉnh miền Trung, từ câu hô Thai (câu đố) về tên con bài trong trò chơi bài chòi, qua thời gian được chuyển hóa từ “đất lên dàn” để rồi chính thức trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc. Theo nhiều nhà nghiên cứu sân khấu, thời điểm đánh dấu quá trình chuyển hóa của kịch hát bài chòi diễn ra vào những năm 1933-1934 TK XX tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định với sự xuất hiện của những vở diễn bài chòi đầu tiên có nội dung dựa theo truyện Nôm khuyết danh hay truyện cổ tích dân gian như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Thạch Sanh - Lý Thông, Lâm Sanh - Xuân Nương, Tam hạ - Nam đường. Sau đó, một số gánh hát bài chòi cũng được thành lập như: Ý Chung, Long Vân, Ý Đồng. Thời kỳ này, các nghệ sĩ bài chòi thường dựa vào những vở tuồng “hát bội” quen thuộc để chuyển thể thành vở diễn bài chòi.

Theo dòng chảy lịch sử, trước năm 1945, dân ca kịch bài chòi dường như vẫn đang trên con đường tìm kiếm, mò mẫm để tiến tới định hình thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh. Sau năm 1945, đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hình thức nghệ thuật sân khấu này bước vào quá trình chuyên nghiệp hóa. Vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, một vở diễn kịch hát bài chòi hoàn chỉnh ra đời năm 1957 ở miền Bắc, đánh dấu sự trưởng thành của kịch hát bài chòi trong nền nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, nghệ thuật sân khấu dân ca kịch bài chòi miền Trung tiếp tục thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình là liên tục cống hiến cho công chúng những vở diễn hay, có nội dung phong phú, thể hiện một cách sâu sắc tinh thần đấu tranh với nghèo nàn lạc hậu, chống lại những thế lực phản động, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; cùng những bộ môn nghệ thuật khác góp phần đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tuy không có lịch sử lâu dài với những vở diễn truyền thống, đồ sộ, mẫu mực như sân khấu tuồng, chèo; cũng chưa có được sự năng động và sức thâm nhập sâu rộng như sân khấu cải lương, nhưng dân ca kịch bài chòi lại có những đặc điểm riêng, dáng vẻ riêng không thể trộn lẫn với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác thông qua những đặc trưng cơ bản sau đây:

Về kịch bản văn học: Kịch bản bài chòi mang đậm màu sắc folklore, được viết bằng thể thơ lục bát và lục bát biến thể, là thể thơ rất quen thuộc của ca dao và dân ca Việt Nam. Bên cạnh tính tự sự và trữ tình, kịch bản kịch hát bài chòi còn có thêm một đặc điểm quan trọng khác là tính kịch. Chính tính kịch đã làm cho câu chuyện được kể lại bằng hát, múa, độc thoại, đối thoại, có cơ sở để phát triển thành một loại hình kịch hát hoàn chỉnh.

Về âm nhạc: Kịch hát bài chòi chủ yếu sử dụng các bài hát, các làn điệu bài chòi làm phương tiện diễn đạt: kể vè, xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò quảng... Gần một thế kỷ qua, kịch hát bài chòi đã có hàng trăm câu hò, điệu lý, những ca khúc mới bên cạnh những giai điệu bài chòi truyền thống, mang lại khả năng mở rộng phạm vi sáng tác các kịch bản bài chòi đi từ lịch sử đến đương đại, góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa kịch chủng này.

Về nghệ thuật biểu diễn: Dân ca kịch bài chòi là hình thức sân khấu tự sự, trữ tình mang đậm tính dân gian, có nhiều đặc điểm gần gũi với cải lương, có khả năng khai thác nhiều đề tài khác nhau, nhất là việc miêu tả mối quan hệ tình cảm giữa con người với xã hội. Ngoài những tố chất: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần và kỹ thuật biểu diễn của người diễn viên, nghệ sĩ dân ca kịch bài chòi không sa vào thương cảm, sướt mướt như cải lương, không khoa trương cách điệu mang màu sắc bi hùng như tuồng, dân ca kịch bài chòi mang âm hưởng tình cảm trong sáng, bình dị của người dân Trung Bộ. Một mặt, học tập cung cách diễn xuất phóng khoáng, tự nhiên của trò diễn dân gian miền Trung; mặt khác, cũng tiếp thu nhiều đặc điểm biểu diễn của sân khấu tuồng, sân khấu cải lương, kịch nói; đặc biệt là thể hệ Stanislavskij và lý luận sân khấu gián cách của B. Brecht rồi lược giản đi thành một phong cách riêng.

Về mỹ thuật sân khấu: Dưới tác động của nguyên tắc giả định mang tính ước lệ, trang trí mỹ thuật sân khấu ở dân ca kịch bài chòi được đặt ra như một yếu tố không thể thiếu trong một vở diễn mỹ thuật sân khấu bài chòi không chỉ đóng góp vào việc tạo ra cảnh trí, không gian, thời gian, nhằm hỗ trợ đắc lực cho tư tưởng của vở; mà còn giúp diễn viên khai thác hành động kịch tương ứng với địa điểm xảy ra cốt truyện, đem lại khoái cảm thẩm mỹ cho người xem.

Về nghệ thuật múa: Dân ca kịch bài chòi mang tính tự sự, nhằm kể lại một câu chuyện mà ở đó, độc giả và khán giả hiểu được nhân vật không chỉ thông qua thái độ, tư tưởng, tình cảm và hành động của nhân vật, mà còn có cả vũ đạo và nghệ thuật múa trong các tình huống kịch do người nghệ sĩ diễn tả. Vũ đạo và múa của dân ca kịch bài chòi không chỉ sử dụng nguồn chất liệu duy nhất là các động tác và điệu múa của sân khấu tuồng, cải lương, mà còn khai thác các điệu múa dân gian đặc sắc ở miền Trung như: múa sắc bùa, múa dâng bông, múa Chăm, múa bóng, múa cầu ngư... để tạo ra những điệu múa mang sắc thái dân ca kịch bài chòi.

Về nghệ thuật đạo diễn: Ở sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam trước đây chưa có vai trò người đạo diễn, bởi công việc sáng tạo nghệ thuật lúc bấy giờ thuộc về các diễn viên nổi trội trong một gánh hát, đoàn hát hoặc là ông chủ của gánh hát, đoàn hát ấy. Mãi cho đến khi sân khấu bước vào thời kỳ chuyên nghiệp hóa, phát triển một cách đồng bộ và toàn diện từ biên kịch, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật đến trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, vai trò của người đạo diễn mới được coi trọng. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có trường đào tạo đạo diễn cho các loại hình kịch hát dân tộc. Nhưng các đạo diễn được đào tạo chuyên sâu về kịch nói trong và ngoài nước đã dàn dựng thành công một số vở diễn kịch hát, do họ đã biết xử lý đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa dân ca kịch bài chòi mà vẫn gìn giữ được những giá trị truyền thống đích thực của nó.

Những đặc trưng cơ bản của loại hình dân ca kịch bài chòi gần một thế kỷ qua từ kịch bản văn học, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, âm nhạc, múa, mỹ thuật sân khấu, nghệ thuật đạo diễn… đã góp phần không nhỏ vào sự định hình một loại hình kịch hát dân tộc còn non trẻ nhưng lại tràn đầy sức sống. Đội ngũ sáng tác bao gồm: kịch tác gia, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa, diễn viên nhiều người đã đoạt Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu NSND, NSƯT, nhiều vở diễn đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, cũng không ít luận văn, luận án nghiên cứu về dân ca kịch bài chòi, tuy còn quá ít ỏi so với các loại hình nghệ thuật truyền thống đàn anh khác nhưng rất đáng được tự hào.

Có thể nói, từ khi dân ca kịch bài chòi trở thành thành viên chính thức trong đại gia đình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đến nay gần một thế kỷ. Gần một thế kỷ ấy, loại hình nghệ thuật này đã đồng hành cùng với các bộ môn kịch hát dân tộc khác, dù rất khiêm tốn, nhưng bằng tất cả ý thức về sứ mệnh của nghệ thuật trong tiến trình phát triển lịch sử, phát triển văn hóa dân tộc, dân ca kịch bài chòi đã cống hiến không chỉ bằng tài năng lao động sáng tạo nghệ thuật mà còn có cả máu xương và nước mắt của biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau sáng tạo hàng trăm vở diễn chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc và giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, góp phần không nhỏ vào việc bồi dưỡng thế giới nội tâm và nhân cách cho những con người cách mạng, cũng như quần chúng lao động bình thường cảm nhận được tầm cao của lý tưởng, vẻ đẹp của nghệ thuật, hồn sắc của đất nước quê hương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước cũng như trong cuộc sống hòa bình xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật ấy, dân ca kịch bài chòi đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, có những đóng góp quý báu vào kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nhưng bên cạnh đó, cũng bộc lộ không ít những hạn chế cần sớm được nghiên cứu, tháo gỡ và giải quyết một cách triệt để mới có thể giữ vững được vị trí, chức năng, vai trò quan trọng của loại hình nghệ thuật này đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đặc biệt, với tình trạng khan hiếm kịch bản kéo dài, khán giả ngày càng thưa vắng, đội ngũ sáng tác chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, nay đã lớn tuổi, sức sáng tạo không còn nhạy bén, lớp người kế cận khan hiếm, hầu hết các vở diễn dân ca kịch bài chòi đều là những tác phẩm được chuyển thể từ các loại hình nghệ thuật sân khấu khác; đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn giảm sút về số lượng lẫn chất lượng, từ chỗ có 4 đoàn nghệ thuật ở các tỉnh miền Trung nay chỉ còn lại 3 đoàn ở Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Các nghệ sĩ tên tuổi, có tài năng, tâm huyết với nghề, đều đã lớn tuổi nên phải từ giã ánh đèn sân khấu, một số diễn viên có năng khiếu do chưa thích nghi với cơ chế thị trường cũng vội vã rẽ sang hướng khác để tìm kế sinh nhai… Đội ngũ kế cận chưa thấy xuất hiện tài năng trẻ, tại các kỳ hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, các tác phẩm kịch hát bài chòi chưa định hình rõ nét đặc trưng cơ bản của thể loại, cộng với kỹ thuật biễu diễn còn nhiều khiếm khuyết nên rất khó có được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

Làm thế nào để có thể gìn giữ bảo tồn những đặc trưng cơ bản và phát triển loại hình dân ca kịch này đi lên ngang tầm với công cuộc đổi mới, phù hợp với xu thế của thời đại khi mà những hạn chế nêu trên đến nay vẫn chưa có hướng khắc phục?

Để có thể trả lời được câu hỏi nêu trên, chúng tôi cho rằng, các cấp lãnh đạo nghệ thuật từ Trung ương đến các địa phương cần có kế hoạch đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn những đặc trưng cơ bản, những tinh hoa nghệ thuật, những tư liệu quý, những cái hay, cái đẹp trong quá trình hình thành và phát triển kịch hát bài chòi; kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; khơi dậy tình yêu nghệ thuật vốn có của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, nhất là diễn viên, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo, nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu, tạo điều kiện cho lực lượng này không ngừng nỗ lực phấn đấu, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của công chúng đương đại. Từng bước khắc phục những hạn chế trên mới hy vọng loại hình nghệ thuật sân khấu này thoát khỏi sự lúng túng, bị động, tiếp tục đứng vững trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Theo Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021