Lên đỉnh Cô Tô

29/10/2015 08:56

Theo dõi trên

Hùng vĩ giữa đất trời Bảy Núi, đỉnh Cô Tô (xã Núi Tô, Tri Tôn) quanh năm mây phủ, ẩn chứa những huyền thoại và bao chiến công hào hùng của quân - dân ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Mỗi chuyến chinh phục đỉnh Cô Tô luôn để lại trong lòng du khách những cảm xúc khó quên, bởi phong cảnh non nước hữu tình và con người chân chất nơi đây.



 Du khách thăm thú cảnh đẹp núi Cô Tô

Sáng sớm. Màu nắng Bảy Núi vàng ươm trải ra những cánh đồng ruộng trên xanh mướt. Đỉnh Cô Tô cao vút, ẩn hiện giữa làn sương khói mông lung như thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi. Sát chân núi là hồ Soài So trong mát. Mùa mưa, hồ đầy nước. Mặt nước gương trong soi bóng núi tạo nên khung cảnh nên thơ. “Lên núi mùa này hơi cực bởi đường đi trơn trượt. Khách có thể đi bộ hoặc xe Honda “ôm” để lên núi. Mà phải là dân địa phương với tay lái “thiện chiến” mới kham nổi. Bận lên có thể đi xe cho đỡ mệt. Bận xuống đi bộ ngắm cảnh thoải mái!” - anh Phương Thanh Việt, người dân địa phương, cho biết.

Tiếng máy xe phá tan không khí yên tĩnh của núi rừng đưa chúng tôi lên đỉnh Cô Tô. Để lên đỉnh núi, phải vượt qua 5 cây số dốc. Dốc núi ở Cô Tô khá hiểm trở, chỉ việc đi xe lên núi cũng có thể gây ra cảm giác mạnh. Đường hẹp, dốc thẳng đứng. Có đoạn chúng tôi cứ ngỡ mình đang đi xe...lên trời! Con đường tráng nhựa rộng hơn 1m tựa như con rắn bò ngoằn ngoèo qua những vườn dâu, vườn xoài, khi lại luồn dưới những rặng tre mạnh tông xanh mát. “Ở đây, đất không màu mỡ lắm nên người dân chỉ có thể trồng vườn hoặc bán nước phục vụ khách hành hương. Đời sống cũng ổn định, không giàu nhưng không nghèo. Từ chân núi lên đỉnh có khoảng 50 nóc nhà, toàn dân “cố cựu” đã định cư ở đây ngót mấy đời” - anh Việt cho hay.

Theo người dân địa phương, trên núi có khá nhiều điểm hành hương, như: Điện chư vị Năm Ông, Năm Căn, chùa Vồ Hội, Sân Tiên... Mỗi địa điểm đều có những huyền thoại riêng, thu hút lòng tín ngưỡng của du khách. Mùa hành hương trên núi Cô Tô diễn ra từ tháng 11 đến tháng 5 âm lịch. Đây là thời điểm dân trên núi có đồng vô kha khá để trang trải cuộc sống cả năm. Chỉ tay về vồ Hội, anh Việt thông tin: “Vồ Hội vốn là nơi xuất hiện thường xuyên của loài voọc hoang dã. Nhưng, từ khi xảy ra sự cố 2 con trong đàn chết đuối trong bồn nước bỏ hoang thì cả bầy đi đâu mất, không thấy quay lại nữa”.

  Sau khoảng thời gian leo dốc căng thẳng, chúng tôi cũng lên đến Cáp I. Đây được xem là điểm cao nhất của núi Cô Tô. Sinh ra và sống gần trọn đời trên đỉnh cao chót vót này, ông Trương Văn Hân luôn cảm thấy tự hào. Đối với ông, đỉnh núi Cô Tô gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng.

Nắng lên. Đỉnh núi Cô Tô quang đãng hơn nhưng không khí vẫn dịu mát. Gió núi lồng lộng táp vào mặt. Những đám mây hơi nước thi thoảng lại ghé thăm đỉnh núi, mang đến một chút se lạnh của vùng cao. “Khách hành hương lên đây thường ghé thăm điện Kín để tưởng nhớ công ơn cửu huyền, phật pháp và các vị chư thần. Ngày trước, nơi này cũng từng hứng chịu bom đạn ác liệt của quân thù. Quá khứ đi qua, đỉnh núi Cô Tô đã bình yên trở lại nhưng điều kiện sống của người dân còn khó khăn, nhất là đường lên núi rất nhỏ hẹp và nguy hiểm” - ông Hân trải lòng.

Tạm biệt cư dân sống cao nhất trên đỉnh, chúng tôi thả bộ xuống chân núi. Dừng chân ghé lại quán ven đường nghe người cao niên kể về những di tích còn lưu lại từ thời kháng chiến. Vẫn còn đó chùa Vân Long, Mũi Hải hay đồi Tức Dụp, những nơi địch tập trung hỏa lực đánh phá ác liệt năm nào. Hôm nay, cuộc sống mới đã hình thành và màu xanh cỏ cây đã kéo liền những vết thương trên đá núi.

Nắng dần ngả màu chiều, chúng tôi vẫn còn mải miết những bước chân mỏi nhừ xuống núi. Mồ hôi đẫm lưng áo, dừng chân nghỉ lại bên gốc xoài già để lắng nghe tiếng suối. Con suối duy nhất chảy từ đỉnh xuống chân núi cũng uốn lượn dọc theo tuyến đường độc đạo. Có đoạn, tiếng suối thì thầm qua kẽ đá, có khi suối ầm ào tuôn chảy. Chính con suối này và những mạch nước ẩn mình trong đá đã nuôi dưỡng quân-dân ta trong những tháng năm bom đạn và góp phần dựng xây cuộc sống hôm nay.

Dù không có điều kiện phát triển du lịch như núi Cấm nhưng núi Cô Tô cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong những tháng hành hương. Với vẻ đẹp hùng vĩ cùng phong cảnh hữu tình, núi Cô Tô luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Ông Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Núi Cô Tô còn có tên gọi là Phụng Hoàng sơn với độ cao 614m, chu vi hơn 10 km. Với hình dáng hùng vĩ, uy nghi tựa như loài chim phụng hoàng nên người dân đã lấy tên loài linh điểu trong bộ tứ linh đặt tên cho núi. Trên núi có nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, được khách hành hương đến cúng bái quanh năm

Theo THANH TIẾN (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "Lên đỉnh Cô Tô" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.