Xòe Thái cùng với Hát Then là 2 loại hình nghệ thuật của các cộng đồng thiểu số phía Bắc trong danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của UNESCO. Hát Then là nghệ thuật diễn xướng dân gian của vũ đạo, lời ca và âm nhạc đàn tính phổ biến ở các cộng đồng thiểu số như Tày, Thái, Nùng. Còn Xòe Thái là sinh hoạt văn hóa của người Thái phía Bắc Việt Nam.
Múa xòe không chỉ phổ biến ở người thái Tây Bắc. Cộng đồng người Thái khu vực Thanh Hóa, Nghệ An cũng có phổ biến loại hình này. Người Thái ở khắp nơi đều biết múa xòe và tự hào về loại hình nghệ thuật mang tính phổ thông và tập thể này. Các lễ hội truyền thống, những cuộc giao lưu văn hóa thường không thể thiếu các buổi xòe quanh ché rượu cần, đống lửa lúc đêm tối.
Một bài dân ca của người Thái tỉnh Sơn La nói rằng: Không xòe lúa không tốt/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe hoa tàn héo/ Không xòe trai gái không thành đôi. Câu hát mang ý nghĩa biểu tượng về tầm quan trọng cũng như sự phổ biến của loại hình văn hóa dân gian này. Nó thực sự là một món ăn tinh thần trong các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa mang tính tập thể như mừng lúa mới, nhà mới, cưới xin. Nhất là khi tết đến xuân về.
Có nhiều điệu xòe nhưng bắt nguồn từ các điệu cơ bản như nắm tay, tung khăn, bước tiến lùi, bổ làm tư (phá xí), mời rượu, đi vòng tròn vỗ tay. Các điệu múa được dùng với những trường hợp khác nhau trong hội xòe. Điệu nắm tay thể hiện sự kết nối giữa những người cùng cộng đồng. Người quen thêm thân. Người lạ hóa quen. Điệu này cùng với mời rượu, đi vòng tròn vỗ tay xuất hiện thường xuyên nhất. Các điệu mời rượu, bổ làm tư thường xuất hiện lúc cao trào của cuộc vui.
Xòe Thái thực sự là linh hồn của những cuộc vui. Những điệu múa với các ý nghĩa khác nhau giúp người ta không chỉ giao tiếp bằng lời nói, cử chỉ mà vòng xòe nhiều khi lại nói được nhiều điều hơn, giúp người ta thêm gần nhau hơn.
Với người Mường Lò (tên gọi cổ xưa của đất Nghĩa Lộ) và cộng đồng người Thái nói chung, Xòe Thái là loại hình nghệ thuật độc đáo gắn liền với lịch sử phát triển cũng như lối sống, cách ứng xử của cộng đồng. Vì thế dịp vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái là dịp để cộng đồng người Thái không chỉ ở Mường Lò và khu vực Tây Bắc tề tựu trong không khí lễ hội, cũng là dịp để quảng bá hình ảnh cũng như tạo điều kiện cho du lịch ở các địa phương có thêm cơ hội phát triển.