Chỉ riêng về lễ hội Cầu Ngư, hầu như làng biển nào của tỉnh ta cũng có và duy trì cho đến tận bây giờ, từ: Cảnh Dương, Thanh Trạch, Hải Trạch, Nhân Trạch cho đến Bảo Ninh, Hải Ninh... Tuy nhiên, để lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình có thể vươn tầm như Phú Yên, Khánh Hòa hay Đà Nẵng, trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lại là một điều không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, tỉnh ta vẫn chưa có một di sản văn hóa phi vật thể nào có được vinh dự này.
Điều 10 Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 - 6 - 2010 quy định rõ: Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây:
1. Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương
2. Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ
3. Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài
4. Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ
Điểm qua đôi nét về lễ hội Cầu Ngư ở các tỉnh bạn để thêm phần nhận ra vì sao các lễ hội này được được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong nhiều lễ hội Cầu Ngư khác trên khắp cả nước.
Theo lý lịch di sản, lễ hội Cầu Ngư Phú Yên thường được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, là sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của người dân ven biển gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông.
Lễ hội thường được tổ chức thông qua ban trị sự lạch. Ban trị sự lập kế hoạch, báo cáo chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện.
Năm nào ngư dân được mùa tôm cá, lễ hội được tổ chức lớn và ngược lại. Lễ hội Cầu Ngư ở Phú Yên bao giờ cũng gồm có các nghi thức cúng tế, hát tuồng và trò chơi dân gian. Phần nghi lễ gồm 7 nghi thức cơ bản, lễ rước sắc, Lễ rước bà Thiên Y A Na, Thành hoàng bổn cảnh, âm hồn, cô hồn, Lễ nghinh Ông Nam Hải màn chèo hầu bả trạo, lễ thỉnh sanh, Lễ tế thần Nam Hải.
Đa phần các lễ hội đều giữ được nét cổ truyền, nghi lễ, trang phục, nội dung bài văn, tuồng tích đều được ngư dân lưu truyền bao đời. Điểm đáng chú ý là Phú Yên có tới 53 lăng thờ cá Ông, trong đó có một số lăng được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, tiêu biểu như Lăng Hòa Lợi, TX Sông Cầu hiện đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của Ông Tổ (Ông lụy đầu tiên) chôn sau chính điện và 3 bộ khác đang mai táng chưa lấy cốt.
Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa diễn ra vào tháng 3, tháng 7 âm lịch hàng năm, có phần lễ diễn ra trang trọng với lễ rước, lễ tế theo nghi thức truyền thống, như: Lễ rước sắc, lễ nghinh ông, lễ tế chánh, lễ Tôn vương, Lễ Tống na...
Phần hội nổi bật với cách thức trang trí cờ, hoa để thực hiện nghi thức rước Ông ra biển và nhất là hò bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ, vừa là hình thức múa hát đặc trưng của lễ hội Cầu Ngư. Ngoài ra còn có hát thứ lễ, hát dâng lễ thần linh, do đoàn hát bội thực hiện với tuồng tích thường nói về nhân vật Quan Công trong Tam Quốc chí.
Lễ hội Cầu Ngư ở Đà Nẵng diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ nghinh thân, lễ cầu an, Lễ Cầu Ngư..., phần hội có các trò chơi truyền thống, như: thi làm gỏi cá, kéo co, đan thúng, đua thuyền thúng, hát bài chòi, hát bả trạo...
Lễ hội Cầu Ngư ở các địa phương đều nhằm mục đích tỏ lòng biết ơn đối với công đức của cá Ông, cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè an toàn ra khơi, tưởng nhớ công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân và thể hiện khát vọng được bình yên trong cuộc sống, đoàn kết, gắn bó cộng đồng làng biển qua nhiều thế hệ.
Mỗi lễ hội Cầu Ngư ở các tỉnh miền Trung đều có nét đặc sắc riêng, mang đậm dấu ấn của từng nét văn hóa đặc trưng, đời sống con người bản địa. Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình cũng như vậy.
Bên cạnh các phần chung về nghi lễ hay phần hội, lễ hội Cầu Ngư ở các địa phương tỉnh ta đều có những bản sắc rất riêng có, độc đáo. Lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Nhân Trạch, Bố Trạch có múa chạy chữ (hay còn gọi là múa động đăng). Đây một nghi thức không thể thiếu trước khi tiến hành phần lễ trong bất cứ một lễ hội nào của làng biển này.
Theo nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Niếu từng giới thiệu, múa chạy chữ tức là các thành viên tham gia sẽ vừa múa, vừa sắp xếp thành các chữ Hán “Thiên-Hạ-Thái-Bình” nhằm mục đích để hầu ngài (thần ngư), hướng về biển và mang nặng tâm linh biển, đồng thời thể hiện tính cộng đồng, sự kết nối gắn bó giữa những người dân vùng biển.
Và nhất là múa chạy chữ vừa cầu cho riêng làng biển Nhân Trạch, vừa cầu cho cả “thiên hạ”, đất nước đều được yên bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, hai nét đặc sắc không thể thiếu trong nhiều lễ hội Cầu Ngư ở tỉnh ta là múa bông, chèo cạn và bơi trải.
Trong cuốn “Quảng Bình - Ẩn tích thời gian” tập 3 của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh chỉ rõ, múa bông chèo cạn là hình thức chèo thuyền được cách điệu hóa thành chèo cạn bằng lối diễn xướng và vừa hát vừa múa mái chèo, múa bông. Đây được xem như một trong những linh hồn của lễ hội. Trong khi đó, hội bơi trải trên biển vừa là một nét đẹp văn hóa dân gian, vừa là một hình thức tế lễ cầu phúc, cầu siêu cho những người xấu số, tử nạn trên biển với lễ buông phao, cầu siêu. Dọc bờ biển Quảng Bình vẫn còn có nhiều lăng thờ cá Ông vẹn nguyên giá trị.
Lăng cá Ông ở Sa Động, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới có bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam có tuổi đời hơn 100 năm, nay bộ xương được đặt ở Bảo tàng biển Việt Nam. Miếu thờ cá voi Linh Ngư miếu ở Cảnh Dương, Quảng Trạch được xây đi xây lại hàng trăm năm qua. Trong thời kỳ chiến tranh, miếu bị bom Mỹ tàn phá, dân làng phải đưa di cốt cá Ông cá Bà vào cất giữ trong đình làng, sau này, bà con quyên góp tiền xây dựng miếu mới để đưa cá Ông cá Bà về thờ phụng.
Điểm qua vài nét sơ bộ về lễ hội Cầu Ngư ở tỉnh ta để nhận thấy rằng, tiềm năng nâng tầm di sản cấp quốc gia của lễ hội là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hoàn thiện được lộ trình này đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn cả sự chung tay của cộng đồng. Sự cố môi trường biển trong thời gian qua khiến lễ hội Cầu Ngư còn mang thêm nhiều ý nghĩa linh thiêng khác. Đó chính là cầu nối chặt chẽ giữa con người với biển, tăng tính cộng đồng gắn kết và nhất là giữ vững niềm tin mãnh liệt của con người với biển, với thiên nhiên.
Đồng thời, đây cũng là “cơ hội vàng” để khôi phục, vực dậy ngành du lịch biển vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố môi trường và bảo tồn truyền thống nét văn hóa biển trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.
(Theo Báo Quảng Bình)