Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan: Vào những thế kỷ đầu công nguyên, địa điểm cư trú (và có thể cả khu mộ địa nữa) núi Sỏi là đất huyện Cư Phong đời Hán và huyện Di Phong của quận Cửu Chân đời Ngô… Quanh vùng này, cho đến nay chưa tìm thấy một di chỉ khảo cổ nào tương tự di chỉ núi Sỏi về mặt tính chất văn hóa và niên đại…
Như vậy, rất có thể "những cư dân đông đúc của di tích núi Sỏi, sau khi đã theo các vua Hùng dựng nước trước công nguyên, tránh được sự tàn sát của Mã Viện đầu công nguyên, đến giữa thế kỷ III sau công nguyên, là những người đầu tiên đi theo và làm nòng cốt cho khởi nghĩa Bà Triệu ở núi Nưa…” (Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu - Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1972).
Bộ di vật khảo cổ bước đầu tìm thấy ở núi Sỏi có vũ khí: Giáo, lao, mũi tên, đoản kiếm, dao găm… một ít dụng cụ lao động, nhạc khí như trống đồng… Các di vật này chủ yếu bằng đồng thau, mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối, trong khoảng thời gian vài ba thế kỷ sau công nguyên. Đó là giai đoạn bắt đầu chuyển tiếp sang sơ kỳ thời đại đồ sắt, thể hiện ở lớp trên cùng của tầng văn hóa khảo cổ (tài liệu đã dẫn).
Cũng năm 1962, công nhân mỏ crommit Cổ Định ở chân núi Nưa cách núi Sỏi khoảng 2 km đường chim bay, đào được một thanh đoản kiếm bằng đồng thau, cán kiếm đúc liền một tượng tròn hình người phụ nữ với đầy đủ trang phục quí tộc: Khăn, áo, yếm, váy, thắt lưng, đệm váy… Sau đó ít lâu, người ta lại tìm thấy hai thanh đoản kiếm khác, có hình dáng tương tự, nhưng các chi tiết không đẹp bằng, cũng trên địa bàn núi Nưa về phía Bắc.
Thanh đoản kiếm núi Nưa (Cổ Định) dài 0,5m, mặt phẳng, cán kiếm là tượng người phụ nữ hai tay chống vào hông, gấu váy xòe ra ôm lấy đuôi kiếm, chứng tỏ không phải loại vũ khí chiến đấu mà giống như thanh kiếm lệnh dùng để truyền lệnh chiến đấu hoặc tượng trưng cho sức mạnh quyền lực tựa quyền trượng hay vương trượng của bậc quyền chức cao cả. Những thanh đoản kiếm núi Nưa có mối quan hệ với những lưỡi dao găm núi Sỏi về tạo dáng, khiến nhà nghiên cứu không thể không nghĩ tới chủ nhân của chúng là vị thủ lĩnh miền núi Nưa, cư trú tại trung tâm chạ Kẻ Sỏi rộng lớn, hùng mạnh…
Thanh đoản kiếm núi Nưa với số lượng rất quan trọng: 3 chiếc, trong đó một chiếc kiếm đúc đẹp nhất chưa tìm thấy ở bất cứ đâu tiêu bản thứ hai, xét về mặt loại hình khảo cổ và trình độ nghệ thuật. Cả 3 thanh đoản kiếm núi Nưa đều phát triển từ phong cách lưỡi dao găm của văn hóa Đông Sơn giai đoạn trước, không thể nghĩ chúng là di vật du nhập từ bên ngoài.
Một trong những vẻ đặc sắc của thanh đoản kiếm núi Nưa là tượng người phụ nữ đúc toàn thân. Lối ăn mặc là lượt đủ bộ lệ của người phụ nữ chưa thấy ở những pho tượng đồng thau nào thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại tương đồng. Trong khi tượng cán thanh đoản kiếm núi Nưa trang phục kiểu quý tộc, thì tượng phụ nữ ở các di chỉ khác: Đào Thịnh (Yên Bái), Bảo Vệ (Hà Tây), Tràng Kênh (Hải Phòng)… và ngay ở Đông Sơn (Thanh Hóa) thuộc niên đại những thế kỷ trước công nguyên và đầu công nguyên, tất cả đều chỉ một kiểu phục trang mặc váy, cởi trần giống như họ là tầng lớp bình dân.
Nếu ta quan sát thêm một số hình phụ nữ khắc họa trên mặt các trống đồng, rìu đồng của di vật văn hóa Đông Sơn, cũng thấy như vậy. Bộ trang phục đặc sắc váy, áo, khăn cũng như lối trang điểm đầu tóc, những chiếc vòng tai rất lớn, và cả hai chuỗi vòng tay ken kín từ cổ tay lên tới tận khuỷu tay, khiến giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Đây chính là hình ảnh truyền thống của những nữ thủ lĩnh bản địa khoảng trước, sau công nguyên, nếu không phải là hình ảnh của chính ngay Bà Triệu. (Tài liệu đã dẫn).
Người Việt Cửu Chân (Thanh Hóa) thời Hùng Vương - An Dương Vương tìm thấy núi Sỏi, một nơi cư trú lý tưởng không kém làng chạ Đông Sơn bên sông Mã nhưng vị trí địa hình nhiều điểm khác Đông Sơn sông Mã. Cách núi Nưa chỉ độ 2km đường bộ, núi Sỏi thuộc sơn hệ núi Nưa, trên gò đồi có một hòn núi đá sót bé nhỏ, bị ngăn cách bởi sông Hầm Hầm (Lãng Giang), hóa thành đơn độc, xa lạ (nay đã bị phá gần hết).
Thuở xa xưa, chắc núi Sỏi nối liền núi Nưa bởi một thung lũng rộng dài, mọc đầy sim, mua, lau, sậy, cỏ tranh… và chằng chịt khe, hón, hồ, mau… Mùa mưa, thung lũng hứng nước lũ Ngàn Nưa để tiêu dần ra sông Hoàng, con sông vốn là dòng cũ Lương Giang, sau chuyển dòng thành nhánh lớn của sông Mã; sông Hoàng nay chảy vòng vèo qua đoạn sông Yên đổ xuống cửa Lạch Ghép.
Núi Sỏi ở khoảng giữa sông Hoàng và sông Lãng, nhưng gần sông Hoàng hơn. Dựng làng trên đồi gò gần sông, nhìn ra sông là truyền thống cư trú của người Lạc Việt. Không chỉ có núi và sông, bên tay phải làng Chạ Kẻ Sỏi, là khu đồng Lai mênh mông như đồng “Tam thiên mẫu”, nhìn không thấy bờ, nối liền ba xã: Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính huyện Nông Cống ngày nay. Kề bên phía đông cánh đồng là dãy núi đá vôi Hoàng Sơn điệp trùng tác dụng như con đê cao ngất trời, ngăn nước sông Hoàng tràn lên trong mùa mưa lũ. Mùa mưa, nước trên núi đá vôi rào rạt đổ xuống đồng Lai “Tam thiên mẫu”, giúp nông dân thau chua rửa phèn để cây lúa năm/hai mùa tươi tốt. So với các điểm cư trú thời đại đồng thau ven sông Mã ít nơi nào thuận lợi hơn nhiều mặt cho nghề trồng lúa nước mở mang rộng lớn như cư dân núi Sỏi cổ đại.
Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên làng Chạ Kẻ Sỏi thời đại đồng thau, một cộng đồng dân cư trù phú hiếm thấy. Bấy giờ người Lạc Việt Kẻ Sỏi còn được thừa hưởng nguồn lợi trời cho là Ngàn Nưa vô số đồi núi đỉnh cao ngọn thấp giăng bày trước sau nối tiếp, chen chúc kéo dài dằng dặc án ngữ phương trời Tây, chỗ nào cũng chất đầy rau cỏ, củ quả, với những khe vực, hồ, mau... ngang dọc bàn cờ đông đặc tôm cá, và khắp nơi đàn đàn, lũ lũ chim bay, thú chạy...
Tuy nhiên, đối với cư dân lúa nước Lạc Việt, tài nguyên thiết yếu vẫn là đồng Lai “Tam thiên mẫu”, một khúc sông vỡ lớn đổi dòng do nạn đại hồng thủy thời tiền sử. Trước công nguyên vài ba thế kỷ, đồng còn nước sâu, người Kẻ Sỏi canh tác bằng cách dùng trâu quần thảo cho nát đất, thối cỏ rồi cây lúa. Nước tháo ra sông Hoàng mùa khô, nhiều khoảng đồng cạn dần, họ dùng cày lưỡi cánh bướm cho bò kéo hoặc lưỡi cày sắt tự mình chế tạo. Biện pháp canh tác này chỉ có thể thực hiện sau công nguyên khi người Lạc Việt khai thác hiệu quả mỏ sắt.
Theo truyền thuyết, nhà họ Triệu nhiều đời là hào trưởng miền núi Nưa (có thuyết nói Triệu Quốc Đạt anh ruột Triệu Thị Trinh làm huyện lệnh). Dĩ nhiên, gia đình họ Triệu phải giàu có nhất vùng, bao quát cả sông núi, đất đai, đồng ruộng miền núi Nưa. Họ Triệu không thể ngoại trừ cánh đồng Lai “Tam thiên mẫu” đủ nuôi sống hàng ngàn đinh tráng, hàng vạn nhân khẩu. Họ không thể khởi nghĩa khi chủ tướng không đủ lương thực cung cấp cho hàng ngàn quân lính trong thời gian dài. Đó là cơ sở vật chất quan trọng để Bà Triệu, cô gái 20 tuổi hô một tiếng ngàn vạn người theo, đúng như câu nói truyền tụng bao đời: “Na Sơn nhất phiến, nhất hô thiên hạ biến”.
(Theo Vanhoadoisong.vn)