Ngày nay, trầu cau không còn là nghi thức đầu tiên của người Phú Lễ trong văn hóa giao tiếp, song trầu cau vẫn là nghi thức không thể thiếu trong các dịp lễ quan trọng như hiếu hỷ, ngày giỗ, ngày tết và đặc biệt là trong nghi lễ cưới hỏi của người Việt. Cuộc sống hiện đại, phong tục cưới xin có sự thay đổi nhưng vẫn không thể thiếu cau trầu. Nó được ví như sự khỏi đầu cho tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt.
Hiện nay, cuộc sống hiện đại, phong tục cưới xin cũng có nhiều thay đổi nhưng cau trầu vẫn không thể thiếu.
Thông thường quả lễ gồm buồng cau và trầu đầy ắp, có thể từ vài chục đến vài trăm quả, nhưng phải là số chẵn, vì quan niệm có đôi có cặp. Cách tính số lượng cau trầu: 1 quả cau bằng 2 lá trầu. Quả lễ có thể là 100 cau, 80 cau. Ngoài ra, hiện nay mọi người đang chuộng buồng cau 105 quả theo cách nói “trăm năm hạnh phúc” hoặc chọn buồng cau 60 quả theo cách ví von “60 năm cuộc đời”.
Ăn trầu - mỹ tục của làng Phú Lễ.
Ở Phú Lễ, bất kỳ chỗ nào từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ đi làm đồng, quán nước hay tụ tập nói chuyện sân đình làng người ta cũng có đĩa trầu bình vôi. Người con xa quê đi làm ăn cũng chỉ nhớ miếng trầu đỏ thắm quê hương. Người Phú Lễ, ai cũng bảo: “Về Phú Lễ trầu cau lúc nào cũng sẵn”, mời nhau quả cau nho nhỏ nhưng mừng và quý nhau lắm. Nhìn bọn trẻ con trong làng quết một ít vôi lên lá trầu rồi cho miếng cau vào giữa cuốn lại rồi cho vào miệng ăn ngon lành. Ăn miếng trầu Phú Lễ, cay cay nồng nồng, say say nhưng ngọt mặn mà của lòng hiếu khách và truyền thống quý báu vẫn còn được lưu giữ qua bao đời ở nơi đây.
Kỳ lạ “cả làng ăn trầu”
Chính từ truyền thống ăn trầu này mà ở Phú Lễ hiện nay có rất nhiều cụ ông, cụ bà dù đã ngoại bát tuần nhưng vẫn chưa hề rụng một chiếc răng nào. Riêng số lượng đàn ông trung tuổi và một số thanh niên có “răng đen môi chỉ” cũng gần ngang ngửa với giới nữ trong làng. Đây là một sự hiếm hoi chỉ duy nhất Phú Lễ mới có.
Vào thời chiến tranh, vì cau hiếm nên đàn ông Phú Lễ thường phải đi lột vỏ chay, vỏ đa... về ăn thay cau. Thậm chí, một số người còn vào tận rừng sâu lột vỏ sen... (một loại cây sống trong rừng sâu, vỏ có vị ngọt và dẻo) về cho bà, cho mẹ và vợ ăn với trầu.
Ông Đặng Văn Võ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cần Kiệm, cho biết: “Bất cứ gia đình nào ở Phú Lễ có việc lớn nhỏ gì cũng không thiếu được đĩa trầu. Ngày trước, các đôi đến đăng ký kết hôn vẫn thường mang theo dăm quả cau dăm lá trầu. Cau trầu đã trở thành nét văn hóa ở đây. Thậm chí, mấy quán ăn đầu làng, người ta còn mời cau trầu như người thành phố mời hoa quả ăn tráng miệng. Chỉ khác, cau trầu tráng miệng ở Phú Lễ khách cứ dùng… miễn phí”.
Trầu cau không thể thiếu trong câu chuyện của người Phú Lễ.
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, ăn trầu vừa thơm miệng, đỏ môi, chắc răng, vừa say say rất khó tả. Có khách đến chơi, chủ - khách cùng nhau ăn trầu, uống nước trà xanh câu chuyện sẽ thêm thân tình. Cũng bởi vậy mà đám cưới, đám ma ở Phú Lễ không khói thuốc lá, nhưng phải có trầu cau. Thanh niên nhai trầu thay hút thuốc, cứ hết miếng này lại đến miếng khác.
Anh Nguyễn Văn Giang năm nay mới 22 tuổi, nhưng ăn trầu cau đã hơn 10 năm. Giang nói đùa: “Ở làng Phú Lễ này, trẻ con sinh ra đã ăn trầu quen như bú mẹ, không có thì nhớ, thì thèm không chịu được”. Thậm chí ở “làng ăn trầu” này, các cô gái còn “chấm điểm” các chàng trai bằng cách quan sát xem chàng nào ăn trầu đỏ thắm và ăn được nhiều trầu. Vì lẽ đó mà người Phú Lễ thường truyền nhau câu ca dao “Có trầu mà chẳng có cau/ Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”. Ở nhiều nơi, đám cưới chỉ tốn một cành cau, dăm thếp trầu, nhưng chỉ riêng Phú Lễ, lượng cau trầu dùng cho một đám lên tới cả nghìn. Anh Kiều Văn Chinh, người làng Phú Lễ nói đùa: “Con trai quê tôi vì ăn trầu mà khó lấy vợ. Ở làng này thanh niên hết lớp này đến lớp khác thà chịu “ế” vợ chứ không chịu bỏ trầu”.
Trẻ nhỏ ở làng Phú Lễ cũng không thể xa miếng trầu.
Về tục lệ ăn trầu cau đặc biệt này, ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng thôn Phú Lễ cho hay: “Nếu như ở nhiều vùng người ăn trầu thường têm cánh phượng, đựng trong cơi son, thếp vàng đẹp mắt và sang trọng thì người Phú Lễ lại có cách thưởng thức trầu rất bình dị: trầu têm kiểu cuộn tròn hình kén, hay đơn giản là quả cau bổ miếng và lá trầu vàng quyệt vôi để sẵn ở đĩa. Ai ăn bao nhiêu thì tự cuốn lại”.
Không chỉ ăn trầu bởi ngon miệng, trầu cau còn gắn bó và gửi gắm nhiều ý nghĩa của người dân trong làng. Cụ Nguyễn Thị Hạt chia sẻ: “Theo truyền thống xưa của làng, vào mỗi mùa khoa cử, những ai trong làng đỗ đạt cao sẽ được dân làng dâng cho miếng cau trầu têm thơm ngon nhất, chọn lọc kỹ nhất. Từ truyền thống đó, làng Phú Lễ luôn đi đầu trong truyền thống hiếu học. Cả làng hiện có 2 tiến sĩ, hơn 10 thạc sĩ trong tổng cộng 208 người có trình độ đại học trở lên”.
Ngoài ra, qua cách têm trầu, ăn trầu có thể đoán được tính nết cũng như nếp sống của con người. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa…
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, nhiều nơi tục ăn trầu đã phai mờ, nhưng trầu cau vẫn mang cốt cách tao nhã, vẫn là “đầu câu chuyện” trong những lễ nghi quan trọng của đời người như ăn hỏi, cưới xin, ma chay… Dù cuộc sống đương đại đã làm mất dần thói quen ăn trầu ở nhiều người dân Phú Lễ, song nét văn hóa trầu cau không dễ phai mờ trong truyền thống người dân xứ Đoài.
Ngày nay, mặc dù vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ truỵền thống nhưng tục ăn trầu và mời trầu đang dần mai một trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ký ức về một truyền thống đẹp vẫn còn đọng lại trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt.