Làng nghề tất bật đón mùa nước về

15/08/2018 10:40

Theo dõi trên

Theo dự báo, năm nay mực nước lên nhanh và có thể cao hơn những năm trước, đó là tín hiệu vui cho bà con ở các làng nghề “ăn theo” mùa nước.

Từ hơn 1 tháng trước, không khí làm việc ở các làng nghề như: ghe xuồng Mỹ Hiệp (Chợ Mới), giầm chèo Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên), lọp cua Mỹ Đức (Châu Phú), lọp lươn Cần Đăng (Châu Thành)… bắt đầu tất bật, gia tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lọp cua, lọp lươn hút hàng

Hơn 1 tháng nay, không khí tất bật, hối hả diễn ra hàng ngày ở làng nghề lọp lươn xã Cần Đăng,Châu Thành (An Giang), bà con ai nấy tranh thủ làm nhanh các công đoạn để kịp giao cho thương lái. Dù sản xuất quanh năm nhưng thời điểm những tháng mùa nước nổi luôn hút hàng, giá bán có phần nhỉnh hơn năm trước đôi chút, bà con tham gia sản xuất ở làng nghề ai nấy đều phấn khởi.

“Hổm nay, ngày nào 2 vợ, chồng cũng tranh thủ làm ban đêm mới kịp giao hàng cho thương lái. Những tháng mùa nước về vui lắm, nhà nào cũng làm, vừa làm, vừa thuê nhân công mỗi ngày có thể làm được từ 100-120 cái, trừ chi phí bỏ túi khoảng 1 triệu đồng. Được như vầy hoài là bà con làm nghề lọp lươn này sống khỏe”- chị Nguyễn Thị Diệu phấn khởi.
 

Vào mùa nước, làng nghề lọp cua Mỹ Đức (Châu Phú) luôn tất bật sản xuất mới đủ cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Theo kinh nghiệm của người dân làng nghề lọp cua xã Mỹ Đức (Châu Phú) khi lũ lớn thì mặt hàng này hút hàng, do đây là phương tiện mưu sinh của đa số người dân trong mùa nước. Mặc dù hoạt động quanh năm, nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là trong mùa nước nổi, chính vì vậy, những ngày này không khí ở làng nghề diễn ra vô cùng tất bật.

“Khoảng 1 tháng nay, mặt hàng lọp cua chạy lắm, thương lái đặt hàng liên tục, kéo giá tăng lên từ 5.000-7.000 đồng/cái. mấy người đi đặt lọp trúng mùa cua, có người bán cả triệu đồng 1 đêm, nhờ vậy mà lọp cua mình bán cũng chạy hơn”- bà Út Đảnh (cơ sở sản xuất lọp cua ở xã Mỹ Đức) vui vẻ cho biết.

Ghe xuồng, giầm chèo khởi sắc

Có lịch sử hình thành trên 100 năm, làng nghề đóng ghe xuồng Mỹ Hiệp (Chợ Mới) thường canh theo con nước lớn, nhỏ để gia giảm số lượng sản xuất cung ứng ra thị trường. Anh Trần Công Danh, đại diện làng nghề cho biết, không giống những năm trước, nước lũ về ít nên chỉ sản xuất cầm chừng, quy mô thu hẹp. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay nước về sớm và nhiều hơn nên chuyện làm ăn của bà con ở đây có nhiều khởi sắc.

“Năm nay, dự báo tình hình nước khả quan nên từ đầu tháng 2 (âm lịch) bà con đã bắt tay vào sản xuất. Từ đó đến nay, ngoài đơn đặt hàng giao cho thương lái bà con còn tranh thủ làm thêm để dự trữ, tránh tình trạng khan hàng khi thị trường có nhu cầu”- anh Danh cho hay.

Gia đình chị Trần Thị Bích (ấp Tây Thượng, xã Mỹ Hiệp) có gần 20 năm gắn bó với nghề đóng ghe, xuồng. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở của chị Bích đã xuất bán trên 100 chiếc xuồng cho thương lái ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) và các tỉnh lân cận. “Năm nay, mùa nước lên sớm, nhiều bà con ở đây ai nấy cũng phấn khởi vì vừa có thu nhập lại giữ được nghề truyền thống của địa phương. Nghề này chủ yếu là cha truyền con nối, năm nào cũng như vậy giúp bà con có thêm thu nhập, giải quyết được lực lượng lao động tại địa phương”- chị Bích giải thích.


 
Nước lên sớm là tín hiệu vui đối với bà con làng nghề đóng ghe xuồng Mỹ Hiệp (Chợ Mới).

So với nhiều làng nghề có truyền thống lâu đời trong tỉnh, nghề làm giầm chèo Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) khá “non trẻ”. Dù vậy, nhờ sản phẩm làm ra bóng láng, vừa tay, chất lượng tốt nên người dân khắp nơi ưa chuộng tìm đến mua.

Anh Lê Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất giầm chèo phường Mỹ Thạnh cho biết, ở đây bà con sản xuất quanh năm nhưng cao điểm vào mùa nước nổi, lượng sản phẩm tăng lên gần gấp đôi. Từ khoảng giữa tháng 3 đến nay, các hộ đều tăng năng suất mới đủ đáp ứng nhu cầu. mỗi ngày trung bình mỗi hộ làm ra khoảng 50 cây giầm chèo đủ kích cỡ, kiểu dáng. Giầm chèo được coi là sản phẩm đặc trưng miền sông nước này rất được ưa chuộng trên thị trường ĐBSCL cũng như nước bạn Campuchia…


Ánh Nguyên
Theo Báo An Giang

Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề tất bật đón mùa nước về" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.