Làng nghề đúc đồng Tống Xá

09/09/2016 14:42

Theo dõi trên

Làng nghề đúc đồng Tống Xá thuộc xã Yên Xá, Vạn Điểm, Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Vào cuối thế kỷ XII ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không đã truyền nghề cho nhân dân địa phương, trải qua 900 năm làng nghề ngày càng phát triển.

Nhìn về lịch sử, đã từ xa xưa, nghề đúc cổ truyền của Tống Xá ban đầu là thường tập trung vào đúc các mặt hàng cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và các ngành thủ công nghiệp rồi tiến tới sản xuất các đồ dùng cho sinh hoạt hàng ngày, các sản phẩm phục vụ cho lễ nghi tôn giáo. Các sản phẩm lớn thì có chuông đồng, tượng đồng, khánh đồng rồi đến đỉnh, bát hương, hạc đồng, cây đèn bằng đồng. Mặt hàng dùng trong sinh hoạt hàng ngày thì có mâm, chậu nồi các loại. Có thể nói, làng Tống Xá từ nhiều năm nay chủ yếu tập trung vào việc đúc các đồ gia dụng.

Tạo mẫu sản phẩm

Căn cứ từ bản vẽ hoặc một vật thể nhất định theo đơn đặt hàng, người thợ thực hiện bước đầu tiên là tạo mẫu sản phẩm. Trước đây, mẫu sản phẩm thường được tạo ra bằng đất sét, kích cỡ vừa phải, chừng hai đến ba gang tay. Gần đây, mẫu được tạo ra bằng sáp nến, có tỷ lệ chuẩn theo kích cỡ của vật phẩm đặt cược hoặc do nghệ nhân tự sáng tạo ra. Công việc này đòi hỏi nghệ nhân vừa có trình độ của một nhà điêu khắc thực thụ, vừa đảm bảo độ chuẩn xác theo đơn đặt hàng.




Tạo mẫu sản phẩm

Tài năng nghệ nhân thể hiện ở chỗ, phần lớn họ đều không qua một trường lớp hội họa hay điêu khắc nào, trình độ văn hóa thường chỉ ở mức độ trung học hay tiểu học. Thế nhưng, nhìn mẫu sản phẩm do những bàn tay tài hoa đó sáng tạo nên, chúng ta mới thấy ngạc nhiên trước sự điêu luyện và chuẩn xác của nó.

Làm khuôn đúc vật phẩm

Từ mẫu vật phẩm đã hoàn thiện do nghệ nhân sáng tác ra hoặc do đơn đặt hàng và đã được duyệt, nghệ nhân đúc căn cứ trên vật mẫu đó phóng to theo kích cỡ yêu cầu để làm khuôn đúc theo sản phẩm như dự tính.Trong một quy trình đúc, khâu quan trọng nhất là làm khuôn. Khuôn đúc làm bằng đất sét và loại đất sét tốt nhất bao giờ cũng là loại ít tạp chất, phải mịn và nhẹ. loại đất sét này chỉ có ở một vài khu đất của làng. Khuôn bao giờ cũng được làm thành hai mảnh. Khi mang ra để rót đồng vào mới được bó ghép lại. Quấn vòng phía ngoài khuôn là lưới thép, được hàn chắc chắn, phòng khi đổ đồng nóng chảy vào dễ bị vỡ khuôn. Khâu làm khuôn là thời điểm cực kỳ quan trọng, vừa đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, giữ độ sắc nét cho các họa tiết của vật phẩm, vừa tạo ra độ mịn cho bề mặt vật phẩm. Vì thế, ở khâu này, luôn chứa bí quyết nhà nghề trong quá trình pha chế tạp chất vào đất làm khuôn. Khuôn đúc các vật phẩm càng nhỏ càng đòi hỏi độ tinh xảo của bàn tay nghệ nhân.

Nghệ thuật “đúc đồng”

Nồi đúc trước đây cả nồi trên lẫn nồi dưới đều làm bằng gang bồi bằng đất sét. Đây chỉ là những nồi nhỏ phục vụ trong các gia đình với dung tích mỗi nồi trên dưới một tạ. Còn hiện nay nồi đúc được xây bằng gạch chịu lửa, vỏ ngoài bằng thép. Loại nồi này có dung tích từ vài tạ đến hàng tấn.

Quạt gió ban đầu làm bằng ống gỗ tròn có đường kính ngoài 30 cm trong đục rỗng có đường kính 25 cm, pít tông tạo gió ở trong ống gỗ làm bằng lông gà và cán bè là cây lựu, loại cây cứng nhưng rất rẻo, không hay bị gẫy. Loại ống bễ này khi cần thổi lửa, mỗi người kéo hai ống, khi tay phải kéo lên thì tay trái ấn xuống và ngược lại khi tay phải ấn xuống đẩy gió vào lò thì tay trái lại kéo lên. Để đúc vật phẩm có khối lượng lớn, người thợ phải dùng động cơ máy nổ để ổn định và an toàn tuyệt đốim tránh dùng điện dễ có nguy cơ mất điện đột ngột, ảnh hưởng đến sự liền mạch của hơi gió thổi vào lò nhiệt.




Những người thợ khéo tay bên lò than rực cháy.

Sau khi làm khuôn đúc theo mẫu vật phẩm xong, mọi người tiến hành xây lò nấu đồng. Lò to hay nhỏ tùy thuộc vào dung lượng vật đúc, từ đó căn ra số lượng nguyên liệu cần tập kết để nung chảy. Khi đã bỏ nguyên liệu vào nồi nấu, thường kèm theo một lượng than cốc nhất định và loại gỗ/củi cháy dượm để tăng nhiệt, đạt đến độ nóng chảy của nguyên liệu ( khoảng 1600 độ C). Đồng đã nóng chảy được rót vào nồi đựng lớn, có quét bên trong một lớp tro bếp hòa nước để tránh nước đồng bám vào, tạo điều kiện khi rót đồng vào khuôn phải chảy hết. Khi xưa, do chỉ đúc các vật phẩm loại nhỏ nên việc rót đồng vào nồi đựng để chuyển đến rót vào khuôn đều do thợ vận chuyển thủ công.

Công việc lựa chọn nguyên liệu và liều lượng giữa các loại hợp chất cho vào nồi nấu là rất quan trọng. Tuỳ theo tính chất của vật đúc, có loại thì pha gang với thép, có loại thì đồng pha với nhôm...

Dỡ khuôn và hoàn thiện sản phẩm

Thường thì sau khoảng một tuần đến mười ngày, khi nồi đúc đã nguội, người ta mới tiến hành dỡ khuôn. Trước khi dỡ khuôn bao giờ cũng tổ chức làm lễ cúng Đức Thánh. Đây là giây phút hồi hộp chen chút lo lắng của đội đúc. Tuy nhiên, với tài nghệ của những thợ đúc lành nghề, tác giả của công trình nằm trong khuôn kia luôn luôn có sự tự tin vào thành quả của mình.




Những vật phẩm được chế tác từ đồng của người dân Tống Xá.

Khuôn dỡ xong, công việc hoàn thiện sản phẩm được dành cho những người thợ trẻ tuổi. đó chủ yếu là đánh bóng sản phẩm hoặc nạm bạc hay vàng cho những hoa văn hay hình trang trí. Kết thúc một công trình đúc sản phẩm lớn, đội đúc và dòng họ thường tổ chức liên hoàn, chia vui mừng thắng lợi. Đối với những công trình lớn như tượng đài hay cụm tượng đài, công sức dành cho phần lắp ghép cũng không kém phần quan trọng. Đó là lựa chọn phương tiện chuyên chở, huy động nhân lực lắp ghép vào vị trí xong mới được coi là hoàn thiện công trình.

Là một vùng đất cổ xưa, lại có truyền thống cần cù làm ăn và luôn có chí vươn lên, người dân Tống Xá đã có một bề dày lịch sử trên, dưới chục thế kỷ trau dồi và bảo lưu xuất sắc nghề đúc đồng truyền thống của mình.

(Theo Làng Việt Online)

TỐ OANH
Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề đúc đồng Tống Xá" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.