Làng nghề cối xay tre và những “mật mã” để giữ “bí kíp” nghề

18/09/2014 01:20

Theo dõi trên

Do nhu cầu làm nghề, những gánh thợ làm nghề cối xay tre ở làng Đa Chất không muốn lộ “bí kíp” làm nghề cũng như những nhận xét của mình đối với gia chủ nên đã có ngôn ngữ “có một không hai”. Và nghề làm cối xay tre và biệt ngữ “mật mã” được coi là “báu vật” của làng Đa Chất.


Chẳng biết ai là Tổ nghề đóng cối xay

Làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội) là một làng Việt cổ ở vùng chiêm trũng có nhiều nét đặc sắc về cảnh quan, về phong tục tập quán, văn hóa dân gian cộng đồng. Từ những năm 1990 trở về trước, Đa Chất là một làng nghề đóng cối xay thóc truyền thống.“Đa Chất có cây bồ đề/ Có sông tắm mát, có nghề cối xay”.Gọi là một làng nghề nhưng sản phẩm của làng nghề không phải là những chiếc cối xay thóc đem ra bày bán ở các chợ vùng quê mà lại là những tốp thợ đóng cối xay với đầy đủ công cụ đi đóng cối xay ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Bắc bộ.
 
Khi được hỏi về nghề đóng cối xay có từ bao giờ? Các cụ cao tuổi, những người thợ đóng cối lành nghề đều lắc đầu: Nghề đóng cối xay ở Đa Chất có từ lâu đời, không rõ ai là vị tổ nghề. Làng truyền nghề bằng cách đời trước dạy cho đời sau, trên cơ sở kèm cặp từ thực tế đi ghép cối. Ban đầu, ghép cối để xay lúa của gia đình mình, cho anh em, họ hàng, cho bà con xóm làng. Sau đó, các mối quan hệ, bà con lân cận xóm làng thuộc tổng Đường Xuyên mời thợ Đa Chất đến ghép cối giúp.
 
Theo “già làng” Nguyễn Dấn thì, đã từ lâu đời, những người thợ cối ở Đa Chất chỉ là nam giới. Ngoài làm nghề nông, thời gian rỗi, khoảng 90% nam giới trong làng lại đi đóng cối xay ở thiên hạ để kiếm thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Mùa vụ tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín là lúc từng gánh thợ đóng cối xay của làng Đa Chất đi làm ăn. Mỗi một gánh thợ chỉ có hai người, thợ cả và thợ phụ.Cả làng Đa Chất hằng năm có vài chục gánh thợ tỏa đi khắp các vùng để đóng cối xay lúa cho thiên hạ. Địa bàn hoạt động của các gánh thợ thường là các vùng Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái.
 
Một chuyến đi làm xa của gánh thợ cối được chuẩn bị trong một tuần.Thợ cả kiểm tra lại bộ đồ hành nghề. 1 đôi bồ nan dựng 3 chiếc đục, 2 con dao chẻ lạt pha tre, một chiếc cưa để cắt, một que tre dùng để vừa đo cối vừa dọa chó nhà lạ. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài 1 tuần, 1 tháng hay nhiều tháng.
 
Trong thời buổi chưa có máy xay xát công nghiệp, thì những chiếc cối xay tre chính là công cụ thủ công vào loại hạng nhất.Chiếc cối xay tre có cấu tạo hình trụ tròn, đuợc tạo từ chất liệu tre, gỗ và đất.  Nhờ có thớt cối dưới cố định, thớt cối trên di chuyển, giữa 2 thớt cối không phải là bi mà là những loại dăm tre chà những hạt thóc tách thành vỏ trấu và hạt gạo. Một công trình tưởng như đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Chính cái giằng cối đã chuyển sức lao động thẳng của con người chạy tới chạy lui vòng quay quanh thớt cối trên giúp cho thóc từ lòng cối trút xuống chịu chà xát giữa 2 thớt răng cưa rồi dồn ra xung quanh chảy vào máng cối mà rơi xuống nong nia.
 
Việc các ông thợ cối làm ra được một thứ máy móc toàn bằng đất và tre, chỉ có 1 thanh gỗ làm ngõng cối, là rất đáng tự hào. Không tự hào sao được khi chỉ với 2 người thợ, chỉ trong 48 tiếng đồng hồ, họ có thể vừa chặt tre pha tre, vừa đóng xong chiếc cối xay nặng ngót nghét 1 tạ khi đã đắp đất hoàn tất. Vì vậy, sứ mệnh người thợ đóng cối trong chế biến lương thực thời xưa là trọng đại. Họ sẵn sàng ra đi chỉ với một nhóm nhỏ 2-3 người, trong túi không một đồng xu dính túi mà vẫn đến được những vùng rừng xa lạ, tin rằng họ sẽ được gia chủ tiếp đón nhiệt tình, có khi đãi cơm rượu và đãi tiền công. Họ ra đi hành nghề như thế có khi 3,4 tháng ròng, một năm họ chỉ về làng 2 lần vào dịp Tết xuân âm lịch và tháng Tám dịp hội làng có trò bơi chải.
 
Mỗi cối xay lúa được coi là đạt yêu cầu kỹ thuật phải là: gạo xay ra không gãy; cối khi xay phải phát ra âm thanh, trong quá trình xay, đầu giằng không bị bật ra ngoài; que quét hoạt động bình thường, không bắn gạo trấu ra ngoài. Tất nhiên, để làm được điều đó, người thợ Đa Chất phải có “bí kíp” riêng.
 
Dùng cối xay tre, hạt thóc không bị gãy vụn nhiều, vỏ gạo bị bào món ít, cơm nấu ngon dẻo hơn.Ngày nay, dù có “vòng xoáy” các máy xay xát hiện đại nhưng trong làng vẫn còn một số gia đình làng Đa Chất vẫn giữ nghề.Bởi họ muốn dùng gạo xay bằng cối xay, cối giã truyền thống để nấu cơm và cơm đó gọi là “đặc sản”.

Dùng “mật mã” để giữ “bí kíp” làng nghề
 
Làng Đa Chất chẳng những có nghề đóng cối xay thóc truyền thống mà lại là làng sáng tạo ra cả một hệ thống tiếng lóng làng nghề tạo thành một loại biệt ngữ. Lạ ở chỗ, cả xã Đại Xuyên có 6 làng, nhưng chỉ Đa Chất là có ngôn ngữ riêng. Khi tới làng Đa Chất, ai nấy đều thắc mắc: “Tại sao họ đều mang dòng máu của người Kinh, nhưng lại không nói tiếng mẹ đẻ. Nó không giống bất cứ thứ tiếng nào trên lãnh thổ Việt Nam?”. Cũng theo “già làng” Nguyễn Dấn thì, do nhu cầu làm nghề, những gánh thợ không muốn cho nhà chủ “bí kíp” làm nghề cũng như những nhận xét của mình đối với gia chủ nên đã có biệt ngữ. Lâu dần thành thói quen và người thợ cũng không biết ai là người tự nghĩ và đặt ra đầu tiên. Điều thú vị là, ngôn ngữ này có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt, âm thông dụng và âm ít dùng của riêng phường cối Đa Chất. Nghe họ nói chẳng khác gì những người “ngoài hành tinh” nói chuyện với nhau. Ví như: Lõng là làng, thợ cối  (lõng vụ), làm cối là xấn vụ, làm nhà (xấn bện), nhà tre (bện ớt), đi đóng cối (sởn vụ), trời (xì thiên), đất (khích), giường nằm (tiêu), bàn ghế (tiêu thít mân), tiền (dùm)… Giữ được “bí kíp” nghề qua “mật mã” riêng, những người thợ cối tha hồ làm không hết việc.
 
Đàn ông trong làng trước kia đi đóng cối khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng đến đâu, nghe thấy ai nói thứ tiếng này là nhận ra nhau ngay. Ngôn ngữ làng Đa Chất được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối, nghĩa là những người cùng huyết thống tự dạy cho nhau. Tuyệt đối không được dạy cho con dâu, con rể. Ai “cả gan” truyền người ngoài sẽ bị trưởng tộc quở cho “lên bờ, xuống ruộng”. Vì “luật” khá khắt khe nên tuy cận kề với các thôn khác như Cổ Trai, Thường Xuyên, Thái Lai, Kiều Đông, Kiều Đoài nhưng ở các làng này người dân đều không biết và không nói được thứ ngôn ngữ của người Đa Chất.
 
Đối với người dân Đa Chất, “mật mã” này rất hữu ích trong cuộc sống hằng ngày.Nhiều khi có bức xúc với gia chủ vì những việc không thuận lợi, cánh thợ Đa Chất cứ thoải mái nói với nhau mà không sợ bị chủ phàn nàn, ghét bỏ.Đó cũng là một cách để bỏ bớt áp lực công việc.
 
Có câu chuyện, trước đây, có một người ở quê Nam Định mời 2 người thợ giỏi nhất Đa Chất đến làm cối xay tre. Thực chất, ông này có ý định học “mót” của 2 người thợ giỏi để mình có thể đem nghề này để dạy cho người trong làng. Ông thuê họ làm hết cối này sang cối khác. Từ tháng nọ sang tháng kia mà ông không thể học được “bí kíp” nào cả. “Xấn lăn cho choáng” (Làm nhanh cho đẹp), “Xấn rỉa cho choáng” (chẻ dăm nhỏ ra cho đều mới đẹp).Khi nghe lỏm hai người thợ này nói chuyện cũng như cách làm cối, ông không thể hiểu họ nói gì.Ông đành “bó tay” với ý định làm “Tổ nghề” của làng mình.
 
 Lại có chuyện, một lần, hai người dân Đa Chất đi trên một chuyến xe khách. Người ngồi đầu xe, người ngồi cuối xe. Chợt người ngồi cuối xe nhìn thấy có kẻ móc túi bạn mình liền nói “mật mã”: “ Sảo thớt hách” nghĩa là “Có kẻ đang móc túi”. Dĩ nhiên, những người trên xe chẳng ai hiểu gì. Ngay cả kẻ móc túi tưởng ông này nói nhảm nên không thèm để ý, tiếp tục có hành động móc túi. Ông bạn bắt được “tín hiệu” liền lừa lúc kẻ gian đang hành nghề liền túm tay bắt quả tang.
 
Đó chỉ là một trong muôn vàn sự hữu ích của ngôn ngữ “ngoài hành tinh” . Và nghề làm cối xay tre và ngôn ngữ riêng biệt được coi là là “báu vật” của làng Đa Chất.

Theo Báo Du Lịch

Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề cối xay tre và những “mật mã” để giữ “bí kíp” nghề" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.