Làng cổ Hà Nội - hơi thở cổ kính của hồn quê Việt Nam

16/10/2024 20:15

Theo dõi trên

Làng Việt, làng Hà Nội là cái nôi đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt Nam. Nhắc đến làng cổ Hà Nội, chúng ta nhắc đến cội nguồn hình thành nên nền văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng và giàu bản sắc - một di tích văn hóa truyền thống chứng nhân cho lịch sử.

a1-25346346-1729084276.jpg
Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Internet

Những nét đặc trưng của làng cổ Hà Nội    

Đặc trưng chung của làng Việt cũng như làng cổ Hà Nội chính là từ nội dung tổng thể (các thành tố cấu thành) văn hóa làng. Ban đầu làng có thể do một dòng họ thành lập (như làng Phùng Xá, Chử Xá,..) sau mới có người họ khác đến ngụ cư rồi thành dân làng. Người trong làng nói chung có phong tục tập quán như nhau về nhà ở, thờ cúng gia tiên, nhà thờ họ, có đình, chùa, đền, miếu, quán hoặc các nhà thờ đạo khác. Làng có chung một Thành hoàng làng; có cây đa, giếng nước, sân đình, có lũy tre bao bọc và cổng làng,.. Hàng năm có hội làng và các ngày lễ tiết ở đình, đền, chùa làng. 

Làng xưa có Khoán ước, Hương ước quy định nhiệm vụ của người dân, về các phong tục cưới xin, ma chay, lên lão, nhập cư, phân phối điền thổ công, tuần phu canh gác bảo vệ làng xóm, hội hè đình đám, giao hiếu kết nghĩa với các làng, xã khác…

Mỗi làng có một nghề chung là nghề nông, sau có thêm nghề phụ thủ công làm những lúc nông nhàn và để phục vụ nhu cầu về dụng cụ thiết yếu như: nghề mộc, nghề làm gạch ngói, nghề đan lát, dệt lụa,...

a2-3634647-1729084343.jpg
Hình ảnh hương ước làng cổ xưa. Nguồn: S.T

Như tất cả những di tích sống khác, làng cổ Hà Nội cũng có những nét văn hóa riêng. Văn hóa làng có tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội cổ truyền Việt Nam, trong đó có rất nhiều tác động ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các truyền thống dân tộc. 

Văn hóa làng là sự kết tinh tổng hòa các yếu tố vật chất và tinh thần. Đó là lũy tre làng, cây đa, giếng nước, đình, chùa,.. đó cũng là những mối quan hệ gia đình và làng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, tín ngưỡng thờ cúng ngũ linh,... Những yếu tố này hòa quyện vào nhau, tích hợp thành bản sắc văn hóa làng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Giá trị văn hóa của làng cổ Hà Nội 

Giá trị văn hóa vật thể 

Nhiều làng còn cấu trúc cơ bản đã hình thành hàng trăm năm với đầy đủ các thành tố của làng truyền thống như cổng làng, lũy tre, nhà truyền thống, đường làng phân nhánh ngõ xóm…cùng với các công trình kiến trúc đình, chùa, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, có giá trị cao về kiến trúc, nghệ thuật và nhiều công trình khác tuy nhỏ nhưng cũng chứa đựng các dấu ấn lịch sử xây dựng làng rõ nét. 

Những làng còn nhà cổ - kiểu nhà gỗ truyền thống, nhà mang phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa mang giá trị của di tích lịch sử quý giá, tạo được dấu ấn đặc biệt và được ghi danh vào di sản văn hóa vật thể của quốc gia

Bên ngoài làng là đồng ruộng, ao sen, bờ đê, con sông… nhiều cảnh quan có thể khôi phục để tạo dựng lại bản sắc của đồng ruộng, nhiều nơi còn cánh cò bay, còn tôm cá trên đồng, thể hiện lối sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước rất coi trọng sinh thái, nương tựa vào tự nhiên của người Việt. 

Giá trị văn hóa phi vật thể 

Văn hóa nghề thủ công, nghề nông truyền thống: Các nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông mang lại những giá trị văn hóa như thể hiện kinh nghiệm sản xuất, tính sáng tạo, khéo léo của tay nghề người thợ…vừa mang lại giá trị kinh tế những cũng là giá trị văn hóa của nghề. 

Giá trị văn hóa phi vật thể khác: Làng xã truyền thống có các lễ hội, các phong tục, tập quán tiêu biểu của vùng ĐBSH và của riêng làng. Có ẩm thực, sản vật đặc thù; có nghệ thuật biểu diễn như múa rối nước, hát chèo, quan họ; có ca dao tục ngữ, sắc phong, văn bản, hương ước, trò chơi dân gian; có các danh nhân, các nhân vật nổi tiếng, khoa bảng còn được kể, lưu giữ qua các hiện vật liên quan, trong nhà thờ, nhà lưu niệm; có truyền thuyết, tâm linh, phong thủy… về sự phát triển của làng mà không kiến trúc hiện đại nào có thể thay thế. 

a3-34654747-1729084390.jpg
Nhà cổ tại làng Đường Lâm. Nguồn: S.T

Thực trạng làng cổ Hà Nội 

Đất nước ta đang trên đường đổi mới, phát triển. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế là tất yếu để đưa đất nước tiến lên giàu mạnh, văn minh. Nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài tiến trình vận hành của đất nước, do đó việc có sự thay đổi so với trước đây là điều tất yếu. 

Cảnh quan kiến trúc làng có sự thay đổi rõ rệt: Đa số các cổng làng cũ phải phá đi và xây mới, hình ảnh lũy tre xanh bao quanh làng giờ chỉ lác đác ở vài địa phương - thay vào đó là tường bao, tường nhà xây gạch, xây đá ong; những ngôi nhà ba gian mái ngói cũng đã phá đi để xây nhà bê tông theo quy hoạch,.. Những ao, hồ, mương máng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người nông dân xưa hiện cũng bị san lấp, thu hẹp đáng kể do sức ép của sự gia tăng dân số cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các công trình như trường học, nhà văn hóa, sân chơi, thư viện, chợ… được xây dựng, mở mang cùng hệ thống đường giao thông quy hoạch rộng rãi khiến cho làng quê mang dáng dấp của các đô thị. Nhìn chung, không gian cảnh quan ở các làng quê hiện đại đã không còn khép kín mà ngày càng trở nên mở, linh hoạt hơn…

a4-457547568-1729084447.jpg
Dệt lụa từ tơ sen theo phương pháp thủ công ở làng lụa Phùng Xá. Nguồn: S.T

Ngoài ra, sự thay đổi của làng cổ Hà Nội còn phải nhắc đến các làng nghề truyền thống. Thay vì chỉ sản xuất tự cung tự cấp như trước đây, không ít làng nghề đã phát triển và xuất khẩu hàng hóa đến các nước trên thế giới. Điển hình là: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, nghề nón làng Chuông; làng nghề dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ,.. Tuy nhiên, cũng có nhiều làng nghề không cạnh tranh được với thị trường hàng ngoại nhập (đặc biệt là đồ Trung Quốc) nên sản xuất ngưng trệ và tiêu biến dần. 

Quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã cũng có nhiều sự thay đổi: sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, thành viên trong gia đình nông thôn hiện nay đang có chiều hướng suy giảm. Bên cạnh sự gắn kết gia đình, mối quan hệ họ hàng, làng xã - mạng lưới liên kết đặc trưng cho lối sống cộng đồng, cũng đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể do tác động và ảnh hưởng của những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội. 

Di tích, tín ngưỡng, lễ hội và các phong tục tập quán cũng có nhiều sự thay đổi: Đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc, người dân ở các làng quê có điều kiện quan tâm hơn đến việc bảo tồn, giữ gìn các di tích cũng như phục dựng các lễ tiết, lễ hội của làng. Các di tích được đầu tư nhiều tiền của, công sức tu bổ, làm mới, được đưa trở lại với ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội cổ truyền được tiếp nối, duy trì, ngày càng trở nên đặc sắc hơn với nguồn kinh phí tổ chức và nhân lực tham gia không ngừng được tăng cường, xã hội hóa. Bên cạnh các nghi lễ, trò vui truyền thống, lễ hội làng cũng được bổ sung nhiều hoạt động mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, các trò chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ đặc sắc.

Ngoài ra, các hoạt động tiếp cận thông tin và giải trí cũng có nhiều sự tiến bộ rõ rệt: Bên cạnh các hoạt động văn hóa quần chúng, hệ thống đài truyền thanh cũng được phủ sóng đến từng thôn xóm, hệ thống thư viện, phòng đọc đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức đa dạng của người dân, hệ thống tiếp cận thông tin trong các gia đình cũng ngày càng được mở rộng, hiện đại hóa với những phương tiện nghe nhìn hiện đại: tivi, radio, điện thoại, máy vi tính có kết nối internet... Hơn nữa, những hình thức giải trí, sử dụng thời gian nhàn rỗi vốn thường thấy ở các cư dân đô thị như mua sắm, tham quan, du lịch… cũng xuất hiện và ngày càng phổ biến trong đời sống của cộng đồng dân cư ở các làng quê.

a5-3467547478-1729084496.jpg
Nghệ nhân ở làng nghề truyền thống. Nguồn: S.T

Biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Hà Nội

Bảo tồn làng cổ phải từ quan niệm làng cổ là một di sản sống. Ðiều này không chỉ xác định rõ mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mà còn giúp lựa chọn lối ứng xử thích hợp. Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội do Viện Bảo tồn di tích tổ chức mới đây, một số ý kiến đã chú trọng vấn đề bảo tồn phải gắn liền với phát triển; giữ gìn cái cũ giá trị không được ngăn cản cái mới văn minh, tích cực; bảo tồn phải tôn trọng và gắn với lợi ích cộng đồng chủ thể của làng cổ. Trên cơ sở đó, một số biện pháp bảo tồn làng cổ đã được đề ra như sau: 

Nhà nước cần phải có chủ trương, quy hoạch và chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ, nhất là làng cổ điển hình. Làng cổ là di sản văn hóa, là biểu hiện rõ nét của bản sắc văn hóa Việt Nam, cho nên bảo tồn gìn giữ làng cổ là vấn đề cấp thiết. 

Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp và nhân dân trong bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ ở Hà Nội. Đó là Trưởng thôn và Ban Quản lý di tích ở thôn; chính quyền xã, huyện và các cấp Thành phố. Cụ thể là cần phải xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo làng cổ, bảo tồn và phát huy các di sản vật thể và phi vật sản của làng quê, cũng như các làng nghề truyền thống còn sót lại. 

Triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học về các làng quê truyền thống đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có các đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài nghiên cứu về bảo tàng hóa các làng cổ. Những đề tài này giúp nhận thức rõ hơn về các giá trị di sản văn hóa trong làng cổ và khả năng bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đó. 

Thúc đẩy hoạt động quảng bá, tuyên truyền về các làng cổ; đồng thời Nhà nước cũng có cần có kế hoạch dự phòng trước những thảm họa thiên nhiên,.. để tránh làm mất đi những công trình làng tự nhiên lâu đời. 

Có thể thấy rằng, làng cổ Hà Nội từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong việc “định dạng danh tính” cho nền nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam. Những giá trị lịch sử, những nét đẹp văn hóa của làng cổ chính là động lực thúc đẩy chúng ta phải gìn giữ và bảo tồn nó.

Ngọc Lan - Minh Khuê
Bạn đang đọc bài viết "Làng cổ Hà Nội - hơi thở cổ kính của hồn quê Việt Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.