Lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong giao lưu, hội nhập quốc tế

25/12/2021 07:28

Theo dõi trên

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất với các giải pháp toàn diện, đồng bộ để lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế.

Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, góp phần hoà giải các xung đột, mâu thuẫn, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác phát triển.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng trong bài phát biểu chỉ đạo đã đánh giá, công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là "vô văn hóa", "phản văn hóa"). Thực tế này cũng là trăn trở nhiều năm của những người làm văn hóa.

dsc-1531-0-1640392074.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Văn hóa đang thiên về du nhập hơn hội nhập?

Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, xu thế hội nhập và mở cửa diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong thập kỷ qua đã tạo ra những tiền đề, những cơ hội để các quốc gia có những nền văn hóa khác nhau, ở những khu vực khác nhau của thế giới thực hiện được các cuộc giao lưu, mang nền văn hóa đặc sắc của dân tộc này đến với các dân tộc khác. Và ngược lại, cũng chính trong quá trình giao lưu đó, văn hóa mỗi nước có dịp được trao đổi, chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các nước khác để làm phong phú, đa dạng thêm cho nền văn hóa nước mình.

Quá trình đó sẽ dẫn các quốc gia đến chỗ gặp gỡ nhau ở những giá trị nhân bản, chân chính với tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại.

Tuy nhiên, PGS.TS Phan Trọng Thưởng cũng nhận định rằng, quá trình hội nhập còn làm nảy sinh những nghịch lý không chỉ tạo ra thuận lợi cho sự phát triển văn hóa mỗi nước, mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ lớn. Một trong số những nguy cơ đó chính là sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn có cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố làm nên căn cước văn hóa của mỗi dân tộc. Do nhận thức rõ tính tất yếu và tính hai mặt của quá trình hội nhập nên Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Chúng ta đã tiến những bước dài trên con đường hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Nhìn lại các lĩnh vực văn hóa như: âm nhạc, điện ảnh, thời trang, phát thanh - truyền hình, sách báo, các ấn phẩm văn hóa và những phương tiện kỹ thuật làm nền tảng cho nó, có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta đã đạt đến một mặt bằng văn hóa khá khả quan so với thế giới. Song, cũng chính ở những lĩnh vực này, chúng ta bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu thiên về du nhập hơn là hội nhập. Xung quanh các hiện tượng này còn có rất nhiều vấn đề đặt ra cho những người quản lý văn hóa”, PGS.TS Phan Trọng Thưởng đánh giá.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng lấy ví dụ, trên lĩnh vực âm nhạc, sự thịnh hành của các loại hình âm nhạc giải trí đang làm cho cả một thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ lên ngôi; kèm theo đó là cả một thế hệ thính giả chìm đắm trong những giai điệu, những lời ca thiếu sức truyền cảm, sao lãng những ca khúc truyền thống mạnh mẽ và hào hùng, trữ tình và lãng mạn từng tạo nên nhiệt huyết công dân, tạo nên tình yêu cao cả đối với Tổ quốc, quê hương.

“Thực ra, việc thuộc tên một ngôi sao nhạc nhẹ nước ngoài, thuộc những bài hát hay của thế giới đang thịnh hành thì không những không có hại mà còn có lợi ở chỗ được mở mang tầm nhìn, tầm hiểu biết, được chia sẻ với bạn bè quốc tế những xúc cảm mạnh mẽ, những niềm vui, nỗi buồn thánh thiện do âm nhạc đem lại. Có thể xem đó là kiến thức, là cái “phông” văn hóa cần thiết của mỗi người, nhất là đối với các bạn trẻ. Nhưng nếu chỉ chạy theo nhạc nước ngoài như “mốt” thời thượng, không cần hoặc không biết đến những giá trị âm nhạc trong sáng của dân tộc, thậm chí coi thường nó thì lại hoàn toàn không đúng. Có thể xem đó là sự “què quặt” của thị hiếu âm nhạc”, PGS.TS Phan Trọng Thưởng chia sẻ.

Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, ở nghệ thuật sân khấu còn nguy hại hơn khi phần lớn thế hệ thanh thiếu niên hiện nay quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, coi đó là cổ hủ, lỗi thời. Càng nguy hại hơn khi một số đoàn nghệ thuật, một số nghệ sĩ được một số phương tiện thông tin đại chúng vô tình hay hữu ý tiếp sức, nhân danh đổi mới để cải biến nghệ thuật dân tộc thành một thứ nghệ thuật lai căng, chiều nịnh những thị hiếu thấp kém, làm mai một truyền thống nghệ thuật, truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông.

“Nếu thị hiếu âm nhạc không được giáo dục; truyền thống nghệ thuật dân tộc không được bảo lưu và phát huy thì hậu quả đương nhiên sẽ là một sự nghèo nàn về tinh thần, mất gốc về văn hóa, còn nói gì đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc nữa”, PGS.TS Phan Trọng Thưởng băn khoăn.

vov-0426-chna-1640392112.jpg

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

“Trong một thế giới đa dạng về văn hóa, bản sắc quốc gia, bản sắc văn hóa của từng quốc gia, dân tộc có vai trò quan trọng trong việc phát triển và xây dựng đất nước đó từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Bản sắc văn hóa tuy rất sâu sắc nhưng cũng không phải là bất biến, nó có thể vận động, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với thực tiễn sống động, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì vậy, cần coi trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; cân nhắc, lựa chọn, tiếp thu những giá trị khoa học, hợp lý, nhân văn, tiến bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với thể chế chính trị và nền tảng tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa”, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc chia sẻ.

Trong thời gian tới, để “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa”, “phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”, “từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”, như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc cho rằng cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp như: quan tâm chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Cần có cơ chế và giải pháp nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc với việc xây dựng nền văn hóa và con người mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hai là, sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trên nền tảng văn hóa truyền thống và cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần yêu nước, tiến bộ, dân chủ, nhân văn, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam đương đại trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Tạo động lực cho các văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, khoa học, giáo dục sáng tạo nhiều hơn những công trình văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ,... mang dấu ấn vượt thời gian, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.

Ba là, lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa Việt Nam. Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Năm là, tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Và cuối cùng là phát triển mạnh du lịch - ngành kinh tế - văn hóa mũi nhọn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, có thể nhận thấy, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất với các giải pháp toàn diện, đồng bộ để lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế. Các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành Văn hóa, giáo dục, đối ngoại cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, chân thực và sâu sắc, sinh động, thuyết phục về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam trong truyền thống lịch sử, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.

Theo VOV.VN
Bạn đang đọc bài viết "Lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong giao lưu, hội nhập quốc tế" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.