Lam Kinh - Dấu xưa còn đó

30/07/2016 17:00

Theo dõi trên

Cùng với di sản thế giới Thành nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh cũng là một chứng nhân lịch sử vĩnh cửu về một thời hưng thịnh và hào hùng của dân tộc.

Cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, khu di tích lịch sử Lam Kinh hiện nay thuộc địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc) với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn là 200ha. Đây là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong 10 năm đầy gian khổ (1418 - 1427) và cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các Vương hậu thời Lê sơ.
 



Toàn cảnh Thái Miếu. Nguồn: baothanhhoa.vn

Sử sách còn chép lại, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ) lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Thành Lam Kinh rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Lê Sơ mỗi lần về bái yết tổ tiên. Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía trước thành hướng về phía Nam và nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm bình phong, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây.

 


Cầu Bạch. Nguồn: dulich24h.com



Giếng Ngọc trước Nghi Môn. Nguồn: dulich24h.com

Để vào khu trung tâm Điện miếu Lam Kinh, du khách sẽ đi qua cầu Bạch. Thực tế, do trải qua nhiều biến cố lịch sử, cầu Bạch bằng gỗ xưa kia đã không còn. Năm 1996, nhà nước đã đầu tư kinh phí phục hồi, tôn tạo lại cầu Bạch bằng đá với chiều dài 17m, rộng 5,5m, hình vòm cung. Qua cầu Bạch, du khách sẽ đi vào Ngọ Môn hay còn được gọi là Nghi Môn hay Nghinh Môn - cổng đón tiếp trước khi vào sân Chầu. Trước Ngọ Môn có đặt 2 tượng Nghê đá huyền thoại liền đế hình chữ nhật, dựng cách nhau 5,1m để canh gác cổng, tiếp đó là hai vầng Nhật Nguyệt bằng đá hình tròn, có đường kính 0,7m.

Sân rồng là một trong những kiến trúc có diện tích lớn nhất trong khu trung tâm của điện Lam Kinh, nằm tại phía sau Ngọ môn, chính giữa có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng. Hai bên sân rồng là hai dãy nhà Tả Vu và Hữu Vu, mỗi dãy có 12 gian. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại nền móng và một số chân tảng cột.

Chính điện là công trình kiến trúc gỗ ở khu trung tâm, có quy mô lớn nhất của Lam Kinh. Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, cao 1m80 so với mặt sân Rồng. Mặt bằng của Điện được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ công (I) gồm 3 toà nhà lớn gọi là Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh. Tổng diện tích của 3 cung là 1645,04m2 với 138 chân tảng hiện nay còn 127 chân tảng.

 


Nhà bia Vĩnh Lăng. Ảnh: T.Thủy




Nhà bia vua Lê Thánh Tông. Nguồn: BQL di tích Lam Kinh

Đến với quần thể di tích Lam Kinh, không thể không kể đến khu lăng tẩm của các Vua Chúa thời Lê. Đầu tiên phải kể đến là Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50m. Vĩnh Lăng được chọn đặt ở một thế rất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Đối diện lại có sông làm “bạch hổ”. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên mà trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài, có kích thước 4,4 x 1m. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng ở đây để trấn trạch (bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai nghê, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ). Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng 2,25m gọi là đường “thần đạo”. Nhìn toàn cảnh lăng thật giản dị, gần gũi song rất tôn nghiêm và trang trọng.
 



Tượng voi cổ bằng đá trấn thạch. Nguồn: news.zing.vn



"Cây ổi cười" bí ẩn bên lăng mộ vua Lê. Nguồn: reds.vn

Bia Vĩnh Lăng nằm riêng biệt trên đường đi, có mái che được xây dựng sau này. Bia được tạc từ một khối đá xanh rất lớn đặt trên lưng rùa. Trán bia hình bán nguyệt trên đó chạm nổi đôi rồng chầu mặt trời, bia được trang trí hình rồng, xen kẽ là hình hoa cúc dây mềm mại, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê. Nội dung văn bia được khắc chìm, nói về thân thế, sự nghiệp, công trạng của vua Lê Thái Tổ, tóm tắt ngắn gọn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bia Vĩnh Lăng được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, là một công trình điêu khắc đá nghệ thuật quý giá, có ý nghĩa lớn lao trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam thời Lê Sơ còn đến ngày nay.

Bên cạnh đó, trong quân thể di tích còn có các lăng mộ khác như: Hựu Lăng: Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên: Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Vua Lê Thánh Tông) - Lăng này có điểm đặc biệt là tượng quan hầu là nữ quan; Chiêu Lăng: Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng: Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng: Lăng vua Lê Túc Tông…
 



Lễ hội Lam Kinh vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Nguồn: thanhhoatourism.gov.vn

Không chỉ có kiến trúc quy mô, bề thế, Lam Kinh còn là chiếc "nôi vàng" của những sự tích huyền bí về cây ổi cười, chuyện tình đa thị hay cây lim hiến thân...

Tại Khu di tích, vào dịp tháng 8 (Âm lịch) hàng năm, nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và tôn vinh triều đại nhà Lê và các anh hùng dân tộc đã làm rạng danh cho non sông đất nước, đồng thời thể hiện ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc...

Có thể nói, trải qua gần 6 thế kỷ với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, Lam Kinh không còn nguyên vẹn như xưa nhưng với tất cả hình hài còn lại như nền móng, chân tảng điện miếu đến thềm rồng, bia ký, tượng người, tượng thú và các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn là những bằng chứng, vật chứng sinh động về quy mô và giá trị độc đáo của toàn bộ khu vực điện miếu ở Lam Kinh cổ xưa. Đến Lam Kinh hôm nay, mỗi người con đất Việt đều trào dâng cảm xúc bồi hồi trước những dấu tích lịch sử của ông cha còn ghi dấu lại để rồi khi trở về trong lòng còn đọng mãi niềm tự hào dân tộc.

(Theo Cinet.vn)

M.N
Bạn đang đọc bài viết "Lam Kinh - Dấu xưa còn đó" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.