Kỳ vĩ tháp Dương Long

18/04/2017 10:54

Theo dõi trên

Đến huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, sau khi ghé thăm Bảo tàng Quang Trung, du khách không thể không đến tham quan, chiêm ngưỡng một kiệt tác nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc Champa ở vùng Tây Sơn hạ đạo: cụm tháp Dương Long (tại thôn An Chánh, xã Tây Bình).

Từ xa, du khách đã có thể nhìn thấy vẻ kỳ vĩ của 3 ngọn tháp tọa lạc trên vùng gò đồi cao, xung quanh là những đồng lúa xanh mướt và xóm làng trù phú. Dương Long là một quần thể gồm ba ngọn tháp nằm gần nhau, đóng thẳng hàng theo trục bắc nam, các cửa chính đều quay về hướng đông. Trải qua nhiều dấu ấn thăng trầm của thời gian, di tích này đã hư hại nhiều (hiện nay người tham quan được khuyến cáo không nên đến gần chân tháp hay vào trong lòng tháp) nhưng du khách vẫn có thể hình dung được quy mô đồ sộ của cụm tháp.

Cụm tháp Dương Long có niên đại khoảng thế kỷ 12 – 13 và hiện là cụm tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á đang tồn tại, gồm 3 tháp với chiều cao tháp Bắc 32 m, tháp Giữa 39 m, tháp Nam 33 m. Các tháp đều có cấu trúc chia làm 3 phần rõ rệt: đế tháp, thân tháp và mái tháp. Nhiều hoa văn trang trí, những hình chạm khắc trên cửa, các diềm đá trang trí trên đỉnh tháp rất đẹp, tinh tế và sinh động, thể hiện nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ điêu luyện. Chẳng hạn, trên đỉnh trụ cửa giả ở tháp Bắc trang trí hình lá nhĩ, vòng ngoài là thân rắn uốn quanh, bên trong là mặt Kala (mặt quái vật: có hai sừng, cặp mắt lồi, hai tai nhỏ, mũi sư tử, đôi má căng, hàm răng lởm chởm với hai răng nanh dài; được coi là biểu tượng của thần Shiva), miệng khạc ra rắn bảy đầu trong tư thế uốn lượn rất sinh động. Tại diềm đá ngăn cách giữa thân và mái trên tháp Bắc được chạm khắc hình voi và sư tử rất sinh động, uyển chuyển, tinh tế. Mô típ trang trí trên tháp Nam khác hơn so với tháp Bắc, với hình chạm nổi những bầu vú tròn trịa xếp đều đặn cạnh nhau trên diềm mái, phù điêu các đạo sĩ ngồi thiền trong khung lá đề, hình người, sư tử và những con vật kỳ dị… Tháp Giữa tuy cao nhất và nằm ở vị trí trung tâm nhưng không trang trí cầu kỳ như hai tháp còn lại. Đỉnh các tháp được trang trí tựa như hình hoa sen lớn.




Tháp Dương Long (Tây Sơn, Bình Định).

Trong khu di tích tháp Dương Long hiện nay có rất nhiều các khối đá chạm trổ, phù điêu được đặt rải rác trong khuôn viên rộng lớn. Có lẽ đây là những hiện vật của khu tháp mà các nhà chuyên môn đã khai quật được trước đây. Được biết, trải qua vài lần khai quật, người ta phát hiện ra rằng khu tháp này có nền móng hết sức bề thế với bệ đỡ quy mô, kiên cố (khác với nhiều tháp Chăm ở Bình Định có nền móng được gia cố khá đơn giản, chủ yếu bằng đá ong, đất cát, đá cuội); hàng nghìn khối đá sa thạch đã được điêu khắc trang trí với nhiều đề tài khác nhau: hình ảnh các vị thần trong nhiều tư thế, vũ điệu, hình ngực phụ nữ, các loại hoa lá, các loài thú như voi, khỉ, rắn, chim thần Garuda, Gajasimha, Kala, thủy quái Makara...

Theo các nhà khoa học, kết quả các cuộc khai quật khảo cổ và nhiều di tích kiến trúc đã sụp đổ cho thấy nơi đây đã từng là một đền tháp lớn, ba ngôi tháp hiện còn là những kiến trúc trung tâm, thờ 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Bhrama, Visnu và Shiva. Điểm đặc biệt ở tháp Dương Long ở chỗ mỗi kiến trúc là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc tháp Champa và nghệ thuật kiến trúc Khmer, thể hiện qua bình đồ chân tháp vuông, vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, kỹ thuật xây dựng cùng các đề tài trang trí truyền thống của Champa như mặt Kala, hình ngực phụ nữ, hoa văn cánh sen…; cùng các yếu tố thể hiện của kiến trúc Khmer thể hiện ở hình dáng chân tháp. Việc sử dụng đá trong kiến trúc và các họa tiết như rắn Naga, chim thần Garuda…; sự kết hợp thành công giữa kỹ thuật xây tháp gạch của người Chăm và kỹ thuật lắp ghép, tạo tác trên đá của Khmer ở tháp Dương Long đã tạo nên một kiệt tác nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc Champa.


Hồng Hà

Nguồn: Đắk Lắk Online
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vĩ tháp Dương Long" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.