Kỹ sư người Mông đưa tam thất về ngọn núi cao nhất Nghệ An

02/08/2022 21:35

Theo dõi trên

Thay vì chọn con đường làm cán bộ, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, Xồng Bá Lẩu lập nghiệp ngay trên quê hương bằng một hướng đi riêng. Anh trồng tam thất và sâm bản địa dưới tán rừng.

xong-ba-lau-1-1659435885.JPG
Xồng Bá Lẩu (áo xanh), bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là người đầu tiên đưa cây tam thất về núi Puxai Laileng

Đỉnh Puxai Laileng trên 2.700m so với mực nước biển, cao nhất Nghệ An và giữa lung chừng là phần rừng cộng đồng của bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Giữa vạt rừng, thanh niên 36 tuổi Xồng Bá Lẩu đang lặng lẽ kiểm tra những cây tam thất gần 5 năm tuổi cao ngang đầu gối, củ chỉ lớn bằng ngón tay cái. Tam thất lẫn với cây rừng chẳng khác nào mọc hoang dại.

“Tôi đã phải đi mua giống từ Mù Cang Chải (Yên Bái) về đó. Vùng rừng này không có cây tam thất đâu” - Xồng Bá Lẩu giải thích. Theo đo đạc của phóng viên thì vạt rừng nơi Lẩu trồng tam thất cao hơn 1600m. Giữa trưa hè, tán rừng vẫn ẩm ướt, phảng phất hơi sương.

Xồng Bá Lẩu Kể cách đây gần 5 năm anh đến thăm một người bạn ở huyện Mù Cang Chải và mua về gần 1000 cây tam thất. Anh đem trồng thử nghiệm dưới tán rừng. Hiện tại, thứ dược liệu quý này đã bắt đầu có củ.

Xen giữa những cây tam thất Xồng Bá Lẩu cũng đang trồng thử nghiệm một loài sâm bản địa. Người địa phương gọi là sâm Puxai Laileng, như tên gọi dẫy núi. Loài cây chỉ cao hơn đầu gối, lá chia làm ba thùy, hoa màu xanh nhạt. Anh Lẩu cho biết đã bỏ ra 8 triệu đồng mua của những thợ rừng địa phương được chừng 50 củ. Loài sâm có giá trị kinh tết khá cao. Loại 2 củ/1kg được thu mua trên 30 triệu đồng. Vì thế để thử nghiệm, thanh niên người Mông này phải giấu kỹ những củ sâm dưới tán cây.

xong-ba-lau-4-1659435885.JPG
Cây sâm Puxailaileng có hoa màu xanh nhạt

Với thử nghiệm này, Xồng Bá Lẩu kỳ vọng sẽ tạo ra những củ sâm tự trồng như người dân Quảng Nam đã làm với sâm Ngọc Linh. “Tôi đã vào tận nơi (Nam Trà My - Quảng Nam) để học hỏi kinh nghiệm từ một bạn học cũ và quyết định học tập họ” - Xồng Bá Lẩu chia sẻ. Ngoài ra, thanh niên này đang trồng trên 1ha cây đương quy trên diện tích lúa rẫy.

Tốt nghiệp ngành Nông - Lâm, Đại học Kinh tế Huế năm 2012. Ban đầu, Xồng Bá Lẩu cũng nộp hồ sơ xin tuyển công chức. Sau vài lần thất bại với ước vọng “làm cán bộ”, Lẩu quyết định chỉ ở nhà làm kinh tế. Vốn được đào tạo về kiến thức nông, lâm nghiệp, anh trồng dược liệu dưới tán rừng làm hướng đi.

“Nếu thành công, tôi nguyện sẽ chia sẻ kinh nghiệm cùng những người trong bản. Mong ai cũng biết trồng tam thất, cây sâm” - Xồng Bá Lẩu nói. Hiện anh là trưởng bản Buộc Mú, xã Na Ngoi. Ngoài trồng dược liệu, để “lấy ngắn nuôi dài”, anh còn chăn nuôi thêm trâu, trồng đào và thu mua gừng của bà con trên địa bàn.

xong-ba-lau-2-1659435885.JPG
Rễ tam thất sau ba năm trồng

Khó khăn lớn nhất mà anh Xồng Bá Lẩu đang gặp phải hiện nay trong việc thực hiện ý tưởng trồng cây tam thất trên dẫy Puxai Laileng là kinh nghiệm chăm sóc cũng như việc tìm hiểu thổ nhưỡng trên địa bàn để đảm bảo cho hiệu quả kinh tế cao. Với anh mọi thứ chỉ mới đạt được những kết quả bước đầu. “Tôi chủ yếu đọc sách, báo, không có nhiều điều kiện nên chỉ biết bỏ vốn ra thử nghiệm. Thế nhưng tôi tin tưởng là mình sẽ đạt được thành công vì có sự giúp đỡ của bạn bè cũng như mạng internet và sự quyết tâm của bản thân” - Xồng Bá Lẩu chia sẻ.

Nói về trưởng bản Xồng Bá Lẩu, ông Xồng Bá Dênh, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi thông tin thêm: Vào năm 2012, Xồng Bá Lẩu là Bí thư chi đoàn bản Buộc Mú. Vừa là cán bộ đoàn thôn bản, anh vừa phát triển kinh tế hộ gia đình. Là người có kiến thức về nông nghiệp, Lẩu mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu vốn phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Anh cũng giúp bà con làm đầu mối thu mua gừng, đào vá các nông sản khác.

Về sau, anh Lẩu được dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản Buộc Mú. Nhận xét về vị trưởng bản trẻ, ông Xồng Bá Dênh cho rằng: Xồng Bá Lẩu là một trưởng bản công tâm, biết giúp đỡ mọi người.

tam-that-tuoi-1659450866.jpg
Củ tam thất càng nhiều mấu càng tốt

Nhắc đến dược liệu quý ở Việt Nam, không thể không nhắc đến cây tam thất. Cây tam thất được coi là dược liệu quý không chỉ có công dụng bồi bổ sức khỏe mà còn điều trị một số bệnh, đặc biệt là ung thư.  

Cây tam thất còn có tên gọi khác là sâm tam thất, kim bất hoán, điền thất, sâm tam thất, tam thất bắc. Tên khoa học là Panax pseudo-ginseng Wall. Thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae. 

Theo Đông y, tam thất có vị ngọt, tính ôn, hơi đắng. Công dụng của tam thất trong Đông Y được liệt kê như: Bồi bổ cơ thể, củ tam thất xay bột dùng bồi bổ sức khoẻ cho người cơ thể suy nhược, người mới ốm dậy. Chữa bệnh phụ nữ bởi ăn bột tam thất với tim lơn giảm chảy máu sau sinh, sản hậu huyết ứ gây đau bụng. Tam thất cũng giúp chữa đau bụng kinh, rong kinh do bế kinh, rong huyết, máu kinh nhiều. Các bệnh về huyết, tam thất bổ huyết, hoạt huyết rất tốt cho người máu lưu thông kém, người bị bầm tím. Người bị huyết áp cao, nụ tam thất hãm nước uống hàng ngày tốt cho người bị huyết áp cao...

Hữu Vi
Bạn đang đọc bài viết "Kỹ sư người Mông đưa tam thất về ngọn núi cao nhất Nghệ An" tại chuyên mục Xã hội. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.