Ảnh minh họa (nguồn: VOV.VN)
Theo người dân ở đây, đã từng có một thời ngôi đình trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhiều người. Vậy mà giờ đây nó bị hư hại theo thời gian, những cột kèo gãy đổ, lớp mái đã thủng lỗ chỗ nhiều nơi, các mảng tường bong tróc và nền gạch xuống cấp nghiêm trọng. Những cột kèo bị mối mọt gặm nhấm, có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Trong cái vẻ hoang tàn của ngôi đình, những chùm rễ lớn nhỏ của hai cây bồ đề mọc từ nóc đình lan xuống, quấn chặt lấy những mảng tường cũ kỹ như để bảo vệ và lưu giữ lại thời vàng son của ngôi đình thiêng. Báo Đời Sống Và Pháp Luật thông tin.
Một người dân cho biết, trước đây có ba cây bồ đề mọc lên một cách tự nhiên trên nóc đình, vươn rễ ra bám vào tường để giữ cho ngôi đình không bị thời gian xóa sổ. Chẳng biết ngẫu nhiên hay cố ý mà ba cây bồ đề này mọc ở ba phía khác nhau, rễ cây bao phủ toàn bộ ngôi đình. Chỉ tiếc là, một cây bên phía phải ngôi đình đã bị những người mê chơi cây kiểng lấy trộm từ hơn hai chục năm trước. Phần rễ của hai cây bồ đề còn sót lại trở thành cột, thành kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ vững ngôi đình tồn tại đến ngày nay. Một số rễ chạy dài theo các rường của mái đình, tạo thành những giá đỡ song song giúp phần mái, cột đã mục gần như hoàn toàn vẫn không bị đổ sập xuống.
Trong ngôi đình hiện nay chỉ còn hai bàn thờ nguyên vẹn với những hoa văn chạm khắc cổ kính. Những câu liễn, đồ thờ cúng, sắc phong của đình được ban tặng đều đã mất dần theo thời gian. Nhiều vết chạm khắc trên các đầu kèo cột theo phong cách nhà rường Huế cũng bị mối mọt gặm nhấm hết. Ngay trên cửa của chánh điện vẫn còn số năm 1907 được khắc nổi, chen giữa hoa văn đặc trưng của đình thời Nguyễn. Theo hồ sơ phong di tích cấp tỉnh, năm 1907 là năm trùng tu chứ không phải là năm khánh thành đình. Điều đó chứng tỏ ngôi đình này phải có từ thời vua Minh Mạng, tức là khoảng đầu thế kỷ 19.
Theo những bậc cao niên làng Gò Táo thì ngôi đình đã tồn tại hơn 100 năm nay, nhờ có hai cây bồ đề mà ngôi đình còn tồn tại được đến bây giờ. Hàng năm, đình Tân Đông tổ chức bốn lễ hội chính như: Lễ Kỳ Yên (16 - 2 âm lịch), lễ Thượng điền (16-5 âm lịch), lễ Hạ điền (16-8 âm lịch) và lễ cầu Ông (16-11 âm lịch). Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, người dân trong làng tụ họp nhau lại cùng nấu ăn linh đình rồi mời các đoàn hát bội khắp nơi về biểu diễn, làm lễ.