Truyền thuyết về đền Cảnh Xanh
Đền Cảnh Xanh nằm trong khuôn viên rộng hơn 9.000m2, thuộc phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang). Không biết được xây dựng bắt đầu từ khi nào, chỉ biết đền được sắc phong sớm nhất vào năm 1803 đời vua Gia Long. Năm 2001, đền mới được xây dựng lại 3 gian 2 chái hình chữ Đinh bằng tiền công đức của nhân dân. Từ khi có đền đến giờ người ta vẫn gọi là đền Cây Xanh rồi đền Cảnh Xanh.
Truyền thuyết kể lại rằng, thủa xưa, thời Hùng Vương thứ 18, Tản Viên Sơn Thánh có một người con gái thông minh, xinh đẹp, húy là La Bình hay còn gọi là Cô Bé. Nàng đi theo cha khắp núi non, hang động thăm thú cảnh tiên. Cô Bé đi đến đâu thì mưa tạnh, rét ngừng... muông thú trong rừng trông thấy nàng từ xa đa ủa tới giao duyên làm bạn.
Thấy nàng có nghĩa, có tình với cỏ cây, hoa lá, chim muông… ở trên trời cao Thượng Đế biết tin đã phong hiệu cho nàng là “Thượng Ngàn công chúa”. Một hôm Thượng Ngàn công chúa xa giá xe mây thăm thú đại ngàn. Từ trên trời cao nàng nhìn xuống Lô Giang, dòng sông khúc quanh, khúc lượn, ghềnh đá chênh vênh, trăng gác đầu non hắt hiu ánh vàng trải xuống dòng sông mềm như dải lụa. Thấy phong cảnh hữu tình, nàng mắn võng hạ giá nghỉ lại nơi đây. Đêm ấy, dân làng đều mộng thấy, có một thần nữ dung nhan ngời ngợi, đầu đội mũ xanh, thắt lưng xanh, khoác áo choàng lộng lẫy giáng ngự bên hồ (thuộc đền Cảnh Xanh ngày nay), muông thú khắp nơi kéo về mở hội, xung quanh nàng đầy ắp tiếng chim… xao động cả vùng sơn cước.
Khi ban mai vừa hửng lên, người người thức giấc, khi gặp nhau, ai cũng đều kể lại giấc mộng đêm qua, rồi cùng nhau đến tận nơi xem xét. Lạ thay, nơi ấy chỉ còn lại một cây xanh, thân rễ đan xen, lá cành rủ xuống giống như động tiên. Thay vì những hòn đá, là những thân rễ buông thả thiên hình vạn trạng. Thấy sự lạ kì, mọi người mang hương hoa đến vái lạy, rồi lập một am nhỏ dưới gốc cây để tuần rằm nhang khói.
Thời gian trôi qua, cây xanh đã phủ kín am thiêng, thấy không tiện cho việc thờ phụng lâu dài, người dân trong vùng đã dâng lễ xin với Bà chúa Thượng Ngàn cho lập đền thờ trong khu vực cây xanh hiện nay.
Cây xanh ngàn tuổi và những câu chuyện kỳ bí
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Quốc Quang, Tổ trưởng Tổ quản lý đền Cảnh Xanh thì cây xanh tọa lạc trước khuôn viên nhà đền theo ý kiến của các nhà khoa học cũng có chừng 1.000 năm tuổi. Cây xanh lớn, tỏa bóng bao phủ cả ngôi đền nên được người dân thường hay gọi là “tòa xanh”.
Điều kỳ lạ là hầu như bất kỳ mùa nào trong năm, luôn có cảm giác những chiếc lá trên “tòa xanh” không bao rụng, bốn mùa non tơ, xanh thẫm một vùng trời. Người dân trong vùng kể rằng: ban ngày, đố ai nhìn thấy chiếc lá vàng rơi rụng dưới thềm sân, họa chăng chỉ có về đêm nhưng cũng rất ít.
Thân cây xanh chính đã bị chết mà mục ruỗng, phân hủy gần hết, giờ chỉ còn bộ dễ tái sinh bao trùm một không gian rộng lớn. Những năm chiến tranh khốc liệt, dù Tuyên Quang cũng là địa điểm bị đánh phá ác liệt của giặc khi phải chịu cả trăm nghìn tấn bom, nhưng cây xanh và đền Cảnh Xanh thì vẫn đứng đó không hề bị bom đạn tàn phá.
Năm 2008, cây xanh bị sét đánh mất mấy cành. Gần đây, mưa bão cũng bẻ gẫy mất mấy cành nữa, nhưng rất kỳ lạ mỗi lần như vậy cây xanh lại thêm xanh hơn, tỏa bóng mát hơn, hiện giờ từ những cành bị gãy hiện đang nảy mầm xanh trở lại. Ai cũng nghĩ, chắc chắn rằng đó là nhờ sự linh thiêng của thánh Mẫu trong đền giúp ngôi đền, cây xanh cũng như người dân xung quanh thoát khỏi tai ương.
Trong đền hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật có niên đại trải dài hàng thế kỷ: một quả chuông đồng cổ, ba bức đại tự bằng chữ Hán và năm đạo sắc thời Nguyễn. Dưới gốc “tòa xanh”, nơi cây xanh buông rễ xuống, có nhiều ban thờ như: Lầu cô, lầu cậu, võng thần nơi Bà Chúa Thượng Ngàn ngự lãm...
Một cụ bà bán nước và đồ lễ cho khách hành hương trước cổng đền kể, người dân chúng tôi ở đây vẫn truyền tụng câu thơ “Ai đi lên mẫu Tuyên Quang/Nhớ đền cô bé Cảnh Xanh thì vào hay khách đến Tuyên Quang hành hương mà chưa thăm đền Cảnh Xanh thì đó là chưa phải đến thăm xứ Tuyên”. Ngoài giá trị lịch sử thì đền Cảnh Xanh rất linh thiêng và đặc biệt linh nghiệm trong việc cầu tài, cầu lộc. Câu nói “Phật thánh Cảnh Xanh uy linh cầu tất ứng” được mọi người không chỉ ở Tuyên Quang mà còn có những khách ở tận Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng biết đến.
Rất tự hào ông Quang tâm sự: “Biết được sự linh thiêng và đời sống tâm linh của bà con trong vùng đối với ngôi đền Cảnh Xanh. Chính quyền địa phương cũng có nhiều biện phát bảo tồn và chăm sóc đền cũng như cây xanh “khủng” trước đền. Tháng 4/2014, cây xanh của đền Cảnh Xanh chính thức được Hội Bảo vệ tài nguyên môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam cần được bảo vệ. Hiện tại đi đôi với quá trình bảo vệ chăm sóc cây, chúng tôi đã lập hồ sơ để được công nhận là di tích cấp quốc gia và làm lễ đón nhận danh hiệu Cây di sản Việt Nam trong thời gian tới”.