Theo GS. KTS Hoàng Đạo Kính, đây là lý do chính của buổi tọa đàm “Kiến trúc đô thị và nông thôn ngày nay, về nghề và sáng tác kiến trúc của chúng ta” vừa diễn ra sáng 16/8 tại Đình Kim Ngân, Hàng Bạc (Hà Nội). Dưới sự chủ trì của GS Hoàng Đạo Kính, tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều diễn giả am hiểu kiến trúc với những góc nhìn mới mẻ và sắc sảo như: nhà thơ Mai Linh, nhà văn, nhà phê bình VHNT Phạm Xuân Nguyên, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái. Các diễn giả đã tâm huyết bày tỏ những góc nhìn, suy nghĩ riêng về công cuộc đô thị hóa, xây dựng đô thị, nông thôn hiện nay và nhìn nhận về bức tranh quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam hiện nay dưới lăng kính văn hóa nghệ thuật.
“Lỗi văn hóa trong kiến trúc là rõ nhất”
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, các diễn giả đều có cùng quan điểm rằng văn hóa và kiến trúc có sự gắn bó rất mật thiết với nhau. Trong kiến trúc không thể thiếu văn hóa và trong văn hóa có nghệ thuật kiến trúc. Thậm chí, theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, hiện nay lỗi văn hóa trong tất cả các loại hình nghệ thuật thì thể hiện ở kiến trúc rõ ràng nhất và khó sửa nhất, nếu sửa thì tàn bạo nhất. “Người ta đã từng cắt tòa nhà 17 tầng như cắt một chiếc bánh gato xuống còn 5 tầng, người ta đã từng phá vỡ khung cảnh hai bên bờ sông Hương, một bên là Thành Nội, một bên là xây dựng công trình hiện đại, khách sạn cao tầng… Do vậy, dưới góc nhìn văn hóa, tôi cho rằng đó là sự rối loạn về thẩm mỹ kiến trúc. Bắt đầu của sự rối loạn ấy là sự rối loạn về văn hóa kiến trúc”.
Đồng tình với ý kiến này, nhà phê bình văn học, nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho rằng, kiến trúc thực chất vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. “Một ngôi nhà chỉ là nơi chui ra chui vào thôi, nhưng cũng là công trình kiến trúc mang đầy đủ giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh, chưa nói đến việc xây dựng đình, chùa”.
Từ quan điểm này, nhà văn Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang ở trạng thái “lăng nhăng”, đô thị không ra đô thị, làng quê không ra làng quê”. Về bản chất, Hà Nội là cái làng lớn nhất Việt Nam, song hiện nay, tôi cảm thấy tất cả đều bị xới tung lên, tất cả ở trong trạng thái nhập nhèm, lăng nhăng, giá trị cũ chưa mất đi còn giá trị mới chưa hiện hình. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc trùng tu đền chùa miếu mạo hiện nay, cứ động đến cái gì là mất cái đó. Gần đây nhất là vụ xâm phạm Hoàng thành Thăng Long mới đây, là di sản có giá trị vượt bậc đã được UNESCO công nhận, nằm ngay ở trung tâm mà vẫn còn bị xâm phạm, thì những cái khác sẽ như thế nào? Kiến trúc ở nước ta dường như không có chuẩn mực nào. Sự lập ra chuẩn đã khó, làm theo chuẩn càng khó hơn” – nhà văn Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn.
Trong khi đó, nhà thơ Mai Linh băn khoăn, quy hoạch kiến trúc hiện nay tại các đô thị khiến người ta khó có thể phân biệt được đâu là thành phố, đâu là ngoại ô và đâu là làng quê. “Quy hoạch đô thị thường có 3 vùng: thành phố, ngoại ô và miền quê. Tuy nhiên, với cách quy hoạch của Hà Nội hay Thanh Hóa hiện nay, rất khó có thể trả lời câu hỏi đâu là ngoại ô của Hà Nội, đâu là ngoại ô của Thanh Hóa. Tôi cho rằng đây là câu hỏi rắc rối nhất về quy hoạch” – nhà thơ Mai Linh bày tỏ.
Còn “quan liêu” với kiến trúc nông thôn
Một trong vấn đề khiến các diễn giả băn khoăn nhất tại tọa đàm là vấn đề kiến trúc nông thôn. Nhà thơ Mai Linh bày tỏ, nhầm lẫn lớn nhất của việc đô thị hóa – hiện đại hóa hiện nay là chúng ta xây dựng nông thôn mới nhưng lại xây dựng đô thị mới. Những yếu tố thuộc về bản quyền, bản sắc của nông thôn là đình làng miếu mạo, cây đa bến nước sân đình, những tiếng ru êm đềm…. nhưng nay đã không còn nữa, tất cả đã thay đổi hoàn toàn vì đô thị hóa. “Bây giờ tôi về quê chỉ thấy xót xa rằng “Bê tông trắng quá nhìn không ra”. Bộ mặt nông thôn bị biến dạng hoàn toàn, làng đã không còn là làng nữa, thương cảm vô cùng. Bây giờ các nhà thơ của miền quê về quê sẽ không làm được thơ về nông thôn nữa. Tất cả chỉ còn trong miền ký ức”. – nhà thơ Mai Linh trăn trở.
Đồng tình với nhận định của nhà thơ Mai Linh, GS. KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ: “Chưa từng có một nghiên cứu nào về con đường phát triển đô thị hóa nông thôn, hình thái phát triển như thế nào? Chúng ta không thể quản lý, quy hoạch nông thôn như quản lý đô thị được. Hiện nay chúng ta đang chưa tử tế với người nông dân và còn quan liêu với nông thôn”.
Bày tỏ về việc phát triển đô thị ở Hà Nội hiện nay, GS. KTS Hoàng Đạo Kính cũng thẳng thắn: “Không giống như những đại đô thị như Singapore, hay Kuala Lumper, Hà Nội gần như một phức hợp, cộng cư có sự phát triển kéo dài và theo quán tính, dẫn đến tình trạng hiện nay cứ 3 người có hộ khẩu Hà Nội thì có 2 người làm nông nghiệp. Vấn đề của Hà Nội không chỉ là ngoại ô không còn nữa và mà còn ở chỗ Hà Nội đang tồn tại cùng lúc 4-5 nhóm dân cư: dân cư thành thị, nhóm còn lại của vùng ngoại ô cũ; nhóm dân cư là người vùng ven của Hà Nội mở rộng, nhóm người vãng lai. Một thành phố mà hơn 3/4 dân số không nằm ở nhóm đô thị hóa thì ta phải đắn đo trong việc phát triển đô thị. Có thể có 20-30 năm nữa, Hà Nội phát triển tốt thì chúng ta sẽ có đô thị giống kiểu của Bangkok, Thái Lan hoặc cũng có thể tạo ra một phức hợp đô thị chưa từng có. Chúng ta phải tìm ra con đường đi riêng cho đô thị Việt Nam, kiến trúc Việt Nam. Tuy chúng ta đi chậm so với thế giới, nhưng nếu may mắn chúng ta có thể tránh được lỗi của những đô thị lộn xộn để có một mô hình đô thị ôn hòa, sống được”.
Về vấn đề này, nhà văn Phạm Xuân Nguyên nhận định, kiến trúc không thể tách rời với việc phát triển đô thị. Sở dĩ việc quy hoạch đô thị ở Việt Nam hiện nay còn bị coi là lăng nhăng là vì chúng ta chưa có một đời sống đô thị đúng nghĩa. “Từ thời Số đỏ đã có chuyện hai ông Min đơ, Min Toa chuyên bắt phạt những người đái bậy. Nhưng đến bây giờ Hà Nội vẫn còn tình trạng đó. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là chúng ta không có bộ quy tắc chuẩn mực trong xây dựng, ứng xử đô thị, ví dụ rõ ràng nhất là Hà Nội giờ không có kiến trúc sư trưởng thành phố” – nhà văn Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn.
Trong khi đó, nhà thơ Mai Linh cho rằng, một trong những thiếu sót lớn nhất trong quy hoạch kiến trúc của Hà Nội là thiếu Khải Hoàn Môn. “Việt Nam rất mệt mỏi với chiến đấu, hết giặc ngoại xâm này đến giặc ngoại xâm khác, nhưng không bao giờ mệt mỏi với chiến thắng. Tuy nhiên, sức nhớ thì giỏi, sức nghĩ thì vẫn còn kém. Có một lịch sử chiến thắng giặc ngoại xâm oanh liệt như vậy nhưng thủ đô lịch lãm, hào hoa của Việt Nam lại không có Khải Hoàn Môn là một thiếu sót, trong khi Lào, Campuchia và nhiều nước khác đều có. Cần có Khải Hoàn Môn để vinh danh những chiến thắng này, dân tộc này, chứ không chỉ là vinh danh các cá nhân” – nhà thơ Mai Linh đề xuất.
Kết thúc buổi tọa đàm, GS. KTS Hoàng Đạo Kính khẳng định những quan điểm, góc nhìn mới mẻ và sắc sảo của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ đem lại những kiến thức hữu ích cho những kiến trúc sư, những người trong nghề kiến trúc, xây dựng đô thị. “Đây đều là những vấn đề không mới. Tuy nhiên, cái mới ở đây ở chỗ chúng ta tích lũy được nhiều tri thức xã hội, lắng nghe xã hội để biết được những băn khoăn của xã hội để trau dồi hoàn thiện bản thân, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội” – GS Hoàng Đạo Kính bày tỏ.