Nguy cơ đứt gãy văn hóa dân tộc Pà Thẻn
Người Pà Thẻn là một trong 16 dân tộc thiểu số có dân số ít người (dưới 10 nghìn người), sinh sống phân bố chủ yếu ở 2 tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang. Đồng bào có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo thể hiện ở các loại hình như kiến trúc, nhà cửa, trang phục, tiếng nói, ngữ văn dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội nghi lễ, lễ hội, tri thức dân gian…
Đồng bào Pà Thẻn có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo thể hiện ở các loại hình như kiến trúc, nhà cửa, trang phục, tiếng nói, ngữ văn dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội nghi lễ, lễ hội, tri thức dân gian…
Trong 20 năm trở lại đây, quá trình biến đổi kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa đã làm thay đổi đáng kể địa bàn cư trú của dân tộc Pà Thẻn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực biểu hiện qua các con số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa của người Pà Thẻn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Ở nhiều địa phương, văn hóa truyền thống đang bị mai một, xuất hiện nguy cơ đứt gãy việc chuyển giao tài sản văn hóa giữa các thế hệ. Đa số các gia đình người Pà Thẻn hiện nay không còn lưu giữ được kiểu nhà ở truyền thống, mà chỉ bảo tồn được một phần chức năng thờ cúng trong gia đình. Các hoạt động sản xuất thủ công truyền thống như dệt, đan lát, rèn… ngày càng xuất hiện hiếm dần trong các gia đình người Pà Thẻn.
Kết quả điều tra khảo sát của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2023 ở điểm bản cộng đồng dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang cho thấy, các hoạt động sinh hoạt nghi lễ truyền thống có xu hướng giảm dần hoặc bị biến đổi không còn tuân thủ theo đúng bài bản truyền thống. Lực lượng thầy cúng và những người am hiểu về phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian ngày càng ít dần, đa số đều ở độ tuổi đã cao, sức yếu. Trong khi đó, những người trẻ tuổi trong cộng đồng ngày càng ít quan tâm tìm hiểu, học hỏi, nâng cao kỹ năng thực hành văn hóa truyền thống. Tỷ lệ người dân, nhất là những người trẻ có khả năng tự thêu thùa hoa văn, cắt, khâu trang phục truyền thống, đan lát các dụng cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt gia đình thấp hơn đáng kể so với thời điểm cách đây 20-30 năm. Có rất ít người Pà Thẻn hiện nay còn thực hành được các nhạc cụ truyền thống cũng như am hiểu về tri thức y dược dân gian.
Vấn đề trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn càng trở nên khó khăn hơn, khi mà người Pà Thẻn không có chữ viết, phải thực hiện lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu; đa số những người trẻ tuổi Pà Thẻn hiện nay có xu hướng chọn ly hương, tìm đến các trung tâm công nghiệp, thành phố lớn để tìm việc làm và sinh sống. Điều này đang tạo ra cho cộng đồng dân tộc Pà Thẻn nguy cơ bị hẫng hụt thế hệ kế thừa và ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc trao truyền di sản văn hóa truyền thống mà thế hệ tổ tiên, ông bà, bố mẹ đã sáng tạo, lưu giữ hôm nay để lại cho thế hệ mai sau...
Bối cảnh thực tiễn trên đây đã đặt ra yêu cầu đối với chính quyền địa phương, cộng đồng dân tộc Pà Thẻn và các bên có trách nhiệm phải có những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các loại hình văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn; giúp cộng đồng duy trì và phát huy được các nguồn lực văn hoá, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào được bền vững; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và quá trình biến đổi kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa và đô thị hoá.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Để góp phần thực hiện tốt công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, cung cấp cơ sở nhận thức khoa học và thực tiễn phục vụ triển khai nhiệm vụ dự án 06, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ VHTTDL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang; Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống đương đại".
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được tất cả 28 tham luận của các tác giả nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện nhân dân, bà con dân tộc Pà Thẻn, thuộc các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và địa phương.
Các bài tham luận và ý kiến gửi đến Hội thảo đã tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là: Nghiên cứu nhận diện giá trị kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; làm rõ một số vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung.
Cung cấp những kinh nghiệm, mô hình thành công về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn và một số cộng đồng dân tộc.
Nghiên cứu đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống của một số cộng đồng dân tộc Pà Thẻn, chỉ rõ các nguyên nhân, xu hướng biến đổi văn hóa truyền thống của tộc người.
Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; đặc biệt là ấn đề bảo vệ và phát huy bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch.
Ban tổ chức mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức đoàn thể, cộng đồng nhân dân cùng trao đổi, chia sẻ những bài học hay, kinh nghiệm quý, những ý tưởng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, các bài tham luận và ý kiến đóng góp của các tác giả đã giúp nhận diện và làm rõ những giá trị nổi bật của kho tàng di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung, cung cấp những luận cứ có sức thuyết phục để người đọc thấy được những giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội, nghệ thuật của các di sản kiến trúc nhà ở truyền thống; trang phục phụ nữ truyền thống; nghề dệt thủ công truyền thống; các tập quán xã hội nghi lễ, lễ hội truyền thống (như các nghi lễ nông nghiệp, lễ cấp sắc, lễ cưới …), tri thức dân gian của dân tộc Pà Thẻn. Từ đó, chúng ta có thể hiểu được những đặc trưng văn hóa sinh hoạt, sản xuất, quan hệ xã hội, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, thế giới quan và nhân sinh quan của tộc người.
Nhiều tác giả đã nghiên cứu phân tích, đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn; chỉ ra những yếu tố tác động và xu hướng biến đổi văn hóa truyền thống của tộc người.
Một số tác giả đã giới thiệu những bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình thành công ở các trường hợp nghiên cứu trong nước và quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tộc người.
Các tham luận tại Hội thảo đều đã đóng góp và gợi mở những giải pháp tốt để các bên có liên quan tham khảo, vận dụng thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn đang được triển khai hiện nay. Có một số tác giả đã đưa ra ý tưởng và đề xuất kiến nghị đối với chính quyền địa phương, cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang nhằm giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của tộc người với phát triển du lịch, giữa hoạt động bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống với hoạt động thiết chế văn hoá, giáo dục cơ sở… từ đó, phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên nhân văn và nguồn lực di sản văn hóa của dân tộc Pà Thẻn phục vụ phát triển kinh tế -xã hội bền vững.
"Trong quá trình triển khai nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ nghiên cứu sau này, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các quý vị đại biểu và các cơ quan tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giúp chúng tôi có thêm niềm tin, ý chí và quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc"- PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ./.