Kiên Giang: Văn nghệ sĩ tỉnh phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hoá, tư tưởng

18/10/2023 09:53

Theo dõi trên

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, văn nghệ sĩ Kiên Giang không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, sáng tạo những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

6-kien-giang-1697596663.jpg
Văn nghệ sĩ tỉnh đi thực tế sáng tác tại huyện Gò Qiao

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, cho biết: Hội văn học nghệ thuật tỉnh có trên 300 văn nghệ sĩ, trong đó có trên 100 văn nghệ sĩ là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, sinh hoạt trong 08 phân hội. Để thực hiện có hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, trong những năm qua, Hội văn học tỉnh Kiên Giang đã chú trọng triển khai các Nghị quyết, chủ trương của Trung ương, của tỉnh bằng nhiều hình thức, như sinh hoạt lệ, email, Facebook, Zalo, tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật, đi thực tế,… cho văn nghệ sĩ thuộc 08 chuyên ngành: Văn học, sân khấu, âm nhạc, múa, mĩ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian,… để thống nhất tư tưởng, đoàn kết nhất trí, cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy tinh thần xung kích của người nghệ sĩ - chiến sĩ tiền phong đi đầu trên mặt trận tư tưởng văn hoá, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghệ 4.0 và chuyển đổi số đã đem lại nhiều lợi ích cho văn nghệ sĩ tỉnh trong việc tiếp cận, truyền tải thông tin được đa chiều, nhưng cũng đứng trước những thách thức không nhỏ trước nhiều thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch khi chúng vẫn không thay đổi âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” với nhiều hình thức mới, thủ đoạn mới phù hợp với mục tiêu của chúng trên không gian mạng, như: Facebook, Zalo, Youtube, tiktok,… nhằm xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ với những quan điểm sai trái, thù địch cổ xúy cho lối sống thực dụng, buông thả, chuộng vật chất, xem thường đạo đức, kỷ cương, pháp luật, và một trong những đối tượng chúng nhắm vào đó là đội ngũ văn nghệ sĩ, đây là những người có tri thức, giàu cảm xúc, yêu chuông cái đẹp, chân lý và công lý, nhưng cũng cả tin, dễ mềm lòng, dễ bị lung lạc trước âm mưu thâm độc, ru ngủ của kẻ thù, bằng cách ngày đêm rỉ rả theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nếu thiếu bản lĩnh, không tỉnh táo, dễ dàng bị lung lạc trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, trước những thông tin xấu độc, chống phá, nhập nhòe giữa đúng và sai,... rồi từ đó nghe theo, nói theo, viết theo, làm theo,... chống phá công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta.

Văn nghệ sĩ tỉnh Kiên Giang xác định rõ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, là nền móng vững chãi nhất cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Không giữ vững nền tảng tư tưởng, lý luận thì không thể có phương hướng chính trị đúng đắn, không thể vạch rõ đường lối, phương pháp, chiến lược và sách lược cách mạng. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên và cao cả của mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ, là vấn đề tiên quyết góp phần giữ vững bản chất của một đảng cách mạng chân chính, liên quan trực tiếp, quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, bởi, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng về phát triển văn hóa “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (¹) và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhắn nhủ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (²).

Nhạc sĩ Dương Minh Đức, Tổng biên tập Tạp chí Chiêu Anh Các, cho biết, Tạp chí Chiêu Anh đã tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của tạp chí và tôn vinh những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trở thành kênh thông tin thân thiết của Văn nghệ sĩ và độc giả tỉnh Kiên Giang; phát hiện, khẳng định và nhân rộng ra toàn xã hội những cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vào tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; tích cực đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Năm 2021, Hội văn học tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hàng chục cuộc thi, như: Cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống có 36 tác giả, 981 tác phẩm; Cuộc thi sáng tác văn học có 28 tác giả, 64 tác phẩm; Cuộc thi ca khúc có 16 tác giả, 29 tác phẩm; Cuộc thi bài ca vọng cổ có 18 tác giả, 41 tác phẩm; Cuộc thi sáng tác tác phẩm mĩ thuật có 7 tác giả, 23 tác phẩm; Liên hoan tác phẩm múa có 6 tác giả, 08 tác phẩm. Năm 2022, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh nhận được 90 tác phẩm nhiếp ảnh, 90 tác phẩm văn học, 29 tác phẩm ca khúc, 35 tác phẩm bài ca vọng cổ,… Đặc biệt Hội đã phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tuyên truyền phòng chống dịch Covid -19 với sự tham gia của 52 tác phẩm, ca cổ 27 tác phẩm, 17 ca khúc và 08 tranh cổ động. Văn nghệ sĩ tỉnh cũng đã tham gia cuộc thi thiết kế tranh cổ động phòng, chống dịch Covid -19 do Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức, Cuộc thi thơ “Vĩnh Thuận - Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid -19” do Ban tuyên giáo huyện Vĩnh Thuận tổ chức.

3-kien-giang-1697596811.jpg
Văn nghệ sĩ tỉnh đạt giải Cuộc thi do Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức

Với tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ tiền phong đi đầu trên mặt trận tư tưởng văn hoá bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, nhiều văn nghệ sĩ với lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm có giá trị đăng trên các báo, tạp chí ngoài tỉnh và trên Tạp chí Chiêu Anh Các, như: Những bông hoa trên tuyến đầu chống dịch, tác giả Uông Văn Kỳ; Viết cho em từ vùng cách ly Covid -19, tác giả Quốc Nam; Hết dịch mời anh về thăm Kiên Giang, tác giả Thu Thuỷ; Mặt trận không khói súng, tác giả Đặng Quốc Hoàng; Thực hiện 5K, cùng nhau chống dịch, tác giả Nguyễn Thành Ý; “Son sắt niềm tin với Đảng” tác giả Trương Thanh Nhã; “Ơn Đảng” tác giả Quang Hào; “Kiên Giang làm theo di chúc Bác” tác giả Nguyễn Thanh Điền; “Theo chân Bác mãi - Bác Hồ” tác giả Phan Thành Minh.

Nhiều văn nghệ sĩ đã chứng tỏ tài năng, khát vọng của mình trong tác phẩm, như: Bích Trâm với Huy chương Bạc Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải Lương Trần Hữu Trang năm 2022; Hứa Sơn Hà giành giải Đặc biệt tại Cuộc thi sáng tác ca khúc kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh An Giang; Nguyễn Chí Ngoan với giải Nhất Cuộc thi Nghĩa tình miền Tây với tác phẩm “Đình ông Nguyễn” do báo Thanh Niên tổ chức năm 2022; Trần Ngọc Hoà với tác phẩm đạt giải Nhất ca cổ Cuộc thi về chủ đề Học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do tỉnh An Giang tổ chức năm 2022; tác phẩm “Mùa gặt” đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác văn học tỉnh Kiên Giang của tác giả Vũ Tuyết Liễu; tác phẩm “Ký sinh trùng” của tác giả Trương Anh Sáng, đạt giải Ba cuộc thi sáng tác văn học tỉnh Kiên Giang; Tác phẩm “Phượng” của tác giả Trương Anh Sáng, đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025, tác giả Trương Minh Điền đạt giải Nhất Cuộc thi ảnh truyền thống cấp tỉnh và đạt giải Nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Trà Vinh với tác phẩm “Xi măng Hà Tiên - Thách thức thời gian”,…

Cảm nhận về nghề, nhà giáo, nhà thơ Lê Quang Hào, phân hội văn học cho biết, trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước nói chung cũng như tỉnh Kiên Giang nói riêng, đội ngũ cá nhà văn, nhà thơ đã phản ảnh kịp thời những thành tựu, những điển hình tiên tiến của tỉnh nhà nhằm động viên và khơi dậy những tiềm năng phát triển của tỉnh. Đặc biệt trong những lần đi thực tế sáng tác tại những di tích lịch sử, khu căn cứ cách mạng hay về những vùng nông thôn mơi, những điển hình phát triển kinh tế và bằng những bài văn, bài thơ chân chất nhưng đã lột tả phần nào sức sống vươn lên của người dân miệt thứ U Minh vốn ngày ngày xưa là vùng đất “phèn chua, nước mặn; bom cày, đạn xới”. Trong số các nhà văn, nhà thơ của tỉnh ta không thể không nhắc đến những đóng góp không nhỏ của các “kỹ sư tâm hồn” như Quang Hào, Trương Anh Sáng, Vũ Tuyết Liễu, Nguyễn Chí Ngoan, Đặng Quốc Hoàng...v.v.. Mặc dù họ là những cây bút không chuyên nhưng cũng đã gặt hái được không ít thành công trên văn đàn. Thật trân trọng.

1-kien-giang-1697596923.jpg
Nhà giáo, nhà thơ Lê Quang Hào nhận giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang năm 2022

Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thiện Cẩn đã nhận định những tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Để sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật góp phần quan trọng trong xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và phát triển toàn diện của con người, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, văn nghệ sĩ đã nắm được những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nhằm phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự dân tộc và thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về văn hoá, như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ chính trị khoá XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành TW Đảng khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Văn nghệ sĩ - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật luôn tỉnh táo, biết phân biệt đúng, sai, chống lại các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hăng say lao động nghệ thuật có những tác phẩm xứng tầm thời đại, tôn vinh con người và cái đẹp trong cuộc sống. Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của Văn nghệ sĩ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Đảng - Đoàn Hội văn nghệ trong định hướng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật; quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên các chuyên ngành thâm nhập thực tế sáng tác, sinh hoạt chuyên môn, dự trại sáng tác, tập huấn, giao lưu gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên trong và ngoài tỉnh để nâng cao tay nghề đã được thể hiện rõ nét ở chất lượng của mỗi tác phẩm trên Tạp chí Chiêu Anh Các ngày càng được nâng lên, số lượng tác giả đạt giải cao trong các cuộc thi trong và ngoài tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng đã khẳng định thương hiệu cá nhân văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật và đó cũng là minh chứng cho thấy văn nghệ sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định đường lối xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhà nước đã lựa chọn, không bị lung lạc, sa ngã trước những cám dỗ của kẻ thù, không tin vào những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nỗ lực hết mình sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao,…

Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh, thông tin, trong thời gian tới, văn nghệ sĩ tỉnh Kiên Giang không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Xác định động cơ, mục đích sáng tác, sáng tạo nghệ thuật một cách đúng đắn. Rèn luyện bút sắc, lòng trong sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị. Nêu cao tinh thần đoàn kết vì một nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Đồng thời rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; giữ gìn đạo đức, lối sống, tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi trong công tác và trong cuộc sống; phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận văn nghệ sĩ. Tăng cường tính Đảng trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động của văn nghệ sĩ tỉnh Kiên Giang trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, xấu độc của các thế lực thù địch. Nắm bắt kịp thời tư tưởng, tình cảm, dư luận của quần chúng nhân dân để định hướng kịp thời, chính xác, tăng khả năng miễn dịch trước các âm mưu xấu, độc của kẻ thù.

Cùng với đó đa dạng các hình thức tuyên truyền,… sáng tạo các tác phẩm có giá trị với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để định hướng tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; cảnh giác, tỉnh táo, nhận diện chính xác các thông tin, tránh để các thế lực thù địch, lôi kéo. Phải vạch rõ những âm mưu, chiêu trò, thủ đoạn thâm độc của kẻ địch nhằm gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, nhà nước và bác bỏ mạnh mẽ những thông tin, quan điểm trai trái, không đúng sự thật của kẻ thù. Phát huy “Nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ” đoàn kết, giúp đỡ, đóng góp ý kiến, phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới nhằm lan toả các tác phẩm đến với công chúng trong và ngoài nước để mọi người nắm bắt kịp thời những Chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, hiểu rõ, hiểu sâu các quan điểm của Đảng để phản bác lại các quan điểm thù địch đáp ứng kịp thời những điểm nhấn trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh và Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân”.

Tài liệu tham khảo

(¹): Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 11 năm 1946.

(²): Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ, đăng trên Báo Cứu Quốc, số 1986, ngày 5/1/1952.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Văn nghệ sĩ tỉnh phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hoá, tư tưởng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.