Kiên Giang: Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực trong dòng chảy du lịch văn hoá tâm linh

15/10/2023 08:37

Theo dõi trên

Ngày 02/02/2023, Bộ văn hoá thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó sẽ là cú hích để ngành du lịch Kiên Giang phát triển mạnh mẽ du lịch văn hoá tâm linh.

9-kien-giang-1697209446-1697333816.jpg
Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực, món ăn tinh thần không thể thiếu, nét đẹp văn hoá đặc sắc của người dân miền sông nước miền Tây Nam Bộ

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết, du lịch tâm linh khám phá văn hóa, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người, bởi du lịch văn hoá tâm linh đem lại cho du khách những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đất nước nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng để mọi người hiểu sâu hơn về truyền thống của dân tộc, tinh thần yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ tiền nhân và mở ra cơ hội phát triển sản phẩm du lịch đa dạng nhằm “kích cầu” ngành du lịch phát triển.

Kiên Giang có khoảng 160 di tích lịch sử, văn hóa, di tích danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử và danh thắng. Mỗi di tích gắn nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, là tiềm năng lớn để ngành du lịch Kiên Giang phát triển du lịch tâm linh, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch,....

Trong dòng chảy của du lịch văn hoá tâm linh ấy, trải qua hơn 150 năm, Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực đã trở thành điểm đến hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tinh thần của du khách trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đến tham quan, du lịch. Đó là một hoạt động văn hoá mang đậm tính tâm linh dân gian, tính thuần phong mỹ tục của địa phương có tác động rất lớn đến đời sống văn hoá, tinh thần của người dân Kiên Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) là liệt sĩ cận đại, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Ông xuất thân trong một gia đình chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ. Năm 1861, hưởng ứng hịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An.

Ông lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Chiến công lừng lẫy nhất của ông đó là đốt cháy con tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10-12-1861 tại vàm Nhật Tảo. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861, ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23-6-1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chông. Ngày 16-6-1868, ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thành phố Rạch Giá) tiêu diệt địch và làm chủ tình hình. Hai trận đánh vang dội của ông đã làm cho bọn thực dân Pháp “hồn siêu phách lạc”. Sau khi giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ kháng chiến lâu dài.

Với câu nói bất hủ của mình “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”, được lưu truyền cho đến ngày hôm nay và là tấm gương sáng về tinh thân yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Ông bị giặc Pháp hành hình vào ngày 27-10-1868, hưởng dương 31 tuổi.

Để tỏ lòng biết ơn đối với anh hùng dân tộc, nhân dân đã lập nhiều đền thờ về vị anh hùng hào kiệt này tại một số địa phương như Long An, Gành Dầu - Phú Quốc và Rạch Giá. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lễ hội anh hùng Nguyễn Trung Trực được tổ chức hàng năm vào ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn, thành kính, tôn vinh chiến công của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, ngày 22/3/1998. Ngày 02/02/2023, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá được Bộ văn hoá thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua quá trình tổ chức nhiều năm, hiện nay, lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực được tiến hành với các nghi thức cổ truyền như: thượng Đại kỳ, dâng hương, tế đàn cả, lễ nghinh sắc, lễ hậu phối… tại đình Nguyễn Trung Trực, hoạt động dâng hương, tưởng niệm tại Công viên Tượng đài Nguyễn Trung Trực của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kiên Giang. Lễ hội có sức lan tỏa ngày càng lớn thu hút cả triệu lượt khách từ khắp các vùng miền trong cả nước đến tham gia.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, thông tin, với một lễ hội lớn mang tầm quốc gia và có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó có phát triển du lịch văn hoá tâm linh trong hiện tại và tương lai, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đã triển khai đề án “Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2015, định hướng đến 2030.

Theo đó, phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra sinh kế mới cho người dân thông qua hoạt động kinh doanh du lịch mà không làm mất đi các sinh kế hiện có, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân dựa vào những nguồn lực vốn có của cộng đồng, là biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đảm bảo phúc lợi xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, trong đó có Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực; hợp tác, liên kết giữa các điểm du lịch ở địa phương với các địa bàn du lịch khác để hình thành hệ thống các tuyến điểm du lịch, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương và của quốc gia với bạn bè trên toàn thế giới.

Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực không chỉ thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần giúp giải thoát đời sống tâm hồn của con người, củng cố niềm tin về những giá trị chân, thiện, mỹ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục văn hóa, ý thức của người dân địa phương cũng như du khách trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch văn hoá tâm linh, hiểu rõ hơn về truyền thống quý báu của dân tộc, về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và ý chí quật cường của thế hệ cha ông, nhắc nhở thế hệ sau khôi phục các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và thấy tự hào hơn về quê hương, đất nước.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực trong dòng chảy du lịch văn hoá tâm linh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.