Kịch bản kịch hát cần như một bài thơ lớn

10/03/2016 15:03

Theo dõi trên

Đội ngũ các tác giả viết cho sân khấu kịch hát ngày một hiếm hoi và một trong những giải pháp tình thế là cần tới những tác giả chuyển thể từ những kịch bản kịch nói sang kịch hát.


Nhưng khá nhiều bản diễn hiện nay bị giới chuyên môn đánh giá là “kịch cắm ca” do tác giả chuyển thể chỉ thêm bài hát cho kịch bản. Vì vậy, sau khi Lê Thế Song chuyển thể 2 kịch bản chèo và 1 kịch bản cải lương tương đối thành công, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về công tác chuyển thể này.

- Dấn thân vào nghiệp viết khi tuổi đời không còn trẻ, lại đi theo cái nghiệp hết sức khó khăn là viết cho kịch hát, phải chăng anh không sợ rơi vào “vết xe đổ” và cũng có những thôi thúc tự thân?

- Tôi có sự đam mê từ bé khi lớn lên cùng những làn điệu chèo. Khi trưởng thành, lại làm ở ngành truyền thông, vẫn luôn tiếp xúc với các nghệ sĩ, tình yêu ấy lớn mãi, nên vẫn cứ mong muốn được tham gia vào sân khấu bằng cách này hay cách khác. Tới năm 2011, cả hai vợ chồng tôi quyết tâm đầu tư thời gian, may mắn thi đỗ vào lớp biên kịch kịch hát của trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh. Những ấp ủ và hiểu biết về nghề khuyến khích để tôi thử sức trong công việc đầu tiên của người làm biên kịch kịch hát là chuyển thể từ kịch bản kịch nói sang chèo, sang cải lương. Rất mừng là đã được các đơn vị như Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Cải lương Hà Nội chấp nhận sự chuyển thể của mình để dàn dựng, đưa lên sàn diễn.
 
- Công tác chuyển thể từ kịch bản kịch nói sang kịch hát dễ bị rơi vào tình trạng bị đánh giá là kịch cắm ca. Anh có luôn ghi nhớ điều này khi thực hiện việc chuyển thể?
 
- Hiện nay đúng là có nhiều kịch bản văn học khi chuyển thể sang các loại hình kịch hát đã bị đánh giá là kịch cắm ca. Tôi tiếp thu kiến thức từ những người thầy nghề từng viết thẳng kịch bản cho chèo như thầy Trần Đình Ngôn hay thầy Trần Trí Trắc… rồi chắt lọc từ việc đi xem rất nhiều những tác phẩm của các đơn vị biểu diễn. Rồi tôi đọc, xem những tác phẩm kinh điển, đặc biệt là học từ những kịch bản của bố vợ là tác gia Hoàng Luyện, người có nhiều kịch bản cải lương đi vào tâm thức khán giả… Tất cả những kiến thức thu nhận được giúp tôi nhận thức rõ, kịch bản kịch nói khác gì so với kịch bản kịch hát. Ví dụ trong kịch bản chèo, văn chương chủ yếu là văn biền ngẫu, luôn phải có những lời nói lối trước khi bắt vào làn điệu ca. Tôi gần như thuộc lòng những kịch bản chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ… để thấy rằng, muốn viết được những kịch bản mang đậm bản chất vốn có của chèo, phải học theo lối viết của các vở cổ. Chèo độc đáo nhất là ước lệ và tư duy thơ, cả vở phải như một bài thơ lớn… thì mới ra chất Chèo được. Làn điệu phải là tả ý, tả thần chứ không thể vào hát từ câu thoại sinh hoạt bình thường. Viết kịch hát phải nắm được đặc trưng của loại hình, nếu không thì sẽ bị rơi vào tình trạng kịch ca…
 
- Các kịch bản văn học của kịch nói thường được viết theo lối kịch tính, hấp dẫn bởi sự căng thẳng, tính xung đột… trong khi các kịch bản kịch hát phải được viết theo lối tự sự. Vậy khi chuyển thể, anh có phải thay đổi cấu trúc kịch bản?
 
- Trong 2 kịch bản chèo và một kịch bản cải lương đã chuyển thể thì tôi gần như phải dỡ kịch bản ra để cấu trúc lại. Ví dụ như với vở Chèo Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật của tác giả Giới Hạnh thì tôi chỉ lấy cái tứ, cốt truyện của chị ấy thôi. Hay như tác phẩm gần đây nhất là vở Huyền tích một loài hoa, tôi cũng phải lựa chọn và viết thêm khá nhiều. Đơn cử như cảnh phù thủy Lưu ly biến thành con đom đóm hoặc những cảnh để thử phẩm chất cao đẹp của Nàng Sim… Rồi vở Cải lương Dâu bể một kiếp tằm của Tiến sĩ Cát Điền thì tôi cũng gần như viết lại một kịch bản khác dựa trên cốt truyện của anh ấy…
 
 
- Quá trình chuyển thể, anh đã phải tìm để hiểu về những khác biệt trong kết cấu kịch bản giữa kịch nói và kịch hát?
 
- Kịch nói thường đề cao tính xung đột và là xung đột giữa con người với con người còn ở kịch hát của chúng ta thường là xung đột giữa con người với hoàn cảnh và xung đột nội tâm. Mình phải nắm được cốt cách, bản chất của kịch hát và xây dựng được hình tượng nhân vật chính cộng với sự kiện và thái độ của tác giả đối với nhân vật. Với chèo thường là thái độ phê phán mà đặc biệt, các cụ đã dùng sự hài hước để thể hiện thái độ này. Vì vậy, nếu viết chèo mà thiếu yếu tố trào lộng thì thường sẽ cảm thấy chất chèo yếu… Cải lương có phần dễ chuyển tải hơn, có thể đưa rất nhiều yếu tố hiện đại vào thậm chí như chúng ta thấy, có vở cải lương hiện đại còn đưa cả rock, rap vào vẫn rất ngọt… Riêng với tôi, nếu kịch bản Cải lương có thêm những yếu tố bi thì dễ đúng chất cải lương hơn.
 
- Qua những vở diễn do anh chuyển thể có thể thấy, anh nắm khá rõ làn điệu chèo, cải lương… Bí quyết làm sao để có thể viết những lời văn giàu tính nhạc điệu, dễ dẫn lối để vào ca?
 
- Một trong những nguyên tắc của kịch bản kịch hát là phải viết văn biền ngẫu, thấm đẫm tư duy thơ, tư duy ước lệ và tư duy huyền thoại… Tôi thuộc rất nhiều làn điệu, cũng may mắn là trên mạng hiện nay rất dễ kiếm tìm để nghe, học hỏi. Viết tốt thì phải nghe, thuộc rồi viết thử với những làn điệu như Quân tử vu dịch, Đào liễu, hay Luyện năm cung… Nhưng những làn điệu mới như hát xuôi hát ngược, ải ải mần chi, hay những làn điệu hát sắp như sắp cá rô, điệu hề cu Sứt… chẳng hạn thì tôi phải tìm tới những bậc thầy để được học tập, được kiểm tra lại. Cải lương thì các bài bản cũng đòi hỏi sự hiểu biết thật cụ thể, thật chân xác mà tôi chỉ có thể tự bồi bổ bằng cách nghe, rồi hỏi các thầy cô cả về lý thuyết cũng như trong thực hành ở các nghệ sĩ giỏi như với chèo là các thầy Trần Đình Ngôn, cô Thanh Ngoan, cô Minh Thu… hay với cải lương là những nghệ sĩ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm. Tôi luôn có sẵn tinh thần học hỏi, học ngay ở các nghệ sĩ, các bạn cùng lớp vốn là diễn viên như anh Bùi Anh Tuấn… 
 
- Khó khăn trong công tác biên kịch cho kịch hát hiện nay, theo anh mấu chốt là gì?
 
`- Phải nói là cũng có nhiều tác giả tâm huyết muốn viết kịch bản. Nhưng rõ ràng “đầu ra” cho các kịch bản kịch hát là khó khăn hơn kịch nói nhiều vì số lượng các đơn vị Chèo, Cải lương, Tuồng của chúng ta đang ngày một ít đi. Khán giả thì vẫn ở tình trạng khủng hoảng, dù kịch hát của chúng ta rất độc đáo, rất nhiều điều có thể truyền tải tới người xem. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nhằm chiếm ưu thế số lượng công chúng thì kịch hát đang gặp khó khăn lớn nhất. Điều này là trăn trở của tất cả các biên kịch hiện nay. Nếu được kích thích từ sự ủng hộ của công chúng, được sự ưu ái hơn từ phía các đơn vị thì hẳn là sẽ có nhiều thêm những nhà biên kịch cho kịch hát vì tôi biết, hiện có nhiều người viết được như các bạn học cùng lớp biên kịch với tôi như Bùi Anh Tuấn, Bùi Thanh Vân… nhưng điều kiện và cơ duyên chưa tới… 
 
- Còn rất hiếm hoi những tác giả có thể viết thẳng cho các kịch chủng kịch hát như Chèo, Tuồng, Cải lương… Tại sao anh chưa tự sáng tác để có thể hoàn toàn làm chủ câu chuyện riêng của mình?
 
- Những kịch bản tôi đã chuyển thể này thường là do các Nhà hát đã lựa chọn và rất yêu rồi. Thêm nữa, tôi cũng cảm thấy chưa thật tự tin khi bắt tay vào viết. Chỉ sau khi “đi” bước chuyển thể và được đón nhận tương đối tốt, tôi mới thực sự bước qua được trở ngại ngay trong bản thân để có đủ mạnh dạn viết kịch bản riêng của mình.
 
-  Cảm ơn anh và hi vọng, rất gần đây thôi, chúng tôi sẽ được xem những tác phẩm do anh viết kịch bản thẳng cho sàn diễn chèo, cải lương…
 
Cao Ngọc (Hội NSSKVN)

Bạn đang đọc bài viết "Kịch bản kịch hát cần như một bài thơ lớn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.