Từ khi mới thành lập, làng có tên gọi Bửu Sơn. Cái tên Mỹ Sơn quen thuộc được vua Gia Long sắc phong năm 1803. Chuyện kể rằng từ thời xa xưa tại làng Mỹ Sơn, bên cạnh Đình làng có một vùng đất, được gọi là Đất Cấm (nơi giữ lại nhiều cây nguyên sinh của vùng đất đó và đồng thời là nơi trồng thử nghiệm những giống cây của vùng khác xem có phù hợp thổ nhưỡng không, nếu hợp sẽ cho người trong làng trồng đại trà), cứ mồng một đến ngày mồng mười tháng 2 hằng năm, vào khoảng giữa giờ hợi đến hết giờ tý (22 giờ đến 1 giờ sáng) là người dân lại thấy có một vạch trắng sáng dài như dải lụa bay từ núi Hòn Tàu (Hòn Đến) thẳng ra chỗ miếu Bà rồi hạ xuống. Lèm theo đó là một tiếng nổ lớn, dù trời không hề có mây đen, sấm chớp.
Cũng tại chỗ miếu Bà được xây dựng ngày nay, chừng thế kỉ trước có một cây đa rất to và nhiều loại cây cối cổ thụ rậm rạp khác. Một ngày nọ có người đàn bà mù đi qua nghỉ trưa tại cây đa. Chẳng hiểu tại sao vừa ngồi xuống nghỉ, bà bỗng lên đồng và tự xưng mình là Bô bô Phu nhân, rồi kể lại chuyện mình trước đây là một nữ tướng dưới triều Nguyễn hi sinh trong một trận chiến ác liệt, hồn vía về đây trú ngụ dưới gốc đa đã lâu. Và bà mù phán rằng nếu người dân muốn được bà phù hộ, bảo vệ thì phải xây dựng miếu để thờ cúng bà đoàng hoàng, chu đáo.
Từ đó người dân phái Thượng (nay thuộc một phần các thôn Chánh Sơn, Bàn Sơn) làng Mỹ Sơn cho lập nên miếu Bà để thờ cúng bà Bô bô Phu nhân ngay bên cạnh cây đa nọ. Những năm sau đó miếu thường xuyên được tu bổ, thờ cúng cẩn thận. Người dân luôn mong muốn, tin tưởng vào sự bảo vệ của Bô bô Phu nhân, để người dân khỏi bệnh tật, đau ốm, đồng thời được mùa màng bội thu. Cũng từ đó, hằng năm phái Thượng tổ chức cúng tế và lễ hội miếu Bà rất hoành tráng vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Thời kì đầu phái Thượng chỉ có 5 tộc là Nguyễn Đăng, Nguyễn Đốc, Nguyễn Văn, Trần Văn, Phan và Đinh với tổng cộng 24 hộ. Dần dần nhận thấy vùng đất có sự bảo vệ và phù hộ của Bô bô Phu nhân ngày càng trở nên tươi tốt, người dân làm ăn no đủ, cuộc sống yên bình nên có nhiều tộc họ khác chuyển đến sinh sống làm ăn. Các tộc ngày càng sinh sôi, phát triển đến đông đúc như ngày nay. Năm 1926, miếu Bà và Đình làng được người dân làm rất hoành tráng ở ngay cạnh nhau. Miếu và đình đều có hình vuông bốn mái cân nhau, móng xây bằng đá, tường xây gạch Chàm, các trụ, kèo được trạm trổ công phu theo tứ linh, mái lợp ngói âm dương. Ở giữa sân miếu có bốn cây mít lớn, chu vi mỗi cây hai người lớn ôm không suể.
Gốc đa hiện vẫn thường xuyên thờ cúng Bạch hổ Sơn quân.
Tuy vậy đến năm 1967, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ ác liệt, miếu Bà và Đình làng bị trúng bom Mĩ sụp đổ, hư hỏng một phần. Tới năm 2009 mới đây, ban đại diện các tộc họ và nhân dân trong phái đã làm đơn đề nghị chính quyền xã cho phép xây dựng lại Miếu bà và Đình làng để thờ tự, cúng giỗ.
Ông Bạch hổ Sơn quân oai dũng
Theo lời kể, nơi có gốc đa cổ thụ hiện thờ cúng ông Bạch hổ Sơn quân oai linh một thời, chuyện về ông Bạch hổ Sơn quân xuất hiện đầu thế kỉ 19. Thời đấy cả vùng Duy Phú bây giờ còn hoang vu, cây cối cổ thụ có rất nhiều. Một năm nọ cả làng xôn xao vì chuyện có một ông cọp rất lớn toàn thân trắng bạch về làng quấy phá. Đầu tiên ông cọp bắt và cắn chết vợ một người đàn ông tên Tơ, sau đó ông cọp bắt rất nhiều trâu, bò, lợn, gà của người trong làng.
Nơi trong làng mà ông cọp trắng hay lui tới nhất là chỗ miếu Thổ, bên cạnh có một cây đa rất lớn. Điều đặc biệt mà người dân trong làng bây giờ vẫn hay nhắc lại là cây đa tuy rất lớn nhưng đầu tiên lại mọc từ mái miếu. Nhiều câu chuyện được truyền tụng cho rằng có một con chim kì lạ, khá lớn bay tới nhả hạt đa lên mái miếu. Miếu thổ khi ấy tương đối nhỏ, thấp. Dần dà khi cây đa đã phát triển lớn, rễ cây đâm thủng mái miếu mọc xuống đất. Cộng với sự tàn phá của thời gian, chiến tranh, ngôi miếu Thổ giờ đây đã không còn nữa.
Tương truyền gốc đa này lúc đầu mọc trên mái miếu, sau đó mới dần dần bén rễ mọc xuống dưới đất.
Vì sợ ông cọp trắng làm hại người dân, nên mọi người đã mời một ông thầy cao tay về cúng ngay chỗ miếu Thổ để trấn yểm. Ông cọp trắng được phong cho danh hiệu thể hiện sự kính trọng của người dân: Bạch hổ Sơn quân. Từ đó mỗi năm người trong làng đều tổ chức cúng ông cọp trắng, đặc biệt trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có một cái đầu heo sống. “Cứ năm nào ông cọp trắng về lấy đi cái đầu heo thì trong cả năm ông không quấy phá gì nữa, người dân đi vào rừng vào núi săn bắt được nhiều mà không sợ bị các loài thú ăn thịt ám hại. Còn năm nào ông cọp trắng không lấy đi cái đầu heo, không lấy chân chấm vào chén mực để lại dấu vết thì năm đó y rằng người dân bị các loài thú dữ quấy phá, gặp nhiều chuyện chẳng lành, bệnh tật” – một người dân cho biết.
Từ sau khi cầu cúng ông cọp trắng, ông cọp vẫn thường xuyên về làng, người trong làng vừa sợ vừa kính trọng ông. Đặc biệt ông cọp trắng hay về làng vào những dịp làng tổ chức lễ hội. Ông Bạch hổ Sơn quân về ngỗi chiễm chệ, vểnh râu chỗ miếu Thổ để nghe hát bội trước miếu. Nhìn ông lúc đó rất oai nghiêm, nhưng ông không làm hại người dân nên người dân không sợ bỏ chạy.
Sự linh thiêng của ông Bạch hổ Sơn quân còn được gắn liền với cây đa mọc trên mái miếu Thổ. Vì cây đa có nhiều cành có đường nét, hình dáng khá đẹp, ấn tượng, vừa vặn nên người trong làng muốn chặt về làm vật dụng gì đó. Nhưng ai muốn chặt cành nào là phải cầu cúng Bạch hổ Sơn quân cẩn thận, rồi xin phép người giữ miếu, các trưởng họ mới được chặt. Có người đàn ông nọ lúc đầu cúng xin chặt 7 cành đa, mà gian lận chặt thêm cành thứ 8, thế là cái rựa của ông ta bị văng tít xuống mương cách đó cả 300m, còn người thì ngã dúi dụi xuống đất.
Người dân đến thắp hương ở Miếu Bà
Những câu chuyện xung quanh miếu Bà, nơi cây đa ông cọp trắng có nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của những địa danh ấy trong đời sống tâm linh, văn hóa của người dân xã Duy Phú suốt nhiều năm nay. Người dân trong phái Thượng trước khi đi xa, hay đi đâu về đều tới miếu Bà thắp hương cẩn thận. Người dân nơi đây rất tự hào khi cho chúng tôi biết rằng cả phái Thượng có rất nhiều con em học vấn cao, thành đạt, đứng đầu trong xã Duy Phú. Ít nhất có 2 tiến sĩ, thạc sĩ thì “lủ khủ”, cử nhân không kể hết, người trong làng đi ra ngoài làm ăn rất thành công.