Chị Năm Nghĩa - Ảnh: Hoàng Anh Sướng
Sau chuyến viếng thăm chùa Hương như là “duyên tiền định” ấy, chị Năm Nghĩa thấy người khoẻ hẳn ra. Sắc diện hồng hào trở lại, bữa bơi mấy bát cơm ngon lành. Chị lại bắt tay vào công việc thường ngày: Sáng sớm làm đậu phụ, đi chợ bán, chiều làm đồng áng, chăn lợn, nuôi gà… Cho đến một đêm trời trở gió, rét cắt da cắt thịt. Lúc đó chừng canh ba, trời bưng bửng sáng. Chị bỗng tỉnh giấc bởi những tiếng động ngoài sân. Chị nín thở, nằm im nghe. Tiếng cười, tiếng nói. Đông lắm. Chị hất tung chăn, lồm cồm ngồi dậy, mở cửa, hé mắt nhìn. Chị ngã ngửa người. Trong ánh trăng suông lờ mờ sương khói, một đoàn lính trẻ mặc quân phục Tô Châu đứng ngồi lố nhố, nói cười rổn rảng, ba lô con cóc xếp đầy sân. Hoảng sợ, chị đóng rầm cánh cửa rồi đứng chết lặng. Mình đang tỉnh hay đang mơ đây? Chị giơ tay véo má. Thấy buốt nhói. Nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Mấy phút sau, định thần lại, chị đánh liều, mở cửa bước hẳn ra hiên nhà. Ngoài vườn cây xào xạc lá, một nhóm lính khác đang mắc võng. Có anh lính trẻ vừa nằm đong đưa võng, vừa hát. Chị nghe rõ giọng miền Trung. Chị giụi mắt lần một. Lần hai. Lần ba… Vẫn những hình ảnh ấy nhưng càng rõ nét hơn. Chị rùng mình, bừng tỉnh. Lao vào giường úp mặt xuống gối khóc oà. Bao nhiêu kỷ niệm thời con gái trong khói lửa chiến tranh chợt ùa về. Tiếng bom đạn gầm rú. Những binh trạm thương binh tạm bợ nằm ềm ệp dưới tán rừng. Tiếng kêu rên thảm thiết. Máu. Nước mắt. Rồi những người lính sốt rét ác tính chết dọc đường không kịp chôn. Có người lính chết rồi, đồng đội chuyển ra tuyến sau, bị dính đạn pháo địch một lần nữa, xương thịt nát tan tành…Tất cả lần lượt hiện về như những thước phim quay chậm, nhức buốt.
Sau đêm “tái ngộ” đầy không khí liêu trai kỳ lạ ấy, ngày nào chị Năm Nghĩa cũng nhìn thấy hình ảnh đồng đội về. Có điều, càng về sau, những hình ảnh ùa về càng đau đớn, buốt lòng hơn. Có đồng chí bị mất đầu, cổ nhoe nhoét máu, đứng trước mặt chị, tay huơ huơ: “Cứu tôi với đồng chí ơi!”. Có đồng chí hai tay nâng bụng, ruột gan lòi cả đống, giọng rên rỉ, van lơn: “Trở lại chiến trường đi đồng chí ơi! Bao nhiêu năm nay anh em chúng tôi nằm cô độc trong rừng hoang, không một nén hương tàn, rét mướt, cô lạnh lắm. Xin mau mau đưa chúng tôi ra khỏi rừng. Chúng tôi cầu xin chị đấy”. Chị chẳng biết nói gì, chỉ bưng mặt khóc nấc. Cả nhà tưởng chị bị điên, lại càng thương. Ai đó mưu tính đưa chị đi bệnh viện tâm thần chạy chữa. Không! Chị không điên. Chỉ vẫn tỉnh tớm đây mà. Nhưng chị không thể nói ra những điều hàng ngày chị đang nhìn thấy, nghe thấy. Chị cứ âm thầm chịu đựng. Đêm đêm, hướng mặt về trời Nam mà khóc.
Cho đến một đêm, như bao đêm ròng thao thức, chị chợt ngộ ra một điều vô cùng nhân ái: Mình cùng lao vào khói lửa bom đạn như các anh các chị đây nhưng mình còn may mắn hơn nhiều. Còn lành lặn trở về, lấy chồng, sinh con, dẫu đời còn nhọc nhằn, đói rách. Trong khi có biết bao nhiêu người lính trẻ, chưa một lần được yêu, vĩnh viễn gửi lại xác thân nơi rừng hoang, núi thẳm. Có phải linh hồn các anh chị linh thiêng, về đây mời gọi chị đi tìm để đưa họ về với gia đình, về với cố hương? Và rồi, từ sâu thẳm tâm hồn chị, cứ dội lên, cứ thôi thúc một nỗi niềm: phải trở về chiến trường xưa để tìm đồng đội.
Thế là, vào đúng ngày giỗ bố, chị thành tâm làm mâm cơm đạm bạc tưởng nhớ người đã khuất. Đêm xuống, chị chong đèn ngồi viết một lá thư tạ tội với mẹ già, với chồng con. Vài dòng ngắn ngủi mà viết mãi không xong. Vừa viết, chị vừa khóc. Nước mắt chị ướt nhoè lá thư. Chị đi mà không biết đến bao giờ mới có ngày trở lại. Chị dặn: “Nếu con không về thì ngày này cũng là ngày giỗ của con”. Chị bước ra ngoài đêm tối. Đứng lặng một hồi lâu, nhìn mái nhà gianh lần cuối rồi quày quả bước đi. Nước mắt như mưa. Lòng nghẹn đắng. Chiếc ba lô màu cứt ngựa, bụi phủ, trong nhét vội mấy bộ quân tư trang thời chiến cứ rung lên từng chặp, từng chặp trên đôi vai gầy guộc. Chị bước lên xe. Quay đầu nhìn lại, quê nghèo đã chìm khuất trong màn đêm tối mịt mùng.
Hai ngày sau. Vừa đặt chân xuống bến xe Miền đông Nam Bộ, chị Năm Nghĩa đã phăm phăm ra chợ. Chị mua 10 kg gạo, 5 kg mỳ tôm (loại 5.000đ/ký, hôi lắm, ít người ăn), tăng, võng, xẻng quân dụng, túi thuốc cá nhân… Hành trang chuẩn bị xong. Sáng sớm hôm sau, chị bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Rừng chiến khu Đ - cánh rừng năm xưa chị và đồng đội đã từng sống và chiến đấu. Giờ, rừng ngằn ngặt xanh, cây leo chằng chịt, lạnh lẽo không một dấu chân người. Thâm u, huyền bí. Mênh mông, ngờm ngợp. Biết tìm ở đâu? Trí nhớ, dù tốt đến đâu cũng bị thời gian xoá mờ. Huống hồ đã mấy mươi năm có lẻ, cảnh vật thay đổi quá nhiều. Chị hiểu, mình đang đứng trước một việc làm vô cùng khó khăn và một thoáng vô vọng ùa đến. Mình có khả năng nhìn thấy, nghe thấy người âm nói thật không? Các liệt sĩ có chỉ dẫn cho mình tìm?
Đang hoang mang tự hỏi, chị bỗng giật bắn người khi nghe thấy tiếng kêu cứu: “Đồng chí ơi, cứu tôi với. Tôi ôm hết nổi rồi”. Chị nhìn quanh. Rừng không một bóng người. Chỉ có tiếng lá rơi kêu xào xạc. Hay là mình nghe nhầm? “Tôi đứng đây cơ mà. Bên tay phải đồng chí ấy. Tôi mỏi tay quá. Ôm cây mấy mươi năm rồi”. Chị căng mắt nhìn. Trên một thân cây sung rừng, có một bọc ni lông quấn quanh. Chị rón rén bước tới. Nín thở gỡ hai đầu ni lông. Chị khóc oà. Một bộ xương người vàng ruộm. Phần xương trên, xương dưới dồn về hai phía. Chị nhẹ nhàng nhặt từng khúc, xếp ngay ngắn vào trong ba lô. Lại nghe tiếng người nói: “Tôi hy sinh năm 1968 cùng với 16 đồng chí nữa. Chúng tôi được đồng đội chôn vào một chỗ. Cách đây hơn chục năm, có một trận mưa rừng rất lớn. Nước lũ cuốn chúng tôi đi. May tôi ôm được gốc cây này. Còn lại 16 đồng chí nữa bị lôi tuốt xuống tít con suối kia. Đồng chí cứ lần theo con suối đó sẽ thấy’’.
Chị Năm mừng quá. Lội ào xuống suối. Lội một chặp đến bở hơi tai thì nghe tiếng nói vọng từ trong ba lô khoác trên lưng: “Để tôi dẫn đồng chí theo cửa hang này”. Chị lom khom chui vào trong hang. Chừng 3 m thì nhìn thấy hàng chục bọc ni lông dồn đống lên nhau. Nhặt lên, đếm cả thảy, tròn trịa 16 bộ xương người. Chị lại oà khóc. Kiếp người sao mong manh, nhỏ nhoi thế. Ngày từ biệt mẹ lên đường nhập ngũ, thân thể các anh cường tráng, bừng bừng sức sống tươi tốt. Giờ, sau bao nhiêu năm vùi sâu trong lòng suối lạnh, giờ chỉ còn một dúm xương tàn.
Thời gian đầu ở rừng, ngày nhiều chị lấy được 16 bộ hài cốt, ngày ít cũng tìm được một bộ. Chưa có lần nào cuốc đất, đào sâu mà chịu về tay trắng. Bởi, y như có người dưới lòng đất dội lên mách bảo chị, nhát cuốc đầu tiên bổ xuống, nhát cuốc thứ 2, thứ 3, thứ n…, hài cốt liệt sĩ hiện ra. Ngày lại ngày, hài cốt cứ nhiều dần lên. Có đêm, mưa rừng tầm tã. Mưa như trút nước. Chị vén tăng chui vào ngồi ấp ủ hài cốt các anh. Nghe tiếng suối réo ào ào ngoài kia, chị thảng thốt: Mưa cứ kéo mãi thế này thì lũ sẽ cuốn trôi hài cốt mất thôi. Chị sẽ có tội với các anh, sẽ ôm mối hận suốt đời. “Sao mình không tìm một cái hang hay một vòm đá?”. Một ý nghĩ như tia chớp chợt loé lên trong đầu. Chị chợt nhớ đến vòm đá ở trên cao cách chỗ chị đang ngồi không xa. Chị vội chui ra khỏi tăng, mặc mưa xa gió táp rát mặt, gói hài cốt đeo trên vai, gói quàng sau lưng, gói ôm khư khư trước bụng.. Chị bì bõm lội trong màn mưa đêm dày đặc, trong tiếng sét ì ùm va chớp rạch dọc ngang. Chị vừa chạy, vừa khóc, nước mắt chan lẫn nước mưa. Gần sáng, đưa hết đống hài cốt vào hang đá cũng là lúc lũ dâng lên cuồn cuộn, kéo đổ phăng cả những gốc cây rừng.
Kỳ 3: "Binh pháp"… ở rừng và những câu chuyện đường rừng ly kỳ, huyền hoặc
Hoàng Anh Sướng