Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: Chiếc đầu lâu cắm bút, con dao găm và bà mẹ già mỏi mắt chờ con (Kỳ 6)

06/08/2015 16:05

Theo dõi trên

Ban tuyên huấn tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu ngày ấy có một bộ phận đóng trong hang sâu trên núi Bể. Kẻ thù phát hiện, đã nhiều lần tấn công lên hang, kêu gọi ta đầu hàng nhưng đều thất bại. Một buổi sáng sớm năm 1965, chúng dùng máy bay thả bom hơi ngạt rồi bịt lấp cửa hang. Mười một đồng chí chết dần chết mòn trong hang núi.

 

Chiếc đầu lâu cầm bút con dao găm và bà mẹ già mỏi mắt chờ con

Trong không khí hừng hực chiến thắng của ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, quân ta tiến vào Đại sứ quán Mỹ. Tất cả sững người khi nhìn thấy một chiếc đầu lâu trên bàn làm việc của một tên sĩ quan cao cấp được cưa cắt tròn trịa, đã lên nước đen bóng, hai hốc mắt biến thành ống đựng bút và cắm một con dao găm cán bằng bạc. Anh em đoán ngay: Chủ căn phòng là một tên khát máu. Hộp sọ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường. Anh em bèn dùng lá cờ tổ quốc gói chiếc hộp sọ rồi đặt trong một chiếc bình gốm, đem chôn phần mộ trong khuôn viên Đại sứ quán, gần cổng ra vào. Sau này, khi ta chuẩn bị giao lại toà nhà cho sứ quán Mỹ, phần mộ ấy được di dời về nghĩa trang thành phố, bia mộ khắc dòng chữ: “Liệt sĩ vô danh”. Biết được câu chuyện thương tâm này, đồng chí Vy, công tác ở Bộ công an đã tìm đến chị Năm Nghĩa để nhờ tìm tên họ và gia đình. Sau khi thắp hương mời gọi vong hồn liệt sĩ, chị Năm bảo: “Gặp được ảnh nhưng đầu quay tròn, không nói gì. Vong còn đi tìm thân. Chị vui lòng đợi một thời gian nữa”.

Chưa đầy hai tháng sau, vong về, cho chị Năm Nghĩa thông tin đầy đủ: Đó là liệt sĩ Đoàn Văn Nhẹ. Tết Mậu Thân năm 1968, tiểu đội anh bí mật tấn công Trụ sở Đài phát thanh Nguỵ. Kế hoạch bị lộ. Cả tiểu đội hy sinh hết. Còn mình anh kiên cường chống trả quyết liệt. Đạn hết. Giặc bắt sống anh, lôi lên bậc thềm, kê đầu. Chặt. Thân anh, chúng băm nát. Còn đầu, chúng ngâm vào thùng hoá chất. Vài tuần sau, da thịt thối rữa, chúng đem ra đẽo gọt hết gân thớ rồi bôi dầu véc-ni cho đen bóng lên. Tên sĩ quan cao cấp dùng chiếc sọ đó làm vật trang trí trên bàn làm việc.
 
Cha anh là liệt sĩ chống Pháp. Chỉ còn mỗi mẹ già cô độc trong mái tranh nghèo ở Củ Chi. Anh thương lắm và vô cùng ân hận. Vì đêm trước hôm anh lên đường nhập ngũ, mẹ đã níu tay anh mà khóc: “Mẹ chỉ có mỗi mình con. Con có mệnh hệ gì, mẹ biết nương tựa vào ai. Ở lại đi con”. Nhưng anh vẫn kiên quyết ra đi. Anh bảo: Giá như ngày ấy, kịp lấy vợ, đẻ cho mẹ một đứa cháu nội thì đời mẹ đỡ cô quạnh lúc tuổi già.
 
Anh đã chỉ dẫn đường tỉ mỉ đến nhà mẹ. Còn dặn thêm: Đi sớm đi kẻo trời mưa. Trước cửa nhà anh có một cái ao. Giàn mướp trước sân đang trổ hoa vàng rực. Khi đến, mẹ anh đang nằm võng. Mặt quay về hướng Tây. Bà đang cầm trên tay một cuốn kinh Phật…
 
Đoàn đi tìm mẹ liệt sĩ Nhẹ hôm đó, cùng với chị Năm Nghĩa còn có các đồng chí bên Nghiệp vụ 1 – Bộ công an. Mọi cảnh vật hiện ra trước mắt đúng y trang lời chỉ dẫn của liệt sĩ Nhẹ. Má Nhẹ đã ngoài 80, lưng còng gập, mắt đục nhờ như cùi nhãn khô. Chị Năm vừa ngồi bóp chân tay cho má vừa kể lại cho má ngày con ra đi thế nào, má con bịn rịn, quyến luyến ra sao. “Nhẹ cưng của má răng cửa bị gẫy phải bịt vàng hoá ra cười lại rất tươi”. “Trời đất! Thằng Hai! Nay mới về với má thật sao, cưng?”. Má khóc nấc lên rồi ngã vào vòng tay gầy guộc của chị Năm Nghĩa.

Mười một hài cốt trong hang núi Bể


Ban tuyên huấn tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu ngày ấy có một bộ phận đóng trong hang sâu trên núi Bể. Kẻ thù phát hiện, đã nhiều lần tấn công lên hang, kêu gọi ta đầu hàng nhưng đều thất bại. Một buổi sáng sớm năm 1965, chúng dùng máy bay thả bom hơi ngạt rồi bịt lấp cửa hang. Mười một đồng chí chết dần chết mòn trong hang núi.
 
Sau ngày giải phóng, Tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu và thân nhân các liệt sĩ đã nhiều lần tổ chức lên núi Bể tìm nhưng không biết cái hang chôn người ấy nằm ở đâu. Cho đến một đêm, vong linh liệt sĩ Nguyễn Thanh Hà, anh ruột một cán bộ tỉnh về “báo mộng” cho chị Năm Nghĩa. Mấy ngày sau, chị vội vàng dẫn đoàn tìm kiếm lên núi Bể. Nhờ sự chỉ dẫn của vong linh liệt sĩ Hà, đoàn đã tìm được cửa hang. Song phải nhờ đến sự giúp đỡ của lực lượng công binh mới phá được những tảng đá sừng sững xám ngắt mở lối vào hang. Khi làn khói của khối bộc phá vừa tan, bước vào trong hang núi, cả đoàn oà khóc. Những bộ hài cốt nằm chồng chất lên nhau bên những chiếc thắt lưng và mũ tai bèo mục nát. Những hòm đạn, những khẩu súng dựng bên những chiếc bi-đông hoen rỉ. Chị Năm Nghĩa vừa khóc, vừa điểm danh từng người: Cả “bé” Tuyết, “bé” Bảy tay đeo đồng hồ, chị Sáu Hoà đeo bông tai… Vẫn còn thiếu một đồng chí. Chị Năm Nghĩa bảo: “Thanh Hà đang giục nhanh xuống núi kẻo trời tối không kịp đón một liệt sĩ nữa”.
 
Đoàn tìm kiếm vội vã xuống núi. Vừa đến chân núi, ngay cạnh con suối hồi sáng đi qua, chị Năm Nghĩa bỗng dừng lại vì nghe thấy tiếng Thanh Hà: “Đây! Mộ tôi đây”. Hai bàn chân chị bỗng nóng giãy, bỏng rát như người bị hơ lửa. Đó là tín hiệu chị thường nhận được khi có hài cốt bên dưới. (Những hôm đi rừng tìm kiếm hài cốt, bao giờ chị cũng phải đi bít tất dày và giày ba-ta là vì vậy). Đoàn nhanh chóng lôi cuốc xẻng ra đào. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, hố đào sâu được ngang thắt lưng. “Bây giờ tới phiên em”. Anh Khánh trong đoàn đưa tay đỡ chị Năm xuống hố. Từng vốc, từng vốc đất chị Năm gợt lên tay săm soi kỹ. “Đây rồi”. Chị reo lên. Hàng chục con mắt nhìn xoáy vào bàn tay chị. Vốc đất trắng ngà lẫn màu nâu – dấu vết thịt xương người chết bị phân huỷ. Nửa giờ sau, sọ, răng người lộ ra. Chị Năm khẽ khàng nhặt từng mảnh cho vào túi nylon. Mỗi lần nhặt thêm một mẩu xương, một chiếc răng, khuôn mặt chị đỏ bừng, rạng rỡ. “Bả vậy đó. Vào việc là quên hết mọi sự xung quanh”. Anh Khánh khe khẽ nói. Chị Năm thì nghèn nghẹn bảo: “Thế đấy, các anh ạ. Các đồng chí “dưới đó” sống rất tình nghĩa. Liệt sĩ Thanh Hà lo trước, xong xuôi cho mọi người rồi mới đến lượt mình”. Nói đoạn, chị lại bưng mặt khóc tu tu mặc cho đôi bàn tay còn lấm lem bụi đất.

Kỳ 7: Hầm mộ tập thể và chuyện người chết… đi tìm người sống
 
Hoàng Anh Sướng

Bạn đang đọc bài viết "Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: Chiếc đầu lâu cắm bút, con dao găm và bà mẹ già mỏi mắt chờ con (Kỳ 6)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.