Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: "Binh pháp"… ở rừng và những câu chuyện đường rừng ly kỳ, huyền hoặc (Kỳ 3)

30/07/2015 11:44

Theo dõi trên

Trong suốt cuộc đời ăn rừng, ngủ núi, có những câu chuyện hãi hùng mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi kể lại, chị Năm Nghĩa vẫn thấy lạnh sống lưng và thấy lòng rưng rưng vì sự bao dung huyền bí của đất mẹ đại ngàn và phép nhiệm màu mà các liệt sĩ đã phù hộ độ trì cho chị.


Từ những cánh rừng đại ngàn thuộc Miền Đông Nam bộ như rừng Tây Ninh, rừng Trị An, Trung ương cục, Mặt trận giải phóng Miền Nam, Gò Dầu… đến chiến trường khu Đ, Tam giác sắt, Dương Minh Châu. Từ những dãy núi vòi vọi cao, hiểm trở như Núi Bể, núi Minh Đạo, Mây Tàu, Tóc Tiên, núi Dinh… đến những khu rừng nguyên sinh không một dấu chân người như rừng Tánh Linh, Mã Đà, Pù Răng Lập… Điều kỳ lạ là suốt ngần ấy năm trời, chị chưa một lần bị sốt rét, ốm đau hay cảm mạo, cũng chưa một lần bị rắn rết cắn hay thú dữ tấn công…

Băn khoăn hỏi: “Chị có bí quyết gì không?”. Chị tếu táo đùa: “Có chứ. Nhiều lắm. Sau này về già, có thời gian, chị sẽ viết một cuốn… binh pháp đi rừng, ở rừng để lưu cho hậu thế”. Nụ cười chưa kịp tắt, đôi mắt chị đã ầng ậng nước. Chị nghèn nghẹn: “Các liệt sĩ phù hộ cho chị đấy. Các chú, các anh xua đuổi rắn độc, thú dữ cho chị, dạy chị cách đi đứng, cách ăn ngủ ở rừng. Em bảo chị một thân một mình ở rừng, ốm đau thì chỉ có nước chết”.

Những câu chuyện đường rừng của chị vô cùng ly kỳ, huyền hoặc mà kể ra đây, ít người có thể hình dung nổi.

Trăn quấn hai đầu võng, voi giày và thân cây bằng lăng khô

Hành trang đi rừng của chị bao giờ cũng gồm: tăng, võng, hai lá cờ. Một lá cờ tổ quốc, một lá cờ giải phóng, chị thường cắm trên nóc lán trại, các liệt sĩ về, nhìn thấy, rất vui. Vải đỏ để gói hài cốt, thuốc men, cuốc xẻng… Sau này, năm 1998, chị tìm được hài cốt cho bố đồng chí Tuấn, cán bộ Sở công an tỉnh Tây Ninh, tít tận biên giới Cam-Pu-Chia, được đồng chí tặng cái cuốc Mỹ, sản xuất từ năm 1952, cán bóng lộn lên, trông rất đơn giản nhưng vô cùng tiện dụng. Vừa làm xẻng, vừa làm thuổng, vừa làm cuốc. Một đầu ghè đá, một đầu làm cuốc. Mở ra là thuổng, gấp lại là xẻng, để trong ba lô rất gọn. Chị nâng niu chiếc cuốc này như báu vật, phong cho nó là “thần cuốc”.

Về lương thực, dù chuyến đi ngắn ngày dăm bữa nửa tháng hay dài ngày vài tháng trời chị cũng chỉ gùi được 10 kg gạo và 5kg mỳ tôm, thứ mỳ tôm rẻ tiền nhất (5.000đ/ký), rất hôi, người thành thị chẳng ăn bao giờ. Vì thế, chuyện ăn uống ở rừng chị phải tính toán chi ly, tằn tiện đến mức tối đa. Mỳ bao giờ cũng phải ăn trước để tránh mốc. Tiêu chuẩn mỗi ngày một gói. Trưa nửa gói, chiều nửa gói. Hết mỳ mới dùng đến gạo. Có điều, chị không dám nấu cơm bao giờ vì như thế rất tốn. Chị chỉ nấu cháo. Mỗi bữa chị đong miệng chén (cái chén uống trà mà hàng ngày mẹ chị vẫn dùng ở nhà). Sở dĩ chị phải tằn tiện đến mức bóp mồm bóp miệng như thế là vì sợ trong rừng có nhiều liệt sĩ, ở lâu, không chia như thế, lấy gì mà ăn. Lo xa, ngày ngày chị vẫn ăn chen vào trái cây rừng: khi quả sung, quả gùi, khi quả mây, quả bình bát… Chuyến ngược rừng nào mà vớ được cây sung thì chị sướng rơn như người hành khất vớ được của, lập tức hạ trại. Quả sung rừng to như nắm tay người lớn. Bữa chén một quả, uống một bát nước thì no căng rốn.

Trong suốt cuộc đời ăn rừng, ngủ núi, có những câu chuyện hãi hùng mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi kể lại, chị Năm Nghĩa vẫn thấy lạnh sống lưng và thấy lòng rưng rưng vì sự bao dung huyền bí của đất mẹ đại ngàn và phép nhiệm màu mà các liệt sĩ đã phù hộ độ trì cho chị. Đó là chuyến thượng sơn đầu tiên chị đến với cánh rừng đại ngàn Tánh Linh, cánh rừng rậm rạp, hoang vu, lạnh lẽo bậc nhất ở Việt Nam. Đường đi vô cùng gập gềnh, hiểm trở. Tán rừng ken dầy, tầng tầng lớp lớp. Lá mục ngập bàn chân. Vắt rừng nhiều đến độ như một nong tằm khổng lồ, vừa ngửi thấy hơi người là bật nhảy rào rào. Mệt đến đứt hơi mà chị không dám ngồi nghỉ. Vì là chuyến đầu tiên thâm nhập vào cánh rừng thiêng nước độc mênh mông, ngờm ngợp này nên chị vừa đi, vừa phạt cò (đánh dấu đường). Các liệt sĩ dặn chị: “Người dân tộc ở đây họ phạt tròn. Đồng chí phải phạt nhọn kẻo nhầm là mất đường về”. 

Tánh Linh nổi tiếng là chốn rừng thiêng nước độc, nhiều thú dữ, rắn rết. Các liệt sĩ cũng dặn dò kỹ chị cách phòng rắn. Nếu bị rắn độc cắn thì xử lý thế nào, hái cây gì để đắp… Chị nhớ như in trong đầu. Nhưng suốt mấy tháng lang thang trong rừng rậm vạch từng lùm cây, bụi cỏ, (và hơn chục năm trời ở nhiều cánh rừng khác nữa), chị tịnh không gặp một con rắn nào. Chị bảo, có lẽ các liệt sĩ đã đi trước mở đường xua đuổi rắn cho chị.

Chị không nhớ là mình đã lội qua bao con suối, dốc đèo. Mỗi lần lội qua suối là quần áo ướt sũng. Chưa kịp khô, lại lội, lại ướt. Đi bộ đến bợt bạt chân thì hiện lên một con dốc dựng đứng. Chưa kịp phạt cò đánh dấu đường đã nghe phía đỉnh dốc tiếng réo gọi: “Lên đây đồng chí ơi. Trên này nhiều gió mát lắm. Anh em chúng tôi đã đứng đợi đồng chí lâu quá rồi”. Ngửa cổ nhìn, thấy thấp thoáng bóng mấy chiếc áo xanh bộ đội. Bàn tay nào đang vẫy gọi thiết tha.

Đêm đầu tiên ở rừng, chị đốt lửa ngồi hát suốt đêm. Toàn những bài hát sục sôi, vui nhộn thời chống Mỹ. Gà rừng, thỏ, hươu, nai… từ đâu kéo về từng đàn, xúm xít dưới chân chị. Chị bốc gạo cho chúng ăn cứ y như đàn gà nhà ngày trước chị vẫn chăm mỗi chiều khi đi làm đồng về. Rồi chị thiếp đi lúc nào không biết. Sáng ra, tỉnh dậy, mở mắt nhìn, chị kinh hoàng: Hai con trăn hoa to như bắp chân người lớn quấn hai đầu võng. Hai con mắt đen như hạt đậu đang chằm chằm nhìn chị. Chị ngã bật khỏi võng, toan ù té chạy thì bỗng sững người như Từ Hải chết đứng: Cách võng chị nằm chừng ba mét, những vết chân hổ to như vết chân con bê, sâu dễ chừng đến 5cm. Cỏ rừng bị giẫm đạp nát một vùng. Chị ngã khuỵu xuống, chắp tay lạy như tế sao: “Con lạy Bồ Tát đừng hù doạ con. Con hãi lắm”.

Buổi sáng hôm ấy, chị lại một lần nữa bạt vía kinh hồn trước sự hù doạ của chốn rừng thiêng. Đang mướt mả mồ hôi chặt bụi mây rừng và đám cỏ gianh cao lút đầu người để đào hầm hài cốt tập thể, chị bỗng nghe thấy tiếng lá cây kêu rào, rào. Căng mắt nhìn về phía phát ra tiếng động, chị phát hiện thấy xa xa có hai cái tai voi màu xám gan gà đang phe phẩy, phe phẩy. Con voi rừng đang mải miết bẻ ngọn, bẻ lá cây ăn. Rất may cho chị là chị lại đứng ở cuối hướng gió nên voi chưa ngửi thấy hơi người. Kinh nghiệm đi rừng nhắc nhở chị rằng: gặp voi dữ, tiến lên hay thụt lùi đều nguy hiểm như nhau. Tốt nhất là đứng im và leo tọt lên một cái cây gần đó. Nhanh như cắt, chị leo lên trên một tán cây thấp trong khu rừng khộp, nín thở. Ông bồ tượng đi qua, vẫn đủng đỉnh bẻ lá lùa vào miệng. Sợ quá, mồ hôi túa ra ướt đầm áo, chị tụt xuống. Miệng lầm rầm cảm ơn trời phật vì ông tượng mà nhìn thấy, ông chỉ cho một vòi là thịt nát, xương tan.
 
Hoạ vô đơn chí, vừa nghĩ đến đấy thì chị lại tiếp tục bị khựng lại bởi một ông tượng màu xám bạc đi ngược chiều. Ông này không ve vẩy tai, nhai cây lá, ông rống liên hồi với những âm thanh nghe nhức tai, rợn óc. Bởi ông đã ngửi thấy hơi người. Ngay lập tức, ông lao về phía chị. Chị Năm Nghĩa nhìn quanh, không có bờ bụi, cũng chẳng có thân cây nào mà trèo. Bỏ chạy ư? Đừng hòng thoát thân. Mắt chị bỗng găm vào một thân cây gỗ mục, dọc thân có một lỗ to tướng. Chị lao đến, rúc vào, thấy vướng. Thì ra lưng chị vẫn đeo chiếc ba lô. Chị cuống cuồng trút ba lô khỏi vai, vứt ra xa rồi rúc vào hốc cây bằng lăng định mệnh ấy. Con voi khổng lồ dữ tợn đã nhìn thấy tất cả. Nó vươn vòi ôm khúc gỗ nâng lên trời rồi nện xuống. Gỗ bằng lăng không vỡ. Nó bèn thò vòi vào cái lỗ mà chị Năm Nghĩa nằm co quắp như con sâu. Nó sờ, nó hít. Chị Năm Nghĩa nằm im thin thít, nín thở. Có thể ông tượng nghĩ cái sinh linh nhỏ bé tội tình ấy đã chết nên sờ hít chán, nó lại quay ra ăn lá rừng. Ăn một lúc, ông lại thò vòi vào gốc cây bằng lăng, sờ thử lên ngực chị. Chị Năm Nghĩa lại nín thở. Mãi rồi, chắc ông tượng nghĩ là chị đã chết nên lấy vòi gom lá khô, bẻ cây chuối rừng đắp lên khúc bằng lăng rồi bỏ đi. Ông tượng đi lâu lắm rồi chị Năm mới dám bò ra khỏi khúc gỗ. Chị lại cúi rạp xuống đất còn vương vãi cứt voi mà lạy, mà xin: “Con lạy bác voi, cô voi, chú voi. Đừng lại gần con, con sợ lắm”.
 
Kỳ 4: Bát cháo hoa màu nhiệm. Kẽo kẹt gánh 60 hài cốt ra khỏi rừng…
 
Hoàng Anh Sướng

Bạn đang đọc bài viết "Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: "Binh pháp"… ở rừng và những câu chuyện đường rừng ly kỳ, huyền hoặc (Kỳ 3)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.