Khát vọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"

01/11/2022 10:56

Theo dõi trên

Quốc hội vừa bước qua hai ngày thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023. Những vấn đề về công tác cán bộ lại một lần nữa được các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm, cho ý kiến tại Hội trường Diên Hồng.

avatar1667267519958-16672675203981061778720-1667274533.png

Theo dõi suốt hai ngày thảo luận, có thể thấy rằng, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình với đường lối đối ngoại mềm dẻo, nhất quán trong bảo vệ độc lập chủ quyền của Đảng, Nhà nước, linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng khi nhìn một cách khách quan, tổng thể, tăng trưởng kinh tế dù có sự khởi sắc nhưng chưa thực sự đảm bảo cân đối, bền vững; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các dự án trọng điểm quốc gia chưa đảm bảo tiến độ; vấn đề điều hành xăng dầu còn nhiều tồn tại; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có nguy cơ đe dọa đến việc đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; lĩnh vực văn hóa chưa thực sự được quan tâm, đầu tư xứng tầm với kinh tế như kỳ vọng…

Một vấn đề làm "nóng" nghị trường Quốc hội những ngày qua được nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng và dành nhiều thời gian thảo luận đó là công tác cán bộ trong thời gian qua. Cụ thể như: Tình trạng nhiều cán bộ quản lý sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm, không dám cống hiến; Hay những cán bộ biết sai vẫn làm, vì cái lợi trước mắt mà sẵn sàng "dẫm đạp" lên niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong những thời điểm đất nước đang phải đối mặt với khó khăn; "làn sóng" cán bộ nghỉ việc trong hai năm qua dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực…

anh-minh-hoa-ctcb-01-16672102516711122093444-1667267520519-16672675206171425119688-1667274574.png

Không băn khoăn, xót xa sao được khi đất nước vừa bước qua "trận ốm dai dẳng" bởi Covid-19. Thời điểm mà Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đang nỗ lực để cụ thể hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, trong đó, nguồn nhân lực là một trong ba mũi đột phá chiến lược.

Nhắc lại để nhớ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII rất coi trọng việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mỗi con người Việt Nam; phát huy cao nhất nhân tố con người. Đảng cũng xác định, việc khơi dậy nguồn lực con người trong bối cảnh hiện nay phải kết hợp hài hòa giữa tạo dựng kế hoạch phục vụ công cuộc đổi mới đất nước mang tầm nhìn lâu dài gắn với xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên.

Thế nhưng, nhìn từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay, khi mà công cuộc phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng vẫn đang "cháy rừng rực", 4 ủy viên BCH Trung ương Đảng đương nhiệm, trong đó 1 Bộ trưởng, 1 cựu Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, và còn biết bao cán bộ cấp cao từ Trung ương đến địa phương, lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn lần lượt "vào lò", đủ để chúng ta thấy rằng, công tác cán bộ đang đứng trước những nguy cơ, thách thức vô cùng lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn "Cán bộ là gốc của mọi công việc". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng khẳng định: "Xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt". Công tác cán bộ ở bất kỳ thời nào cũng vậy, luôn là yếu tố quyết định đi đến thành công của mọi chủ trương, đường lối.

Nhìn lại công tác tổ chức cán bộ tại Bộ VHTTDL, đây là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nên công tác cán bộ cũng đòi hỏi sự khác biệt. Có thể thấy rằng, cùng với các lĩnh vực khác, trong thời gian qua, những cán bộ đang công tác trong ngành Văn hóa- Thể thao- Du lịch hiện nay cũng đang "nhìn lại mình" để tự soi, tự sửa, làm sao để xứng đáng với những kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, thực sự để là những cán bộ gương mẫu trong lĩnh vực "Soi đường cho quốc dân đi" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn, kỳ vọng.

Chúng tôi vẫn còn nhớ như in cuộc gặp với Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng từ những ngày ông vừa mới từ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị được điều động ra làm Thứ trưởng, sau đó được Quốc hội phê chuẩn, đảm nhiệm giữ chức vụ "Tư lệnh" ngành. Trong một căn phòng nhỏ, ấm áp trong khuôn viên trụ sở Bộ VHTTDL giữa tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, câu chuyện về công tác cán bộ vừa là khởi đầu và cũng là xuyên suốt của chúng tôi với tân Bộ trưởng.

anh-minh-hoa-ctcb-02-16672102516951289739291-1667267523944-1667267524015701925458-1667274606.png

Nhấp một ngụm trà ấm nóng với ánh mắt suy tư, bằng cách xưng hô gần gũi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với chúng tôi: "Các bạn là những nhà báo đầu tiên mà mình tiếp tại phòng làm việc kể từ khi giữ chức Bộ trưởng. Mình chia sẻ với các bạn vì mình hiểu, nhà báo luôn là những người quan sát trung thực, có chiều sâu về sự đánh giá của bất kỳ ngành, lĩnh vực và thời kỳ nào. Các bạn lại là người làm công tác báo chí trong lĩnh vực VHTTDL nên chắc chắn lại càng hiểu rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ trong lĩnh vực chúng ta đang hoạt động".

Trong cuộc nói chuyện này, chúng tôi được tân Bộ trưởng thẳng thắn bộc bạch suy nghĩ của mình. Ông nói: "Nhiệm kỳ của một Bộ trưởng nhanh lắm, mình cũng vậy, nhưng trong nhiệm kỳ này, mình thực sự muốn làm một điều gì đó để xã hội không còn nghĩ ngành của chúng ta chỉ là tiêu tiền, chỉ là "có vui mới đến". Chúng ta phải thay đổi tư duy từ "làm văn hóa" sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật. Cán bộ ngành VHTTDL phải là những người có khát vọng, "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"".

Từ những trăn trở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã xác định, văn hóa phải được quan tâm, đầu tư xứng tầm với kinh tế, ước mong của mình cũng vậy. Bước đột phá đầu tiên khi mình giữ chức Bộ trưởng đó là hoàn thiện thể chế, sau đó sẽ là công tác cán bộ với một quyết tâm xuyên suốt là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến". Mình biết khó, nhưng càng khó càng phải làm".

Câu chuyện giữa tân Bộ trưởng và chúng tôi kéo dài chưa đủ lâu để có thể hiểu hết được những tâm tư, khát vọng làm "chuyển biến" lĩnh vực VHTTDL của ông. Nhưng, những gì ông làm sau đó lại khiến chúng tôi, những người đang công tác trong ngành VHTTDL hiểu được quyết tâm đó là có thật. Giữa năm 2021, khi ông Nguyễn Văn Hùng nắm giữ chức vụ Bộ trưởng, "Tư lệnh" ngành VHTTDL thời điểm đó đã xác định phương châm xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến".

Trong hai năm qua, nhờ tập trung mọi nguồn lực cho công tác rà soát điểm nghẽn để hoàn thiện thể chế pháp luật, ngành VHTTDL đã có được những thành tựu về thể chế để làm hành lang pháp lý cho những nhiệm kỳ tiếp theo như: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), đây là bộ Luật quan trọng để ngành thực hiện một trong những mũi nhọn của chiến lược công nghiệp văn hóa; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang được Quốc hội cho ý kiến, sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 4….

Được biết, năm 2021 là năm đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức triển khai thí điểm việc ký kết trách nhiệm của Thủ trưởng cấp Tổng cục, Cục, Vụ với Bộ trưởng theo hướng giao việc có trọng tâm, trọng điểm và có sản phẩm đầu ra cụ thể. Nội dung cam kết đi sâu vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể và có sản phẩm đầu ra, được Bộ trưởng "đặt hàng" với 21 thủ trưởng các cơ quan hành chính với tổng số 97 nhiệm vụ.

va-2352346346-1667274933.jpg

Bước vào năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng xác định chủ đề công tác năm là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ". Trong đó, công tác tổ chức cán bộ hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng và khát vọng cống hiến. Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, theo thống kê, tính từ năm 2015 đến những tháng đầu năm/2022, Bộ VHTTDL đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan hành chính: Giảm 1 cơ quan hành chính thuộc Bộ và và 27 phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc cơ quan chính thuộc Bộ (tương ứng giảm 37,5%); giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập (tương ứng giảm 10%) và 395 phòng chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ (tương ứng giảm 35,8%)…

Bộ VHTTDL cũng đã thực hiện tốt việc luân chuyển công chức và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo nguồn cán bộ kế cận chất lượng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo trẻ, đáp ứng với yêu cầu "biết nhiều việc, chuyên sâu 1 hoặc 2 việc".

Trong năm qua, Bộ đã tập trung kiện toàn bộ máy, trong đó có các vị trí quan trọng, chủ chốt theo đúng quy trình, quy định như: Tổng cục trưởng Thể dục thể thao trong một thời gian dài "khuyết" chức danh này; bổ nhiệm Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn; luân chuyển, bổ nhiệm hai vị trí Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính…

Để chứng minh năng lực, hiệu quả trong công tác cán bộ chắc hẳn vẫn cần một thời gian dài, nhưng với quyết tâm, khát vọng của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, hoàn toàn có thể đặt niềm tin về sự chuyển biến tích cực, một bức tranh sáng trong lĩnh vực Văn hóa- Thể thao- Du lịch trong những năm tiếp theo bằng sự đột phá, dám cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL với một tâm thế mới, khí thế mới, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với ngành./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Khát vọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.