Khẳng định vị thế, uy tín quốc gia trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản

26/01/2023 14:49

Theo dõi trên

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, các di sản văn hóa ở nước ta được kiểm kê, xếp hạng, vinh danh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, thu hút khách du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế nhân dân và địa phương.

quoc-tu-giam-hue-01-1-1674719268.jpg
Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các Di sản Thế giới được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan (ảnh minh họa)

Gam màu sáng của bức tranh di sản 2022

Cả nước hiện có hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong Danh mục kiểm kê, trong đó có trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.601 di tích quốc gia, 123 di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện nay, chúng ta đã có 28 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 08 di sản văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 07 di sản tư liệu). Hệ thống bảo tàng Việt Nam có 194 bảo tàng (128 bảo tàng công lập, 66 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ gần 6 triệu hiện vật, 238 bảo vật quốc gia.

Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các Di sản Thế giới được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan, tìm hiểu góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua con đường du lịch, giao lưu và hợp tác văn hóa.

Năm 2022 đánh dấu việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều thành tựu rực rỡ. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo khẩn cấp; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương góp phần nâng cao vị thế của quốc gia về văn hóa.

Cùng với đó, Thủ tướng cho phép chỉnh sửa, bổ sung tên gọi Hồ sơ khoa học di sản "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; Hồ sơ "Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam" gửi UNESCO đề cử ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh), Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Hang Con Moong (Thanh Hóa) để trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới; hồ sơ trình UNESCO vinh danh, kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác….

Các di tích, di sản trong nước cũng được tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị. Thủ tướng đã Quyết định xếp hạng 12 di tích quốc gia; đưa 46 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 42 địa điểm.

Đặc biệt, việc đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ Pháp về Việt Nam nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của dư luận và nhân dân, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2022.

Trên trường quốc tế, Việt Nam đã trúng cử 1/24 thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín quốc gia trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói riêng và vị thế, uy tín quốc gia nói chung.

Năm 2001, loại hình di sản văn hóa phi vật thể được chính thức quy định tại Luật Di sản văn hóa, tạo một bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa phi vật thể, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Vai trò của cộng đồng chủ thể tiếp tục được chú trọng trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật DSVH năm 2009.

Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực hành di sản của cộng đồng chủ thể. Họ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp; là những người "kiến tạo xã hội mang mầu sắc truyền thống". Họ vừa giữ gìn, thực hành, sáng tạo, làm giầu vốn di sản văn hóa văn hóa phi vật thể nói riêng và văn hóa nói chung. Nhận thức rõ điều đó, Bộ VHTTDL đã xác định và đang thực hiện các giải pháp nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa này như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách tôn vinh và đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Qua ba đợt xét phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2015, 2019 và năm 2022, đã có 1.881 cá nhân được phong tặng, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

gom-1-16702249-1674719320.jpg
Nghệ thuật Gốm Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Phát huy giá trị di sản thành "sức mạnh mềm"

Để thực sự phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa, của di sản văn hóa trong công cuộc xây dựng công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, như: Sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó quy định việc phân cấp, phân quyền về di sản văn hóa trên tất cả các lĩnh vực di tích, bảo tàng, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu đảm bảo phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định rõ hơn nội dung các hoạt động nhằm thu hút, thúc đẩy xã hội hóa; hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định về mô hình hợp tác công tư trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa… nhằm giải quyết triệt để những "điểm nghẽn" tạo động lực cho sự phát triển, để di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ VHTTDL cũng tiếp tục tăng cường, củng cố và làm sâu sắc thêm các quan hệ, hợp tác song phương, đa phương sẵn có trong lĩnh vực di sản văn hóa với các quốc gia như: Ấn Độ, Bỉ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới, với các tổ chức quốc tế như: UNESCO, Hiệp hội bảo tàng quốc tế ICOM... Cùng với đó là mở rộng thêm các quan hệ, hợp tác mới.

Tham gia hiệu quả, tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm là thành viên của các tổ chức, Ủy ban của các Công ước quốc tế về lĩnh vực di sản văn hóa của UNESCO (đã phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO).

mo-muong-165942-1674719359.jpg
Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động hỗ trợ, khai thác các nguồn lực di sản của nghệ nhân, người nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chủ động đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại thông qua việc cung cấp đội ngũ chuyên gia trình độ cao, uy tín quốc tế để tham gia vào các hoạt động hợp tác, đóng góp chuyên môn sâu cho các tổ chức chuyên môn của UNESCO (như Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hiệp hội bảo tàng quốc tế ICOM, Chương trình ký ức thế giới). Đồng thời, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đảo nhỏ, về kiến thức, kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ trình UNESCO xếp hạng, ghi danh, trong hoạt động bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Một trong những nhiệm vụ của năm tới là tiếp tục nhận diện, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO xếp hạng, ghi danh để thế giới biết rõ hơn về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc và lịch sử lâu đời của đất nước, con người Việt Nam.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần hỗ trợ cộng đồng, nghệ nhân thực hiện tốt nhất các hoạt động: kế thừa, thực hành, truyền dạy và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, gắn bó mật thiết tới các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng; Hỗ trợ kinh phí cho những hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; Khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động quảng bá, giới thiệu, chia sẻ thông tin về nghệ nhân, người nắm giữ, thực hành di sản và về di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ; Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động hỗ trợ, khai thác các nguồn lực di sản của nghệ nhân, người nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quảng bá sâu và rộng hơn nữa về các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam ở trong nước và với bạn bè thế giới, gắn bảo vệ và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, để di sản trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn với bạn bè thế giới./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Khẳng định vị thế, uy tín quốc gia trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.