Khăn đóng Gò Công có 2 loại: Loại quấn dành cho những người đàn ông theo phong tục xưa hay để tóc búi. Loại này may sẵn một băng dài, bề bản khoảng 2,5 cm. Khi sử dụng, người ta quấn khăn một cách khéo léo và chít chữ “人” (chữ “nhân” trong tiếng Hán, là phần chính diện của khăn, có hình hai đường cong bắt chéo nhau) ngay trên đỉnh trán.
Bởi vì, theo quan niệm của xã hội phong kiến thì chữ “nhân” được coi là đạo làm người. Loại thứ hai là khăn quấn sẵn dành cho những người đàn ông không để búi tóc. Đây là loại khăn đội kín đầu và cũng được quấn một cách khéo léo và độc đáo.
Về kỹ thuật, người làm khăn đóng Gò Công chăm chút từng đường kim, mũi chỉ để đường may “nhặt”, vải không bị nhăn nhúm hay đùn, tạo cho chiếc khăn đóng rất bền chắc, có khi dùng vài chục năm mà không hư.
Tuy nhiên, khâu quan trọng trong làm khăn đóng chính là đặt chữ “nhân” phải đặt ngay trung tâm, chia đều hai bên, khoảng giao thẳng xuống sống mũi. Chiếc khăn đóng có đẹp hay không phụ thuộc vào đường cong của chữ nhân phải sắc sảo, tinh tế.
Làm khăn đóng nhất định phải theo nguyên tắc “nam thất, nữ cửu”, nghĩa là khăn đóng của nam giới có 7 lớp kết chặt vào nhau, phần phía trước của khăn bao giờ cũng phải cao hơn phần phía sau nhờ có các nếp giả, để khi đội đầu khăn đóng được cân đối, mặt khăn vươn cao và phía sau nhẹ đi.
Thường thì khăn đóng được kết hợp chung với chiếc áo dài cùng màu sắc hay họa tiết hoa văn, nhưng dù là loại kín đầu hay hở đầu thì khăn đóng Gò Công nổi tiếng là nhờ nếp xếp rất đều, thanh thoát và chữ “nhân” trên đỉnh trán rất chuẩn và đẹp.
Trước mức độ hiện đại của cuộc sống mới nên khăn đóng bị giới hạn trong phạm vi không gian sử dụng. Khăn đóng chỉ còn sử dụng trong nghi thức thờ cúng của các ban phụng sự vào các dịp cúng đình, cúng miễu hay lễ kỳ yên.
Hiểu được nét đẹp văn hóa trang phục của ông bà xưa, nên hiện nay, trong các dịp cưới, hỏi, thanh niên cũng sử dụng khăn đóng cùng với chiếc áo dài cách tân trong ngày hạnh phúc của mình.
Tuy nhiên, chiếc khăn đóng hiện nay được quấn theo kỹ thuật hiện đại, có sự cách tân về kiểu dáng nhưng vẫn giữ được nét văn hóa “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc. Dù mức độ sử dụng không còn phổ biến như ngày xưa, nhưng với người dân thì khăn đóng Gò Công vẫn mang nét đẹp văn hóa của một thời.